Với giá bán ếch từ 53.000 – 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lãi hơn 20.000 đồng/kg.
Tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nuôi ếch đã hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ếch là mặt hàng tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Nuôi nhiều nhất là ở thị trấn Mỹ An và các xã Mỹ An, Mỹ Đông và Láng Biển.
Ông Lê Minh Sĩ ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười có trang trại nuôi ếch quy mô 3 ha. Do trồng lúa kém hiệu quả, khoảng 7-8 năm nay ông đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi ếch (mô hình nuôi ếch thịt và ếch giống). Với giá bán như hiện nay, ông thu lãi lớn.
Người nông dân nuôi ếch ở huyện Tháp Mười chọn mô hình trong vèo, mỗi vèo có diện tích 40 m2, thả 10.000 con. Mỗi vụ nuôi 2 tháng là xuất bán, sản lượng mỗi vụ khoảng hơn 20 tấn. Theo nhiều bà con nuôi ếch ở huyện Tháp Mười chi phí nuôi 1kg ếch thương phẩm từ 30.000-32.000 đồng, bao gồm con giống, thức ăn, thuốc điều trị, chưa tính công chăm sóc. Cho nên, giá ếch thịt phải đạt từ 30.000 nghìn đồng/kg trở lên thì mới có lời. Với điều kiện là thời gian nuôi chỉ 2 tháng, nếu kéo dài thì phần lãi càng ít.
Theo tính toán của anh Huỳnh Tấn Phúc, ở xã Phú Điền, nếu 1.000 m2 mặt nước làm 10 vèo ếch, mỗi vèo 60 m2, thả 15.000 con giống. Trước đây với 1.000 m2 đất trồng lúa mỗi vụ lãi chưa được 2 triệu đồng, nhưng với diện tích này, nuôi ếch thu vài chục triệu đồng.
Để phát triển mô hình nuôi ếch ở Tháp Mười bền vững, huyện đã chọn ngành hàng ếch trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Phấn đấu phát triển đàn ếch 50 triệu con/năm.
UBND huyện Tháp Mười vừa ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng ếch của huyện đến năm 2025, với mục tiêu tạo ra vùng nuôi ổn định, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Theo kế hoạch, huyện phấn đấu duy trì và phát triển đàn ếch đạt 50 triệu con/năm, với diện tích mặt nước thả nuôi trên 60 ha; có 1 – 2 công ty, doanh nghiệp sơ chế, chế biến ếch ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với người chăn nuôi; có ít nhất 2 sản phẩm từ ếch đạt 3 sao theo Chương trình OCOP.
Huyện sẽ tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ hộ nuôi tiếp cận khoa học – kỹ thuật trong nuôi trồng và công nghệ sau thu hoạch. Các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền sẽ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và quản lý trong vùng nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi từ cung ứng vật tư sản phẩm đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra; thường xuyên rà soát tình hình hoạt động liên kết để kịp thời phát hiện và hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động, hoàn thiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nuôi ếch để nhân rộng.
Theo UBND huyện Tháp Mười, đến năm 2025 toàn huyện có 3.104 vèo nuôi ếch với 278 hộ nuôi; trong đó, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Mỹ An với 728 vèo/55 hộ; xã Mỹ An 625 vèo/58 hộ; xã Mỹ Đông 591 vèo/24 hộ; xã Láng Biển 420 vèo/16 hộ.
Nguyễn Văn Trí