Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
547 lượt xem

Cổng nhà đang đi gần 40 năm bất ngờ bị hàng xóm bịt lối đi!

Phần diện tích đất chưa đầy 30m2 trước nhà được gia đình bà Bùi Thị Xuân dùng làm lối đi nối ra đường làng đã gần 40 năm qua. Thế nhưng, cách đây 4 năm, gia đình nhà hàng xóm bất ngờ bịt lối đi này khiến gia đình bà Xuân trở nên khốn đốn.

Cổng sử dụng gần 40 năm bị bịt lối đi

Theo phản ánh của bà Bùi Thị Xuân (thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thì năm 1978 trở về trước, vợ chồng bà sống cùng bố mẹ chồng trên cùng lô đất và đi bằng cổng cũ phía tây.

Đến năm 1978, gia đình bà ở riêng và được bố mẹ chồng chia mảnh đất làm nhà. Để thuận tiện cho việc lấy vật liệu xây dựng, gia đình bà mở cổng mới hướng Nam (cổng hiện nay). Từ năm 1980, nhà làm xong, cổng mới đi thẳng ra đường làng cũng là cổng chính gia đình sử dụng đi cho đến nay. Phần đất trước cổng nhà bà gần 30m2 nối ra đường làng là đất lưu không.

Năm 2000, ông Ba (hàng xóm) bán đất của ông cho gia đình bà Phạm Thị Thủy. Gia đình bà Thủy nhận đất bàn giao. Phần đất lưu không vẫn dùng chung cho hai gia đình đi ra đường làng.


Đến năm 2014, gia đình bà Xuân muốn nâng lối đi chung lên và lát xi măng đi cho sạch sẽ cả hai gia đình. Tuy nhiên, gia đình bà Thủy không cho và bắt đầu gửi đơn kiện đòi phần đất gần 30m2 này là đất của mình.

Từ đó, liên tục bà Thủy cho người xây bao quanh khu vực đất lưu không để bịt lối đi của gia đình bà Xuân. Do có chính quyền xã can thiệp nên nhiều lần bà Thủy xây bịt lối đi đều không thành.

Bà Xuân bức xúc cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ trước năm 1980 và mở cổng làm lối đi ra đường, không có tranh chấp với ai và cũng không có quyết định hay thông báo nào về việc yêu cầu tôi phải mở cổng khác. Thế nhưng, mấy năm nay gia đình bà Thủy bất ngờ cho rằng đất lưu không đó là đất của gia đình bà ấy nên đã cấm gia đình tôi đi qua và tìm cách bịt lối đi của gia đình tôi. Nhiều lần mẹ con bà ấy lấy vật liệu về trong đêm rồi xây chắn. Nếu không có chính quyền can thiệp thì bà ấy đã xây chắn lối đi nhà tôi từ lâu rồi”.

“Việc UBND huyện Vĩnh Lộc ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp cho bà Thủy và cho gia đình tôi để điều chỉnh đã minh chứng một điều là đất mà bà Thủy đang tranh chấp chính là đất lưu không, không thuộc đất sở hữu của gia đình nhà bà ấy” – Bà Xuân cho biết thêm.

Cơ quan chức năng khẳng định đất tranh chấp là đất lưu không

Ngày 28/8/2014, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có kết luận về diện tích đất mà gia đình bà Thủy tranh chấp đòi là của mình để xây bịt lối đi của gia đình bà Xuân. Cụ thể, văn bản nêu rõ: Căn cứ các tài liệu hồ sơ địa chính có liên quan và báo cáo của Đoàn kiểm tra xác minh huyện thì phần diện tích đất trước nhà bà Thủy (có diện tích 29,4m2) là đất giao thông do UBND xã Vĩnh Yên quản lý, không thuộc quyền sử dụng riêng của gia đình bà Thủy và gia đình bà Xuân.

Hiện hai thửa đất của gia đình bà Thủy và gia đình bà Xuân có sự sai lệch về hình thể, diện tích giữa hồ sơ địa chính, GCNQSD đất đã được UBND huyện Vĩnh Lộc cấp năm 2002 so với hiện trạng sử dụng đất của hai gia đình đang sử dụng.


UBND huyện giao cho Phòng TNMT phối hợp với UBND xã Vĩnh Yên thu hồi, đính chính GCNQSD đất của hai gia đình bà Xuân và bà Thủy.

Huyện cũng yêu cầu UBND xã Vĩnh Yên có trách nhiệm giải tỏa toàn bộ các công trình, trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu trên diện tích 29,4m2 trước cửa nhà bà Thủy và bà Xuân.

Từ kết luận trên, ngày 10/3/2015, UBND huyện Vĩnh Lộc ra Quyết định thu hồi GCNQSD đất của gia đình bà Thủy và bà Xuân để tiến hành đo đạc, cấp lại GCNQSD đất theo đúng hiện trạng đất đang sử dụng.

Do không đồng ý với quyến định thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Lộc, bà Thủy làm đơn kiện cơ quan này. Ngày 24/3/2016, TAND huyện Vĩnh Lộc đưa vụ án hành chính sơ thẩm ra xét xử và bác đơn khởi kiện của bà Thủy vì cho rằng việc UBND huyện Vĩnh Lộc ban hành Quyết định thu hồi GCNQSD đất của bà Thủy và bà Xuân để thực hiện việc đính chính là hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng trình tự và đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bà Thủy không đồng ý và tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Thanh Hóa. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng đơn kháng cáo của bà Thủy là có cơ sở nên đã hủy 1 phần Quyết định của UBND huyện Vĩnh Lộc về việc thu hồi GCNQSD đất đã cấp cho hộ gia đình bà Phạm Thị Thủy.

Việc tuyên hủy 1 phần quyết định thu hồi GCNQSDĐ của TAND tỉnh Thanh Hóa đã đẩy gia đình bà Xuân đứng trước nguy cơ không còn lối đi, khiến gia đình bà hết sức lo lắng nên đã làm đơn gửi TAND cấp cao xem xét.

Không chỉ hộ bà Xuân, mà UBND huyện Vĩnh Lộc (là người bị kiện) cũng đã làm đơn khiếu nại gửi TAND cấp cao đề nghị xem xét vì cho rằng bản án phúc thẩm có nhiều thiếu sót, chưa khách quan.

Bài viết cùng chủ đề: