Hiếu thảo không phải phô trương hình thức rình rang cho người ngoài thấy, hiếu thảo nên xuất phát từ tấm lòng của kẻ làm con.
Nhắc tới trả hiếu, đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, nhiều người cứ nghĩ phải làm gì lớn lao lắm. Nhưng cha mẹ đôi khi không cần nhà cao, xe xịn, tiền bạc đầy dư. Cái cha mẹ cần là về già có con cháu quây quần, sống trong tình thân. Chứ giàu có nhưng sống cô độc, con cháu lạnh lẽo thì cũng tủi thân lắm.
Để làm một đứa con hiếu thảo với cha mẹ chỉ cần bắt đầu từ những quan tâm thường ngày. Tranh thủ lúc cha mẹ còn sống, con cái để tâm, lo lắng, nghĩ cho cha mẹ, đó mới là hiếu thảo. Chứ đợi lúc cha mẹ khuất núi, có khóc, có lễ bái to, kèn trống, giỗ quải linh đình thì cũng chẳng được gì.
Em có đọc được câu này thú vị lắm mọi người “cha không để râu, mẹ không mừng sinh nhật”. Đây là cách nói vắn tắt, làm gọn đi. Câu này đầy đủ và chính xác là còn cha thì con không được để râu, còn mẹ thì con đừng tổ chức sinh nhật rình rang.
Ngụ ý muốn nhắc nhở về đạo hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ. Em thấy cũng có chỗ đúng và ý nghĩa nên chia sẻ lại với mọi người. Mọi người xem xong thì cho em ý kiến coi có đúng không ạ.
1. Còn cha thì con đừng để râu sớm
Câu nói này quả thực khiến nhiều người thắc mắc. Tại sao cha còn sống con cái không để râu mới gọi là con hiếu thảo? Có một người kể câu chuyện thế này, lúc mới chớm lớn thanh thiếu niên, thích thể hiện mình đã lớn nên cứ để râu. Một buổi sáng thức dậy, cha anh thấy thì mắng ngay “Con không cạo râu, nhìn còn già hơn cha, thế trong nhà này ai là cha?”
Từ đó, anh không để râu khi ở cùng cha, đơn giản vì anh muốn có tôn ti, trật tự trong nhà. Việc anh không chừa râu cũng để cha anh cảm thấy bản thân ông vẫn trẻ, con cái vẫn còn thiếu niên.
Nhưng câu chuyện kể ra không phải để hiểu trên bề mặt câu chữ mà còn hàm ý sâu xa hơn. Cốt lõi của câu “còn cha không để dài râu” không phải so đo râu dài hay râu ngắn mà mượn chuyện tác phong, khuyên răn phận làm con nên để tâm đến cảm xúc, suy nghĩ của cha mẹ.
Đôi khi cha mẹ buồn con cái chuyện gì đó mà giấu đi, hoặc có tâm sự khó nói cứ chôn trong lòng vì lo sợ con cái bận lòng. Cứ vậy, ngày qua tháng tới buồn bực mà sinh bệnh. Là con cái, phải tinh ý phát hiện ra để mở lời hỏi thăm, có cái khó phải tìm cách giúp cha mẹ già giải gỡ. Đó còn là lời răn, phận làm con nên dành thời gian ở bên cha mẹ nhiều hơn, quan tâm, lắng nghe cha mẹ, để hiểu được tâm tư của đấng sinh thành.
2. Còn mẹ không tổ chức sinh nhật rình rang
Một người hỏi vào ngày sinh nhật của mình, có bao giờ anh chị về nhà với mẹ chưa. Hay vào ngày sinh nhật, anh chị lại tổ chức rình rang, ăn uống vui vẻ với bạn bè bên ngoài. Không hề nhớ đến mẹ, người đã đưa anh chị đến cuộc sống này.
Mẹ đã hy sinh, đánh cược sống còn để đưa con đến thế giới này. Có thể con cái không nhớ ngày sinh nhật của mẹ. Nhưng mẹ thì luôn nhớ ngày sinh nhật của con, vì nỗi đau mẹ phải chịu khi vượt cạn, sẽ không bao giờ quên được.
Tất nhiên, câu nói này cũng không phải ép mỗi người không được tổ chức sinh nhật của mình vào ngày sinh hay chúc đôi câu rộn ràng mà là một lời nhắc nhở rằng “để có tôi trên đời, mẹ đã phải trải qua bao đau đớn, chịu bao mất mát”. Vì vậy, khi mẹ còn sống, thay vì tổ chức sinh nhật rình rang, vui vẻ với người ngoài thì hãy chọn về nhà, thổi nến bên mẹ. Đó cũng là cách ghi nhớ công ơn mẹ sinh ra con. Ở bên mẹ trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời, đó chính là sự quan tâm, là hiếu thuận.
Trên đời này, cha mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện. Điều họ quan tâm không phải là con cái đền đáp cho mình những gì. Cũng không phải là ăn sinh nhật hay chừa râu các kiểu. Ý tứ sâu xa chính là cách con cái quan tâm đến cảm xúc, tình cảm của cha mẹ mình.
Về nhà thường xuyên hơn, nói chuyện, ở bên cha mẹ nhiều hơn. Tất cả những gì cha mẹ mong là gia đình sum họp, con cháu quây quần. Chứ dăm ba cái hình thức trả hiếu rình rang, thể hiện cho người ngoài thấy thì cha mẹ chẳng cần. Con cái hiếu thảo với cha mẹ xuất phát từ tấm lòng mới là đáng quý nhất.