Một hộ dân tại xã Tân Thanh (Sơn Dương) dựng cầu phao nối sang địa phận xã Hợp Hòa. Tình trạng không vé, các phương tiện xe đạp, xe máy phải trả 3.000 đồng mỗi khi qua cầu.

Báo Lao Động đã có bài phản ánh về việc người dân các xã Tân Thanh, xã Hợp Hòa (Sơn Dương, Tuyên Quang) hàng ngày vẫn liều mình băng qua cây cầu phao Thảo Lý (tên cầu người dân tự đặt) đã xuống cấp để vượt sông Phó Đáy với nhiều nguy hiểm rình rập.

Cây cầu phao này do 1 hộ dân dựng lên phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Mặc dù biết những nguy hiểm cận kề nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người và phương tiện đi qua thay vì đi vòng qua cây cầu bê tông kiên cố cách đó hơn 6 km.

Cầu phao Thảo Lý đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân vẫn băng qua. Ảnh: Lam Thanh
Cầu phao Thảo Lý đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân vẫn liều mình băng qua. Ảnh: Lam Thanh

Ghi nhận của PV, cách cây cầu chừng 50 mét phía địa phận xã Tân Thanh có 1 chốt thu phí tự phát. Một hộ dân dựng 2 thanh rào chắn bằng tre bắc ngang đường. Tại đây, có một số người thay nhau đứng ra thu tiền.

Các phương tiện xe đạp, xe máy phải trả 3.000 đồng mỗi lượt qua cầu phao Thảo Lý. Đáng nói, cách thu phí vô tội vạ, người dân đưa tiền để đi qua chứ không có vé hay bất cứ một giấy tờ gì.

Người lạ đi qua sẽ bị yêu cầu trả phí trong khi nhiều người quen mặt tại xóm lại không mất tiền. Tình trạng thu phí bát nháo, tự phát không có kiểm soát

Khi PV đi qua cầu Thảo Lý để sang xóm Tân Trào (xã Hợp Hòa) một người phụ nữ yêu cầu PV phải trả 3.000 đồng. Người này cho hay, cầu này là gia đình dựng lên, phục vụ đi lại nên muốn qua cầu phải trả tiền phí.

Thường xuyên đi qua cầu phao Thảo Lý, bà N.T (Hợp Hòa, Sơn Dương) cho biết, cây cầu đã có tuổi đời hàng chục năm. Việc thu phí tại đây cũng diễn ra từ rất lâu. Vì cây cầu này do gia đình ông T và bà L phía đầu cầu dựng lên nên mọi người muốn đi qua phải mất phí.

Mỗi lượt đi qua các phương tiện mất 3.000 đồng, nếu đi 2 chiều thì mất 5.000 đồng. Cầu bé nên chỉ có các phương tiện xe máy, xe đạp đi qua.

Tương tự, anh N.V.H (huyện Sơn Dương) cho biết, cây cầu sau nhiều năm đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi đi qua mặt cầu lại rung lên bần bật. Biết là nguy hiểm nhưng nếu đi qua cầu cứng thì xa hơn mấy km nên người dân đành chấp nhận.

Một người phụ nữ thu phí khi các phương tiện đi qua cầu phao Thảo Lý. Ảnh: Lam Thanh
Một người phụ nữ thu phí khi các phương tiện đi qua cầu phao Thảo Lý. Ảnh: Lam Thanh

“Tình trạng thu phí tại cầu phao Thảo Lý đã diễn ra từ rất lâu. Người thu tiền là chủ nhà sát chốt thu phí. Cứ đưa tiền rồi đi qua chứ cũng không có vé hay giấy tờ gì. Họ dựng rào chắn ngang đường phía đi xuống cầu và có người đứng ra thu tiền.

Việc thu phí đang diễn ra tự phát, tôi cũng không rõ việc này đã được cơ quan chức năng cho phép hay chưa”, anh H cho hay.

Ngày 7.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, một lãnh đạo UBND xã Tân Thanh (Sơn Dương) cho biết, cầu phao Thảo Lý là cầu tạm dân sinh, không được cấp phép hoạt động.

“Cầu do một hộ dân dựng lên để tiện việc đi lại, tình trạng thu phí cũng chỉ là tự phát trên nhu cầu của người dân, việc quản lý khá khó khăn. Thời gian tới, địa phương sẽ cho lực lượng xuống kiểm tra, xử lý theo đúng quy định”, vị lãnh đạo thông tin thêm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa, trước nguy cơ không an toàn, địa phương cũng nhiều lần kiểm tra, vào mùa mưa lũ tuyên truyền người dân không đi qua các cầu tạm; tập trung lưu thông trên các cầu cứng để đảm bảo an toàn.