“Phân vân miếng đất tiền tỷ mà chỉ cho thuê 1 triệu đồng/tháng tôi bỏ qua không mua, sau 3 năm bất ngờ miếng đất được bán lại giá gấp 2,5 lần”, đó là chia sẻ của chị Thùy Dương, Thái Bình.

Chị Thùy Dương (Thái Bình) cho hay, đầu năm 2019 trong lần về quê tìm mua đất, chị phân vân với miếng đất mặt tiền tỉnh lộ, ngang 6m, dài 23 mét do một người dân địa phương rao bán. Chủ đất đưa mức giá là 200 triệu đồng một mét ngang, tính ra phải trả 1.2 tỷ đồng để mua được miếng đất đó. Điều khiến chị lăn tăn là miếng đất tiền tỷ lại có vị trí khá đẹp mà mấy gia đình bên cạnh đã xây ki-ốt cho thuê nhưng chỉ với giá 1 triệu đồng mỗi tháng. Sau khi cân nhắc, chị trả giá 150 triệu đồng một mét ngang, chủ đất không đồng ý nên chị không mua nữa.

“Năm nay tôi về quê nghe một người bạn nói miếng đất khu vực đó giờ đã giao dịch giá 500 triệu đồng một mét ngang. Tính ra miếng đất bề ngang 6 mét đó giá 3 tỷ đồng. Thông tin này khiến tôi thực sự choáng, có một phần tiếc nuối và không hiểu người ta định giá đất kiểu gì?” – chị Thùy Dương nói.

Câu chuyện của chị Thùy Dương sau khi được chia sẻ trên một diễn đàn bất động sản đã thu hút khá nhiều sự quan tâm, góp ý trong đó có nhiều ý kiến trái chiều.

Tài khoản Đông Du bình luận: “Giá trị thật của BĐS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Vị trí, khu vực, hạ tầng giao thông, tương lai phát triển, khả năng giao dịch, tạo ra lợi ích kinh tế,… và không thể bỏ qua nhu cầu xây dựng của người dân ở khu vực đó”.

Tương tự, tài khoản Phuong Dung phân tích thêm: “Giá trị thật tính bằng tiền được định nghĩa bởi nhu cầu mua của phần đông người có nhu cầu và mục đích sử dụng thật. Thực tế chẳng có con số cứng nhắc nào được gọi là giá trị thật cả, nhưng có một sự thật rất thật là lòng tham của con người là vô đáy”.

Trong khi đó, tài khoản Hiếu Lê thì cho rằng, bỏ qua yếu tố cò đất lướt sóng, ở câu chuyện này cái khái niệm “giá trị thật của đất” chính là tầm nhìn của người giàu và người nghèo. Người nghèo thì nhìn mảnh đất mua hơn 1 tỷ đồng mà lại chỉ cho thuê 1 triệu là điều đáng băn khoăn, không phải giá trị thật. Còn với người có tiền và có tầm nhìn, người ta sẽ đánh giá tiềm năng mảnh đất đó, khu vực đó sau 5 năm, 10 năm, nên họ giàu càng giàu thêm.

Phân tích rõ hơn, tài khoản Trần Sơn cho hay: “3 năm trước, chủ đất rao 200 triệu/mét ngang nhưng chị thấy quá đắt và cho rằng 150 triệu mới là giá trị thật, vì mảnh đất cho thuê chỉ được 1 triệu mỗi tháng. Nhưng người khác vừa có tiền, vừa có tầm nhìn, họ mua luôn mà không đắn đo. Thực tế, nếu đem cho thuê, họ chỉ được thu có 36 triệu tiền cho thuê (so với gửi ngân hàng thì kém hơn nhiều), nhưng phần giá trị mảnh đất lãi hơn 1 tỷ thì độc giả lại bỏ qua. Tôi không ủng hộ việc mua nhiều đất, nhưng trong khi pháp luật không cấm, nếu có tiền tôi vẫn mua thêm”.

Một tài khoản khác cũng góp ý: “Người có tiền mua đất, họ tính tới giá trị tiềm năng mảnh đất bạn trẻ ạ, chứ không ai tính giá trị cho thuê hiện tại. Nếu bạn cho rằng giá nhà có thể giảm mạnh với 50% chẳng hạn, tôi mách cho bạn cách làm giàu này: Bạn có thể bán nhà, gửi ngân hàng với lãi cao, bạn đi thuê nhà ở, sau này mua lại nhà rộng hơn, tốt hơn. Liệu bạn có chọn cách này không?”…

Song, một số ý kiến thì thận trọng cho rằng ở nhiều địa phương quỹ đất còn nhiều nên giá đất tăng nóng gấp 2 – 3 thậm chí tới 4 lần chỉ là tăng ảo.

Tài khoản Khuyen Pham bình luận: “Giá cho thuê được của BĐS mới là chỉ số phản ánh giá trị thực của đất . Vì đó là số tiền sinh lợi tối đa của miếng đất mà dân ở khu đó có thể chi trả thông qua mua dịch vụ. Đất ở ta chưa bị đánh thuế cao và chưa bị đánh thuế sở hữu nhiều BĐS nên giá ảo là đương nhiên. Tôi tin thị trường lần này sẽ có tỉ lệ giảm mạnh hơn so với năm 2012. Nhiều người không muốn tin nhưng nhiều nơi tăng nóng đã diễn ra tình trạng này”.

Thực tế, sau khi những “cơn say” với sốt đất ở nhiều địa phương qua đi, những tháng gần đây khi thị trường đã hạ nhiệt và trầm lắng hơn, nhiều người trót “ôm” đất đang sốt sắng tìm cách bán cắt lỗ.