Gần đây, tôi đi đâu cũng được hỏi thăm rằng con tôi đang nhắm thi vào trường nào, đã đọc viết thành thạo chưa, nếu chưa thì bố mẹ phải kèm con chặt vào hoặc cho đi học ngay lớp tiền tiểu học đi.

Tôi chỉ cười xoà, vì biết mình mà nói “cháu chưa thông thạo đọc viết, em để con tận hưởng hè bên gia đình đã” thì sẽ nhận về cái nhìn ái ngại hoặc ngạc nhiên.

Hồi cháu mới hai, ba tuổi, mọi người cũng hay hỏi tôi đã dạy tiếng Anh cho con được nhiều chưa, bởi tôi là giáo viên, đã thế còn dạy tiếng Anh. Tôi khiến họ ngỡ ngàng khi thừa nhận mình chẳng dạy con gì cả. Có chăng, tôi chỉ chơi cùng con.

Tôi lớn lên trong một gia đình có bố mẹ là giáo viên nghiêm khắc. Có lẽ vì mang áp lực gia đình gia giáo, bố mẹ tôi rất quan trọng chuyện dạy con. Chị em tôi được dạy nội trợ cũng như Toán, Tiếng Việt sớm hơn các bạn. Ai đến chơi nhà, thấy mấy đứa loắt choắt đang thoăn thoắt nấu cơm, lau nhà thì khen ngợi tấm tắc. Bố mẹ tôi rất vui, tự hào khoe cả dãy giấy khen của chị em tôi treo trang trọng giữa nhà.

Tôi vẫn thấy biết ơn bố mẹ vì đã chịu khó dạy dỗ con cái từ sớm, để sau này chúng tôi có những kỹ năng thiết yếu vào đời. Nhưng đồng thời, từ sâu thẳm tim mình, tôi thầm ước, giá như mình có một tuổi thơ thoải mái và tình cảm hơn, giá như bố mẹ đừng suốt ngày tra hỏi bài vở, mà hãy hỏi “con hôm nay cảm thấy thế nào?”, “con có muốn chơi với bố mẹ không”.

Khái niệm chơi cùng bố mẹ với chị em tôi vô cùng xa xỉ. Ngày xưa ông bà làm lụng bận rộn, vất vả, có chút thời gian là kèm dạy con cái, chứ không hề có chuyện tương tác, tâm sự. Nghĩ về tuổi thơ là nghĩ về những tiết học tại gia và những trận đòn roi khi không học thuộc bài, quên làm việc nhà.

Tôi không muốn con mình sẽ được dạy như vậy, chỉ mong con có thời gian chất lượng bên bố mẹ, bởi tuổi thơ con trôi rất nhanh, chúng ta không có quá nhiều thời gian để xây dựng sự tin tưởng, gắn kết giữa bố mẹ và con cái như vẫn tưởng.

Tôi muốn cùng con có những trải nghiệm ý nghĩa, hướng dẫn con khám phá thế giới. Có rất nhiều cách để con vẫn có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết, mà bố mẹ không phải trở thành ông giáo, bà giáo khó gần.

Ví dụ, ta chơi đoán chữ, ghép số với con, cùng con học tiếng Anh. Việc cùng học, khác với việc dạy con ở chỗ bố mẹ truyền cảm hứng và là bạn đồng hành với con, cùng “ồ, à” khi biết thêm những điều mới, thay vì một bên đưa ra kiến thức, yêu cầu bên còn lại tiếp thu.

Một cách dạy con mà như không dạy là cả nhà cùng nấu ăn, cùng dọn dẹp nhà cửa, cùng đi siêu thị… Con dễ dàng có được những kỹ năng quan trọng thông qua hoạt động thực tế cùng bố mẹ.

Trên tất cả, tôi muốn mình là người con tìm đến khi cần tâm sự. Đã có biết bao trường hợp con trẻ non nớt, thiếu khả năng xử lý vấn đề nghiêm trọng, nhưng không dám nói cho bố mẹ biết vì sợ hãi hoặc e ngại, dẫn đến cái kết đau lòng.

Thay vì phán xét “Bố/Mẹ đã dạy rồi mà không nghe”, hãy cúi xuống thật gần con “Nào mình cùng tìm cách giải quyết”. Không có đứa trẻ nào từ chối sự sẻ chia ấy cả. Vì vậy, với tôi, tâm nguyện suốt một đời làm mẹ, là được cùng con.