Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
68 lượt xem

Cuộc sống của cụ bà U70 sau 1 năm bị TikToker Nờ Ô Nô miệt thị

Bà Thông cho hay cuộc sống của vợ chồng bà và các cháu bị đảo lộn sau ồn ào trên mạng xã hội. Hứng chịu nhiều lời đồn đoán khó nghe dành cho gia đình, bà Thông vẫn nhẹ nhàng, cho qua.

Sự miệt thị khó thể xóa nhòa

“Hello (xin chào) bà già nghèo khổ giữa mùa đông cô đơn”, câu nói của TikToker Nờ Ô Nô vào 1 năm về trước, khiến bà Thông trở nên ngậm ngùi mỗi lần nhớ lại.

Dù mọi chuyện đã trôi qua hơn 1 năm, vợ chồng bà Thông vẫn chưa thôi mệt mỏi với nhiều tin đồn vây quanh mình.

Bà Thông dù đã tha thứ nhưng vẫn không thể giấu được nỗi buồn mỗi khi nhắc đến lần mình bị miệt thị (Ảnh: Nguyễn Vy).

Nổi tiếng trên mạng xã hội, được cộng đồng mạng hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn, bà Thông nhiều ngày chỉ “bận” tiếp TikToker, YouTuber,… còn bóng dáng của mạnh thường quân lại vơi dần.

“Từng câu nói ấy, tôi thấy rất tổn thương. Khi cậu trai đó tới xin lỗi, nói sẽ bị phạt hành chính vì hành động của mình nên tôi đã quyết định bỏ qua. Tưởng mọi chuyện đã xong, nhưng lời lẽ không hay vẫn vây lấy chúng tôi.

Những ngày tháng sau đó, tôi không ngờ mình bị đồn thổi là nhận tiền hằng tháng từ cậu ấy. Tôi có nhận đồng nào đâu! Cậu ấy không hứa trực tiếp với tôi, nhưng người ta cứ bảo cậu ấy nói trên mạng như vậy”, bà Thông bộc bạch.

Sau ồn ào trên mạng xã hội năm ngoái, không ít lần ra đường nhặt ve chai, người ta lại vây quanh và hỏi bà câu: “Dì Hai, ăn hủ tiếu ngon quá ha?” (món ăn bà Thông được Nờ Ô Nô tặng).

Không biết chữ, không có điện thoại, càng không dùng mạng xã hội, bà Thông không hiểu vì sao người khác lại hỏi câu ấy. Nhưng khi đạp xe trở về phòng trọ, bà bỗng buồn lòng vì chợt nhận ra người ta đang miệt thị mình.

“Chuyện xảy ra lâu rồi nhưng đến giờ vẫn chưa dứt hẳn. Chúng tôi vốn đã nghèo khó, ai đến giúp đỡ thì rất quý. Tôi chỉ mong có cuộc sống yên bình để kiếm tiền nuôi các cháu”, bà Thông nghẹn ngào.

Nhớ lại thời điểm TikToker tìm đến 1 năm trước, bà Thông nhớ rõ người này đến xin bà cho quay clip làm kỷ niệm. Thế nhưng, nam TikToker lại hét lên câu nói miệt thị khiến bà Thông sững người, không phản ứng kịp.

Đoạn clip bà Thông bị TikToker kỳ thị, được đăng tải vào 1 năm trước (Ảnh cắt từ clip: Nờ Ô Nô).

Ngay sau khi đoạn clip trở nên thịnh hành trên mạng xã hội, bà Thông bước ra ngoài là bị hàng xóm dòm ngó. Mãi cho đến khi có người mở clip cho xem, bà Thông mới nhận ra sự việc.

“Tôi đã thôi giận kể từ hôm cậu ấy đến xin lỗi. Mình cũng không trách họ làm gì, đã xin lỗi rồi thì thôi. Nhưng thú thật, mỗi khi nhắc lại vẫn thấy buồn”, bà Thông cười xòa, nhưng đôi mắt lại ngấn nước.

Nói về hoàn cảnh, bà Thông càng thêm đau lòng khi 2 đứa cháu 3 tuổi nhưng vẫn chưa nói chuyện lưu loát. Đến nay, cả 2 cháu vẫn chưa được đến trường và có khả năng sẽ mãi không thể đi học vì hoàn cảnh khó khăn, phải theo ông bà nhặt ve chai mưu sinh.

Hoàn cảnh vô cùng khó khăn

Cụ bà chia sẻ, bà và chồng là ông Trịnh Hoàng Long (54 tuổi), hiện đang sống tại căn nhà trọ chưa đầy 13m2. Căn nhà này từng bị dột nhưng đã được người dân góp tiền sửa chữa. Tuy nhiên, sau này mưa xuống, nước ngập từ ngoài hẻm tràn vào trong nhà, ông bà phải bồng cháu lên trên gác chờ nước rút.

Trước đây, khi còn sức khỏe, vợ chồng bà Thông làm thuê ở nhà hàng để bươn chải, kiếm 9-10 triệu đồng/tháng. Hai năm gần đây, cả hai đã bỏ việc vì bệnh động kinh của ông tái phát, lên cơn co giật không báo trước. Bà Thông cũng bị bệnh, không thể làm việc nặng.

Ngoài ra, cám cảnh hơn chính là hai ông bà lớn tuổi, mắc bệnh lại phải nuôi hai đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn. Cả hai đành đội trên vai những gánh nặng, ở cái tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi.

Mỗi tháng, cụ bà 65 tuổi kiếm chưa đến 1 triệu đồng nhưng lại phải chi trả các khoản phí như tiền trọ, điện, nước, thuốc men, ăn uống… gần 4 triệu đồng. Phương tiện đi lại của ông bà chỉ là chiếc xe đạp đã cũ nát.

“Tháng nào may thì có người đến cho tiền, cho gạo rồi mì gói. Tháng nào không có, tôi đành đi mua thiếu, nào có tiền thì trả, không có thì người ta cũng không đòi vì hiểu hoàn cảnh của mình. Nhiều khi đi nhặt ve chai không được, ngày không có đồng nào luôn, hai ông bà cũng ăn mì gói qua ngày”, cụ bà nói.

Bà Thông kể, con gái của bà có 6 người con. Do gia cảnh nghèo khó, cô này chỉ giữ lại 2 đứa gửi họ hàng, 2 bé để ông bà ngoại nuôi còn lại đem cho ở đâu không ai biết. Ngày nhận cháu, ông bà ứa nước mắt vì chúng còn quá nhỏ, không biết có thể sống được bao lâu.

Sức khỏe yếu, ông bà vẫn khó nghỉ ngơi vì hai đứa cháu quấy khóc hàng đêm. Nhiều hôm, các cháu khóc vì đói khiến cả hai thức đến sáng để dỗ dành. Nhờ mạnh thường quân giúp đỡ, cả hai cũng đỡ được tiền mua tã, sữa cho hai bé.

Cụ bà chia sẻ, quê ở tỉnh Trà Vinh. Gia đình lên TPHCM lập nghiệp từ lúc bà còn trong bụng mẹ, cho đến lúc sinh ra thì mẹ mất. Không có tiền, bà Thông ra đời từ sớm rồi làm đủ thứ nghề kiếm sống.

Lớn lên, bà bén duyên vợ chồng với ông Long. Sống chung với nhau, cả hai chỉ đi đăng ký kết hôn sau khi đứa con gái đầu đã 10 tuổi. Năm 1999, vợ chồng bà sinh đứa con trai thứ hai nhưng đến nay vẫn chưa biết “mùi vị” của đám cưới là gì.

Sinh được hai đứa con, nhưng đứa con đầu bỏ đi làm ăn xa, rất lâu mới gọi về hỏi thăm. Còn người con trai Út hiện đang làm việc ở tỉnh Bình Dương. Với hoàn cảnh “bữa đói, bữa no”, người này cũng chỉ có thể thỉnh thoảng gửi vài trăm nghìn cho ba mẹ.

Bài viết cùng chủ đề: