Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
845 lượt xem

Đặc sắc lễ hội thả diều “nghìn năm tuổi” với quy mô lớn tại Hà Nội

Lễ hội thi thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội năm 2023 được tổ chức với quy mô mở rộng, với sự tham gia của 20 câu lạc bộ diều đến từ 5 tỉnh, thành phía Bắc.

Lễ hội truyền thống thi thả diều làng Bá Dương Nội gắn liền với truyền thuyết về ngôi miếu thờ thần Châu Thổ được xây dựng trước thế kỷ thứ X. Lễ hội tổ chức vào dịp rằm tháng 3 âm lịch hằng năm. Năm 2023, hội diều truyền thống làng Bá Dương Nội kéo dài từ ngày 28/4 đến hết ngày 4/5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc.

Vào chiều ngày 4/5, diều và thí sinh tham gia phần thi thả diều của các đội đã có mặt tại sân miếu Châu Trần. Những chiếc diều tham gia lễ hội được BTC niêm phong để phân biệt với những chiếc diều không đăng kí tham gia, để tiện cho quá trình chấm và trao giải cho những chiếc diều bay cao và âm thanh lớn. Những dấu niêm phong này được giữ trong suốt quá trình bay diều. Sau khi kết thúc và kéo diều xuống, nếu những dấu này có dấu hiệu bị xé ra hay không nguyên vẹn thì bị tính là phạm quy.

Trước khi diễn ra phần thi thả nhiều, BTC đã tiến hành thả chim bồ câu với cầu mong hòa bình, an lạc và đặc biệt những chú diều trong ngày thi sẽ bay cao nhất.

Lễ hội gắn với cuộc thi thả diều truyền thống nghìn năm tuổi ở làng Bá Dương Nội đang hướng đến mục tiêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Cuộc thi thả diều được tổ chức cũng nhằm tạo điều kiện và truyền cảm hứng cho lớp trẻ tiếp tục kế thừa và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống nơi đây.

Khi tín hiệu khai cuộc bắt đầu, những con diều được tung lên bầu trời trong tiếng reo hò rộn vang của khán giả.

Về quy chế chấm giải Hội thi thả diều, BTC cho biết sẽ có 4 tiêu chí; diều phải có sải cánh tối thiểu 2,2 m, không hạn chế tối đa. Diều mang từ 3 sáo trở lên nhưng sáo bé nhất phải có đường kính từ 3 cm trở lên. Sáo càng to và diều mang nhiều sáo hơn thì được điểm cộng. Cuối cùng là độ đứng của diều, khi diều lên phải đứng yên.

Những con diều no gió có thể đạt độ cao hàng nghìn mét, quan sát từ bên dưới chỉ còn là những chấm đen trên bầu trời. Thậm chí vào tay “lão làng” diều còn bay khuất trong mây mắt thường không thể quan sát.

Vài con diều khi vừa khởi động đã không giữ được gió mà rơi xuống, các đội tham gia phải tiến hành thả lại.

Một đội thi thường gồm 3 người, người thi chính sẽ cầm dây diều để điều khiển, còn lại 2 người giữ cuộn dây và hỗ trợ lúc vừa thả. Khi diều lên cao, lực kéo của dây rất mạnh. Các thí sinh phải dùng găng tay để tránh dây diều cứa có thể gây chấn thương cho bàn tay. Trong ảnh, thành viên của các đội tham gia phải liên tục tiếp nước dưới trời nắng nóng gần 38 độ C của Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Khiêm (Nghệ nhân diều, chủ nhiệm CLB diều làng Bá Dương Nội, Ban giám khảo hội thi diều) cho biết: “Diều sử dụng trong hội thi được ưu tiên phải là diều giấy, khung xương diều phải làm bằng tre. Năm nay mở rộng cho phép khung diều chất liệu khác, diều vải và sẫm màu, không được sử dụng diều ni lông trong suốt để khó đánh giá độ cao. Tuy có trang bị ống nhòm nhưng các giám khảo vẫn chủ yếu chấm bằng mắt thường để có thể nhìn bao quát được nhiều cánh diều trong một tầm mắt. Đây cũng là cách đánh giá chính xác nhất vì có thể so sánh tương quan các cánh diều”.

Thả diều không thể chỉ đứng một chỗ, nhiều thí sinh đã băng qua ruộng rau để có được những bước chạy đà chính xác nhất.

Lễ hội diều kết thúc lúc 17h ngày 4/5. Những người tham gia cuộc thi mang diều về sân đình trong sự hân hoan của người dân trong làng và khách thập phương.

Bài viết cùng chủ đề: