Các món ăn từ thịt chuột đồng không chỉ là kí ức tuổi thơ của nhiều người miền Tây mà còn gắn liền với một câu chuyện rất buồn cười của hai vợ chồng tôi. Chồng tôi vốn là người Hàn Quốc. Lần đầu về quê vợ, tía má tôi quý con rể, nên “mần” thịt chuột khìa nước dừa để đãi anh một bữa hoành tráng.

Anh chồng tôi thấy món ăn bốc mùi thơm phức, bèn háo hức gắp thử một miếng lên nhấm nháp, ra chiều khoái khẩu. Thế nhưng, khi quay sang cạnh tôi, hỏi thử xem đây là món gì, nhận được câu trả lời là chuột khìa nước dừa thì tái xanh mày mặt, không thể ăn thêm bất kỳ món gì trên bàn.

Cả nhà tôi thấy thế, đều cười nghiêng ngả. Thế mới hay, thịt chuột có thể khiến nhiều người nước ngoài và cả người Việt nhưng ở vùng miền khác, cảm thấy e ngại. Nhưng với người dân miền Tây quê tôi thì đây thật sự là một đặc sản khoái khẩu, ghi dấu nhiều kỉ niệm thời còn gian khó ở quê nhà.

Cũng bởi ngày xưa, ở những cánh đồng quê của miền Tây, chuột có nhiều quanh năm. Chúng thường đào hang ở bờ ruộng, làm nơi để trú ẩn, sinh sôi và phát triển. Khi mùa mưa bắt đầu, lúa non mọc lên xanh mướt khắp các cánh đồng, nhà chuột tha hồ mà gặm nhấm, con nào con nấy, lông vàng mướt, thịt béo ú. Đây cũng là dịp để người nông dân và bọn trẻ con nhàn rỗi trong làng, có thời gian đi săn bắt. Tuy là loài vật phá hoại mùa màng nhưng chuột đồng cũng là món đặc sản khiến nhiều người mê mẩn.

Chuột đồng khi mang về không cần phải cắt tiết cầu kỳ, chỉ cần nhúng vào nước sôi, làm sạch lông. Theo tía tôi kể lại thì khắp lục tỉnh Nam kỳ, đâu đâu người dân cũng say mê thịt chuột. Và cũng chính vì thế mà ở mỗi vùng miền khác nhau, lại có những phương thức chế biến đa dạng, mang đậm đặc trưng riêng. Có vùng nổi tiếng với món chuột đồng xào sả ớt, lại có nơi gây ấn tượng bởi vị ngon của món chuột đồng xào sả ớt hoặc canh chua chuột đồng nấu cùng bắp chuối. Hay như làng tôi, mọi người lại đặc biệt yêu thích món chuột khìa nước dừa. Món nào cũng bắt cơm và đều có thể trở thành “mồi”, để dành cho các chú bác lai rai vài xị rượu đế trên bàn nhậu hoặc giữa cánh đồng gió lộng tứ bề.

Tía tôi hay đùa rằng, chuột đồng là món ăn ngon nhưng không dành cho người có “lá gan” nhỏ. Cũng bởi, không phải ai cũng có thói quen và đủ can đảm để thưởng thức món ăn dân dã, mang đậm hương vị đồng nội này. Như trường hợp của bản thân tôi, dù sinh ra và lớn lên ở miền Tây nhưng phải đến tận năm 8 tuổi, sau rất nhiều lời “dụ ngọt” của tía má và anh chị em trong nhà mới dám nếm thử món ăn này. Mà phải công nhận là sau lần “làm liều” nếm thử chảo thịt chuột khìa nước dừa của má thì tôi đâm ra ghiền món ăn độc đáo này.

Thậm chí, suốt mấy năm sau đó, từ khởi điểm là một đứa trẻ nhút nhát thấy chuột là sợ, tôi đã dần trở thành một “tay săn chuột” chính hiệu. Cứ tháng 9 đến, tôi lại háo hức cùng anh Hai, chị Ba vác xà di, cây leng, cây thuổng, dắt thêm chú chó mực của tía đi “đánh trận đồng xa”, tìm đến những hang chuột ở ven bờ ruộng. Cũng bởi tháng 9 ở làng tôi, trời mưa nhiều, cũng là thời điểm người dân bắt đầu gặt hái xong, nên người đi bắt chuột đồng có thể dễ dàng tóm trọn bọn chuột béo ú.

Cứ thế, chúng tôi tìm đến hết hang này đến hang khác, cứ một người đào, người giữ cái xà di, cùng trợ thủ đắc lực là con chó mực. Tôi nghe anh Hai nói việc dùng con chó để canh miệng hay là mẹo anh học được từ những người trong làng vì nghe mùi chó ngửi ở miệng hang thì chuột sợ hãi, không chạy ra được. Chúng chỉ có thể tự động chui đầu vào cái xà di vì các ngõ ngách khác trong hang đã bị chúng tôi dùng cỏ, rơm bịt chặt đầu lại.

Mãi cho đến khi mặt trời lên đến đỉnh đầu thì cuộc bắt chuột cũng hoàn tất. Anh em chúng tôi mỉm cười hân hoan với thành quả là nửa bao chuột đồng nặng trĩu tay, con nào con nấy to tròn, mềm ụp. Má tôi sẽ chế biến thành vô số những món ăn bình dị như chuột khìa nước dừa, chuột chiên sả… ăn kèm với cơm trắng, thêm chút rau đồng hái quanh vườn nhà là đủ một bữa thỏa thuê.

Tôi đặc biệt thích món chuột chiên nước mắm, dù có mùi vị hơi nồng nhưng lại rất đậm đà. Má tôi rất khéo tay nên chế biến món ăn này cũng đặc biệt thơm ngon. Thông thường má sẽ thui vàng mấy con chuột đồng mập mạp với rơm, rồi làm sạch, để cho ráo rồi thành miếng vừa ăn. Sau khi ướp thêm chút hành tím băm nhuyễn, ít nước mắm ngon, chuột sẽ được đem vào chảo dầu chiên cho đến khi thịt chín, thì vớt ra để ráo.

Sau đó, lại chiên tiếp lần thứ hai, cho thêm nước mắm đường, đảo cho ngấm gia vị là hoàn thành. Món này ăn kèm với cơm trắng kèm theo chút xoài xanh bào sợi, muối tiêu chanh hoặc nước mắm me thì cực kỳ “đưa cơm”. Anh em tôi cứ giành nhau từng chút một, khiến tía má rầy la không thôi. Tiếng cười nói của bọn trẻ hòa cùng tiếng rầy rà của tía má làm rộn vang cả cánh đồng, khiến bà con hàng xóm cứ vậy mà ghẹo: “Nhà bây đã lén cả xóm chiên thịt chuột đồng thơm phưng phức cái lỗ mũi người ta mà anh em bây còn om sòm, tía má bây còn rầy rà, thiệt chịu không nổi”.

Thi thoảng, có dịp từ Hàn Quốc quay trở về miền Tây, nhìn những cánh đồng trĩu nặng bông lúa, tôi lại ngẩn ngơ nhớ những ngày còn thơ, mặc kệ nắng gió, đầu trần chân không ra đồng bắt chuột. Những tháng ngày bình dị bên tía má, anh chị em, cùng biết bao bà con xóm giềng khiến bất kỳ người đi xa quê nào cũng chạnh lòng nhớ thương. May mà, tôi vẫn còn tía má và làng cũ để quay trở về…