Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
84 lượt xem

Đà Lạt: Nghỉ việc công chức, dốc tiền tích lũy làm trang trại như mơ

 Sau 8 năm, anh Tạo sở hữu nông trại lên tới 10ha với hơn 100 giống hồng, hàng chục loại cây ăn trái, nông sản giá trị cao.

Mặc dù, quê gốc ở Nghệ An nhưng anh Đặng Ngọc Tạo vào Đà Lạt, Lâm Đồng để học và làm việc gần 20 năm nay. Sau khi tốt nghiệp Đại học ngành nông nghiệp, anh từng làm công việc tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân nhưng tới năm 2013 đã quyết định từ bỏ và dùng toàn bộ số tiền tích lũy để thuê đất làm vườn.

Thời điểm đó, với 100 triệu đồng, anh đi thuê 200m2 đất để trồng dâu tây công nghệ cao và các loại cây giống. Những lứa dâu tây công nghệ cao đầu tiên xuất bán thành công khiến anh Tạo có thêm điều kiện, động lực để vay mượn, mua 1000m2 đất nông nghiệp, mở rộng quy mô trang trại. Sau 8 năm, trang trại của anh Tạo đã lên tới 10ha, thêm hai khu vườn 5000m2 và 7000m2.

Vườn của anh Tạo đa dạng các loại nông sản. Anh trồng hơn 100 loại hoa hồng ngoại nhập, các loại cây ăn trái berry như dâu tây, việt quất, mâm xôi, các loại trái đặc sản Đà Lạt như chuối Laba, hồng, mận và cà phê Arabica. Ngoài trồng và kinh doanh cây giống, nông sản, anh Tạo cũng mở mô hình du lịch canh nông, đón du khách tới tham quan, trải nghiệm – mô hình được tỉnh Lâm Đồng khuyến khích thực hiện.

Thế nhưng, quá trình 8 năm theo đuổi nông nghiệp sạch của anh không đơn giản. Do không có nhiều vốn, anh Tạo phải tự làm mọi công đoạn từ ươm cây, trồng cây, tự thiết kế, cải tạo, xây dựng trang trại. Công việc xây dựng, hàn xì, làm mộc… đều tự tay thực hiện để “lấy công làm lãi”. Địa hình Đà Lạt là đồi núi dốc nên việc vận chuyển vật tư, phân bón rất khó khăn. Anh Tạo miệt mài làm, có khi đến khuya muộn mới xong việc.

“Mình làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên, giảm tối đa tác động của hóa chất, thuốc, để giữ môi trường sống bền vững. Do đó, quá trình làm càng vất vả, cực hơn nhiều”, anh chia sẻ.

Vườn hồng của anh Tạo hiện có khoảng 50 gốc hồng cổ, mỗi gốc cho từ 200 – 300kg trái mỗi năm. Ngoài ra anh trồng thêm 2000 gốc hồng mới nhiều loại khác nhau.

“Do hồng là sản phẩm mang tính thời vụ nên trong thời điểm thu hoạch, một phần hồng được khoán gia công sản phẩm. Tuy nhiên, việc gia công này phải đảm bảo kỹ thuật, quy định riêng”, anh Tạo cho biết. Sản phẩm được bán online và giao hàng trực tiếp với khách hàng trên cả nước.

Vườn hoa hồng hiện có hơn 100 giống hoa ngoại nhập vừa làm cảnh quan đón du khách, vừa bán giống, và dùng hoa để sấy làm trà. Hoa hồng chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu. Khu vực trồng hoa hồng tách biệt nơi trồng các loại nông sản khác và các khu canh tác nông nghiệp kiểu truyền thống để hạn chế sâu, bệnh. Trong trường hợp, năm nào do thời tiết xấu, cây nhiễm bệnh thì anh Tạo chấp nhận cắt tỉa hết cảnh và chờ đợt nảy nụ mới.

Anh Tạo mạnh dạn thử nghiệm các loại cây ăn trái xứ lạnh tại trang trại như việt quất, anh đào, táo đỏ, mận, lê với mỗi loại vài trăm gốc. Trước đây, anh thử nghiệm trồng, khi cho trái ngon thì bán giống cây là chính. Một năm trước, anh mới trồng trên diện rộng và dự kiến 2 năm nữa sẽ bắt đầu cho thu hoạch.

Tại trang trại có nhiều cây đặc trưng của Đà Lạt như bơ, 2000 gốc chuối Laba, cà phê Arabica. Những loại nông sản này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nên ít tốn công chăm sóc.

Mục tiêu của anh Tạo là tạo ra một quy trình khép kín để sau khi thu hoạch các loại trái berry có thể xử lý, sấy lạnh, làm nước trái cây, trà… và đưa các sản phẩm “lên sàn” – bán trên các sàn thương mại điện tử.

“Làm nông nghiệp không dễ dàng, luôn luôn phải đối mặt với thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, ảnh hưởng của thị trường. Có những giai đoạn khó khăn lắm nhưng mình vẫn xác định con đường làm nông nghiệp sạch, bền vững”, anh Tạo tâm sự.

Bài viết cùng chủ đề: