Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, nằm nép mình sau những rặng tre xanh mướt.

Ngày đó, lũ trẻ làng chúng tôi không được tiếp xúc nhiều với công nghệ như bây giờ, bởi vậy mà, cả tuổi thơ chỉ biết gắn chặt với ruộng đồng, con trâu và tính thời gian trong năm bằng mấy mùa trò chơi dân gian: Mùa ảnh, mùa cù, mùa vòng, mùa bi, mùa thả diều… Mùa diều thường bắt đầu từ tháng 5 – thời điểm lũ học trò nghỉ hè và kết thúc vào cuối tháng 8. Mùa diều về, dù nhà có nghèo đến mấy thì lũ trẻ đứa nào cũng phải có trong tay một con diều thật đẹp của riêng mình. Diều có thể không to, không cầu kỳ hình thức nhưng nhất định phải bay được thật cao, lên tít tận mây xanh.

Nhà tôi vốn chỉ có hai anh em, tuổi cũng không chênh nhau nhiều, nên suốt cả tuổi thơ, kỷ niệm nào cũng nhìn thấy nhau ở trong đấy. Nhớ mỗi khi mùa diều về, hai đứa lại hì hục mang giấy báo, hồ dán, que nứa, dây cước,… ra mày mò làm diều. Tôi vốn không được khéo tay cho lắm nên chỉ đảm nhận khoản chuẩn bị dụng cụ và chân sai vặt, còn lại, em trai tự thân vận động hết. Mà để tạo nên một chiếc diều cũng không dễ dàng gì, ít nhất cũng phải nắm vững được 4 công đoạn cơ bản. Đầu tiên, em trai tôi cẩn thận làm khung cho diều – đây là công đoạn quan trọng nhất, quyết định khả năng diều bay cao hay thấp. Một đoạn tre làm nan thúng của bố, em chẻ ra có độ mỏng vừa khéo, không quá yếu cũng không quá cứng, bởi lẽ, nếu mỏng quá thì diều sẽ bị chao đảo khi gặp gió, còn cứng quá thì diều không thể bay lên được. Tiếp theo, em đem nối những đoạn nan tre lại để định hình chiếc diều, sau đó cắt giấy dán theo bộ khung. Hồ dán thường là nhựa mít, hoặc hồ làm bằng bột nếp nấu chín. Đuôi diều thường làm ba đuôi, hai đuôi hai bên ngắn hơn đuôi ở giữa một chút. Dây diều là dây cước hay là dây dù mà chúng tôi đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Gắn dây vào là có thể thả diều lên trời và sung s*** ngắm nhìn rồi thả vào đó những điều ngây thơ, trong trẻo. Tôi không nhớ hết trong suốt những năm tháng tuổi thơ, em trai đã làm cho tôi bao nhiêu con diều để thả. Chỉ nhớ rằng, diều của em luôn thuộc “top” những con diều bay cao nhất trong cái xóm nghèo khi đó. Cũng bởi vậy mà lũ trẻ trong làng trưa nào cũng tụm năm, tụm bảy trước sân nhà tôi, để nhờ em trai làm diều.

Cánh diều tuổi thơCánh diều là nơi gửi gắm bao tâm tư, ước vọng của tuổi thơ.

Nhớ cánh diều tuổi thơ thì cũng làm sao quên được những trưa hè nắng như đổ lửa, chúng tôi đứa nào cũng đầu trần, chân đất, mặt phơi ra hứng nắng, chạy dọc con đường đồng để lùa theo bao cánh diều chao liệng. Đến khi mệt quá thì lại chui vào mấy bóng cây cổ thụ, nằm thẳng người, chân vắt chéo lên nhau, hai tay gối sau đầu, mắt nhìn thẳng lên bầu trời cao vút, thả hồn theo từng nhịp bay của cánh diều. Tôi không biết các bạn của tôi ngày đó gửi ước mơ gì sau những cánh diều phấp phới, riêng tôi, lần nào cũng vậy, chỉ ước bản thân mọc thêm đôi cánh để mỗi khi mỏi mệt có thể lao vút lên tận không trung mà bay dọc miền đất nước, bay mãi, bay đến khi mỏi cánh, hết buồn thì mới trở về. Cảm giác nó mới bay bổng, vô lo và tự tại làm sao.

Những kỷ niệm mà tôi và cánh diều mới đó mà đã trôi qua gần 20 năm. Giờ đây, mỗi lần đi làm về ngang qua cánh đồng làng đang dần bị thu hẹp bởi công cuộc hiện đại hóa nông thôn, lòng tôi chợt trào dâng bao xúc cảm. Mừng vì sự đổi thay của quê nhà, vui cho cuộc sống đủ đầy, ấm êm đang hiện hữu mỗi ngày nơi đây. Trẻ con bây giờ trong quê cũng đã có nhiều sự lựa chọn hơn cho bản thân về cả vật chất lẫn tinh thần – đó là sự thừa hưởng xứng đáng, minh chứng hiện hữu cho một miền quê phát triển. Dẫu vậy, tôi vẫn không giấu được nỗi buồn của sự nuối tiếc về một thời quá vãng. Cái thời mà tuổi thơ là trời xanh, là đất rộng,… Xin được mượn lời của nhà văn Tạ Duy Anh để nói lên nỗi lòng mình: “Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đấy là khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hy vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!”. Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.”