Sau 7 năm được phê duyệt, tuyến đường dài hơn 2,2km vẫn dang dở, gây ùn tắc, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân.

Dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang 50m. Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa), điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).

Dự án được phê duyệt từ tháng 12.2017, với tổng mức đầu tư thời điểm đó gần 7.800 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 6.400 tỉ đồng, xây dựng đường 627 tỉ đồng.

Tình trạng ùn tắc diễn ra trên đường La Thành. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Tình trạng ùn tắc diễn ra trên đường La Thành. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Theo ghi nhận của Lao Động, tại đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, thuộc dự án đường Vành đai 1, vào giờ cao điểm xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ, hàng dài người dân phải đứng chôn chân.

Tại thời điểm ghi nhận ngày 8.4, công tác giải phóng mặt bằng vẫn ì ạch; một số vị trí đã giải phóng xong trở thành bãi trông giữ xe ôtô.

Diện tích giải phóng mặt bằng xong được tận dụng làm bãi trông xe. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Vị trí giải phóng mặt bằng xong được tận dụng làm bãi trông xe. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Thường xuyên di chuyển qua đường La Thành, anh Trần Trung Thông (32 tuổi, Láng Thượng, Ba Đình) mong dự án sớm hoàn thiện để việc di chuyển của người dân dễ dàng hơn.

“Mỗi giờ cao điểm đều như ác mộng với tôi, đặc biệt vào những ngày mưa, đường La Thành nhỏ nhưng lượng phương tiện thì rất lớn, nên tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra”, anh Thông nói.

Ảnh: Vĩnh HoàngDự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có chiều dài 2.274m. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục.

Theo đó, giảm mặt cắt ngang đoạn tuyến qua khu vực Đài Truyền hình Việt Nam. Phần ngoài chỉ giới phân kỳ tách ra khỏi dự án đầu tư theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội.

Nhiều hộ dân trong diện giải toản thực hiện dự án Vành đai 1 Hà Nội vẫn chưa di dời vì không chấp nhận mức đền bù. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhiều hộ dân trong diện giải tỏa thực hiện dự án Vành đai 1 Hà Nội vẫn chưa di dời vì không chấp nhận mức đền bù. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đến nay, các đơn vị liên quan đã thực hiện đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất và kiểm đếm tài sản được 1.969/2.005 hộ dân (98,2%); xác nhận nguồn gốc đất của 1.859/1.969 hộ dân đã kiểm đếm tài sản (94,4%).

Hiện tại đã có 104 hộ dân bàn giao mặt bằng; 96 hộ đã phá dỡ thu hồi mặt bằng. Còn lại 171 hộ đủ điều kiện thu hồi mặt bằng, UBND các phường liên quan đang khảo sát, lên phương án, dự kiến trong tháng 3 tiến hành phá dỡ.

“Với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng xong, cần bàn giao ngay cho chủ đầu tư để triển khai thi công. Cùng đó, cần tiếp tục khẩn trương đo đạc, kiểm đếm, cố gắng hoàn thành phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng còn lại trong tháng 4.2024. Đối với Sở Xây dựng, sớm trình UBND thành phố các quyết định bàn giao nhà tái định cư, ưu tiên cho dự án này”, bà Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu.