Trở về nhà ở (xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) để nối tiếp sự nghiệp của người cha mình. Đinh Công Tuân nuôi cá dầm xanh, nuôi cá bỗng, nuôi lợn Mường gà, dê ở ven bờ sông Đà.
Đinh Công Tuân, 25 tuổi ở bản Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) từ nhỏ đã theo cha đi đánh cá trên sông Đà.
Ở đây, người ta vẫn truyền tai nhau rằng, sinh ra ở vùng sông nước nên mấy chuyện giăng lưới, đặt câu, bơi lặn với những thanh niên trai tráng như Tuân ở xứ Mường này thì ai cũng giỏi cả.
Đinh Công Tuân đang cầm trên tay cá bỗng- một loài cá đặc sản, tương truyền là một trong những loài cá dùng để tiến vua thời phong kiến. Ảnh: Minh Ngọc
Năm 2019, Tuân rời bản để theo học Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh. Hồi ấy, bố mẹ Tuân rất kỳ vọng vào cậu con trai của họ khi ở vùng này hiếm khi có người vào được Đại học.
“Bố mẹ mong em ra trường, tìm được công việc phù hợp và có thu nhập ổn định, chứ không nghĩ một ngày em lại trở về làm nông nghiệp như bây giờ”, Tuân nói.
Năm 2021, sau khi ra trường thì Tuân xin vào làm kế toán tại một resort ở huyện Kim Bôi với mức lương 7 triệu đồng. Thế nhưng dịch Covid-19 ập đến, khách du lịch ngày một ít dần dẫn đến nơi làm phải cắt giảm lao động. Tuân viết đơn xin nghỉ việc.
Mấy hôm sau, Giám đốc cho gọi Tuân lên ngỏ ý muốn giữ cậu lại vì có trình độ chuyên môn là Đại học, được nhiều đồng nghiệp quý mến và hứa sẽ tăng lương. Thế nhưng chẳng mảy may suy nghĩ, cậu vẫn quyết định sẽ quay trở về nhà để nối tiếp sự nghiệp của người cha mình – đó là nuôi cá lồng, lợn đen, gà, dê ở ven bờ sông Đà.
“Khi bố mẹ biết em xin nghỉ việc thì cũng buồn, vì ở vùng này mấy ai được vào Đại học. Ở đây, học xong cấp 3 thì đi làm công nhân hết, không thì ở nhà làm nông nghiệp. Được đi học như em cũng là vinh dự lắm”, Tuân kể lại.
Tuân cho biết, cá bỗng có thời gian nuôi dài, 5 đến 6 năm. Ảnh: Minh Ngọc
Thế rồi, toàn bộ tài sản là 30 lồng cá, nuôi toàn các cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá dầm xanh, cá bỗng, cá trắm đen, cá ngạnh, cá lăng. Trong số này, cá bỗng, cá dầm xanh tương truyền là những loài “cá tiến vua”.
Từ đàn lợn đen bản địa chỉ nuôi gần chục con, Tuân mua thêm con giống, nhân đàn lên trên 40 con. Mới đây, cậu tiếp tục làm chuồng, mua 20 con dê về nuôi.
Tuân chia sẻ với tôi, lợn đen mà cậu đang nuôi là giống lợn bản địa, hay còn gọi là lợn Mường.
Đối với giống lợn này, thời gian nuôi gần 1 năm và thức ăn chủ yếu là thân cây chuối băm nhỏ trộn với ngô nghiền. Bởi thế mà, thời gian nuôi lâu dài như vậy mà trọng lượng chỉ từ 15 đến 17kg/con.
Tuy trọng lượng ít nhưng đổi lại, chất lượng thịt của giống lợn Mường này thì vô cùng ngon. Trước Tết Tuân đã xuất bán hết sạch 30 con, với giá 150.000 đồng/kg hơi. Hiện, đàn lợn của Tuân còn 8 con và đều đang chửa.
Đàn lợn đen bản địa được Tuân nuôi ven bờ sông Đà ở bản Ngòi, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Ảnh: Minh Ngọc
Một điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả, đó là lợn được Tuân thả nuôi tự nhiên trên các triền đồi, núi ven bờ sông Đà.
Hễ cữ chập tối, Tuân băm chuối, trộn cùng với ngô nghiền rồi gọi chúng về bằng tiếng Mường thì chỉ vài phút sau, lợn mẹ, lợn con nối đuôi nhau về ăn.
Tuân bảo, có đợt lợn mẹ đẻ ở trên núi, rồi chúng tự tha con về, cậu cũng chẳng biết chúng đẻ được bao nhiêu con, cứ tha về bao nhiêu thì biết bấy nhiêu.
Đàn dê 16 con mới được Tuân mua về cũng vậy, cậu cũng thả chúng “lang thang” trên những triền đồi để tự đi kiếm lá cây rừng.
Đến chập tối chúng lại từ mò về chuồng. Tuân nói với tôi, ở đây tiềm năng phát triển chăn nuôi rất lớn, bởi có lợi thế tự nhiên, chính vì vậy hướng đi của cậu ta sẽ là chăn nuôi những con đặc sản, có giá trị kinh tế cao.
Thức ăn cho lợn đen bản địa được Tuân lấy từ thân cây chuối sau đó băm nhỏ rồi trộn với ngô nghiền. Ảnh: Minh Ngọc
“Trước Tết nhiều người hỏi đặt mua lợn, cá của nhà em nhưng cũng không còn để bán. Họ dùng một lần, thấy ngon, sạch nên thường xuyên gọi điện hỏi. Có nhiều khách ở Hà Nội lên đây du lịch, ăn một lần, xong còn vào tận nhà để hỏi đặt mua lợn mang về”, Tuân nói xong, rồi cậu cũng “khoe”, “Sau 2 năm nữa tại đây em sẽ có đàn dê khoảng 200 con”.
Do dịch Covid-19 nên du lịch ở Suối Hoa cũng vắng vẻ hơn, thi thoảng mới có đoàn khách đến nên việc cung cấp cá lồng của Tuân cho một số nhà hàng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng với đó, giá cám tăng cao khiến chàng trai này nhiều lúc cũng có những cơn “đau đầu” không nhỏ.
Tuân nghiền thân cây chuối để làm thức ăn cho lợn. Ảnh: Minh Ngọc
Tuân bảo: “Bắt đầu khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ có những khó khăn, một số sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm nhưng quan trọng phải giữ được niềm tin, sự cố gắng từng ngày để tiếp tục làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng, từ đó người tiêu dùng sẽ biết đến là trung thành với sản phẩm của mình”.
Tuân nói tiếp, năm 2021, mặc dù khó khăn do dịch bệnh, cũng như mới bắt tay vào làm thế nhưng cậu đã có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
- Những địa điểm chill cuối tuần cực hot
- Mắc màn trồng cam, sâu bọ “khóc thét”, nông dân Hòa Bình bội thu
- Doãn Quốc Đam: Tôi thích đóng vai phụ vì không đẹp như Mạnh Trường, khí chất như Việt Anh
- Sóc Sơn: Nuôi con “đặc sản” bay giỏi như chim bán cho nhà giàu ăn, mỗi năm bỏ túi nửa tỷ đồng
- Đập bỏ lò gạch trị giá 1 tỷ chuyển sang trồng nhãn Ido, lão nông Vĩnh Long trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022