Dịp Tết Nguyên đán này, một số hộ dân ở xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn giữ nét truyền thống, sản xuất mật mía thủ công bằng sức trâu
Xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) có hơn 100 hộ trồng mía. Khoảng một tháng nay, người dân nơi đây tất bật với công việc thu hoạch nguyên liệu mang về nhà tạo ra những mẻ mật thơm ngon, chất lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong khi những hộ khác đã áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, gia đình ông Trần Văn Long (58 tuổi), bà Lê Thị Quý (56 tuổi, thôn 3, xã Thọ Điền) vẫn sản xuất mật mía thủ công bằng sức trâu. Ngày trước, khi chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì đây là công đoạn phổ biến không chỉ ở Thọ Điền mà ở bất cứ vùng sản xuất mật mía nào.
Theo đó, ở giữa gian bếp, ông Long đặt dụng cụ ép mía (còn gọi là che mía). Đây là 2 khối thép hình trụ (ống che) cao khoảng 60cm, đặt song song với nhau và xoay được. Một trong hai trục được nối với một thanh gỗ dài hơn 2m và buộc vào cổ con trâu.
Khi trâu đi vòng quanh sẽ kéo trục quay. Ông Long lần lượt cho từng cây mía vào khe nhỏ giữa hai trục để ép nước. Công đoạn này thực hiện đến gần 8h, trâu lúc này được cho nghỉ ngơi. Sau đó, bà Quý lọc sạch cặn nước mía.
“Cũng như các hộ trong xã, gia đình tôi có truyền thống làm mật mía từ lâu đời. Vào vụ, chúng tôi thường dậy lúc 5-6h hàng ngày để gom mía vào bếp ép. Con trâu được chọn làm việc này phải khỏe mạnh và được tập từ trước cho quen việc. Ngày trước, trong xã ai cũng ép mật bằng cách này cả nhưng giờ có máy móc hiện đại rồi. Còn gia đình tôi làm nhỏ lẻ nên không muốn tốn kém thêm kinh phí vào việc thuê máy móc. Một phần nữa, chúng tôi cũng muốn giữ một chút hương vị truyền thống”, ông Long tâm sự.
Vỏ mía sau khi ép được mang ra ngoài bãi đất trống phơi khô làm chất đốt.
Buổi chiều, vợ chồng ông Long sẽ nhóm bếp nấu mật mía. Họ phải túc trực cạnh bếp để giữ lửa làm chảo nấu nước mía sôi liên tục. Cùng với đó, người nấu vớt váng bọt bỏ ra ngoài cho sạch.
Sau 3-4 giờ đồng hồ, vợ chồng ông Long, bà Quý có những mẻ mật thơm ngon, đặc quánh. “Mật sau khi để nguội, chúng tôi cho vào chum đậy kín. Có khách đến đặt mua, chúng tôi sẽ rót vào can, chai nhựa bán”, bà Quý nói.
Vụ này giá mật có giá 50.000 đồng/kg mật, gia đình bà Quý ước tính thu về 15 triệu đồng.