Thời trang Tết của thời bao cấp dù không đẹp, không sang, không độc, không có thiết kế riêng nhưng vẫn cứ khiến những người được khoác lên mình bộ quần áo mới đi chúc tết nhớ mãi. Nhớ bởi nó chứa đựng biết bao chắt chiu, công phu dành dụm, mong chờ, háo hức

Việc có 1 bộ quần áo mới cho con trẻ để diện trong ngày tết cũng là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, của con cháu đối với ông bà, để ngày tết đoàn viên thêm ấm áp, vẹn tròn

Tết Nguyên đán đối với người Việt cho đến ngày hôm nay vẫn rất quan trọng. Phong tục tập quán ăn tết của người Việt Nam, ngoài tục lệ ra thì còn có những cái kiêng cữ.

Ví dụ cuối năm người ta nợ ai thì phải đi trả bằng hết, còn ai cho vay thì phải đi đòi, nghĩa là ko để chuyện nợ nần dây dưa sang năm mới.

Hoặc ngoài việc trên bàn thờ tổ tiên phải có xôi, gà, bánh chưng.. để cúng mời tổ tiên về ăn tết thì còn có việc rất quan trọng nữa là mặc quần áo mới, đặc biệt đối với trẻ con.

Vì sao lại có tục này? Nó xuất xứ từ việc tết là năm mới, là gửi gắm mong muốn đổi mới nên mọi thứ phải mới.

Cuối năm người ta quét dọn, quét vôi lại nhà cửa cho mới mẻ, hay từ người lớn đến trẻ con đều phải có manh áo mới thể hiện khát vọng của con người hướng tới một năm mới không còn cũ kỹ như năm trước nữa.

Nhưng trước kia, đặc biệt là thời bao cấp, điều kiện kinh tế thực sự rất khó khăn và thiếu thốn, khác xa so với bây giờ nên việc lo được tấm áo mới cho con trẻ hay người lớn tuổi trong gia đình hoàn toàn ko dễ dàng.

Khi anh càng thiếu thốn anh càng khát khao, khi anh không có anh lại càng mong muốn, nên may được một bộ quần áo diện tết là hạnh phúc lớn lao đối với cả gia đình.

Như một truyền thống, việc có 1 bộ quần áo mới cho con trẻ để diện trong ngày tết cũng là trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, của con cháu đối với ông bà, để ngày tết đoàn viên thêm ấm áp, vẹn tròn.

“Thời bao cấp nói chung là cực khổ lắm, 2 năm mới được 5m vải, nên quần áo các thứ là phải để dành dụm đến tết mới may được 1 bộ quần áo cho con cái và gia đình, nên đến ngày chuẩn bị tết đấy, tấp nập chuẩn bị cho con cái, các cụ, ông bà già, để ngày tết cho mọi người đến chúc tết để thấy là ông bà cũng có manh áo để tự hào vì con cháu mình sắm sửa cho”.

“Cái tết thời bao cấp thì nó là vấn đề vì tiêu chuẩn lúc đó thời bao cấp thì cán bộ mới là 5m vải, còn nhân dân như trẻ con thì chỉ có 1m vải và trước tết thì 1 số cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở HN hay các tỉnh thành thì họ vẫn bán quần áo trẻ con nhưng vấn đề là có tiền hay không để mua thì rất nhiều nhà trong đó có gia đình mình thì đứa lớn mà may cái quần mới thì phải mặc cái áo cũ, đứa bé được may cái áo mới thì cái quần phải là cái quần cũ, chứ ko có điều kiện có cả 1 bộ mới.

Tất nhiên là để có được quần áo mới đó thì cũng phải mua vải trước, trữ đó để may, nếu không bách hóa họ bán thì buộc phải mua trước rồi lưu giữ lại đến tết và phải tính toán làm sao từ lúc mình mua vải đến tết là mấy tháng thì con có lớn hay không, có vừa hay không”.

“Nhà nào cũng thế, lo được bộ áo sơ mi với quần như thế là tốt lắm rồi, vì tình hình chung xã hội là thế, lương đâu mà lo”.

“Nhưng trẻ con nói thật thời đấy cũng khổ nhở, chia nhau để người được quần, người được áo, nhà đông người chỉ được thế thôi nhưng mà ai cũng có cho phấn khởi, ai cũng hồ hởi sẽ được mặc”.

Tết thời bao cấp là cái Tết nghèo, phụ thuộc vào nhà nước với chế độ tem phiếu, người dân có tiền cũng khó sắm Tết được đủ đầy, nhưng ngày xuân vẫn cứ vui và con người vẫn cứ lạc quan đi qua năm tháng
Tết thời bao cấp là cái Tết nghèo, phụ thuộc vào nhà nước với chế độ tem phiếu, người dân có tiền cũng khó sắm Tết được đủ đầy, nhưng ngày xuân vẫn cứ vui và con người vẫn cứ lạc quan đi qua năm tháng
Thời bao cấp không chỉ là sự thiếu thốn từng mét vải mà ngay đến các thể loại cũng không thể đơn điệu hơn, thậm chí cũng không thể có sự lựa chọn vì cái gì cũng theo phân phối, chẳng ai hơn ai bởi số vải đều được phân phối bằng nhau hết.

Ai chịu khó giữ gìn thì quần áo mặc được lâu, lỡ sờn rách thì cố vá víu mặc tạm chờ đợt cấp mới rồi lại cất giữ chờ đến tận tết…năm sau mới dám bỏ ra may.

“Ví dụ như quần cái quần áo satanh thôi, vải gụ, nữ thì màu dâu tây, nam giới thì màu cửu long, sẫm sẫm, trẻ con thì màu áo hoa”.

“Các em cô đều mặc như người lớn thu nhỏ, kiểu như trên là áo sơ mi, dưới là quần tây bán sẵn ở vỉa hè cũng đầy, đầu tiên là mặc quần có yếm, sau ko có yếm thì có dây đeo. Mặc quần hết, thường là người ta may quần nâu hoặc quần xanh công nhân, áo sơ mi trắng, hồi đấy cô đi mua cho em cô đấy, năm đấy độ năm 56”.

“Những năm tháng đó phải nói là rất vất vả, nhưng tết nhất dù vất vả đến đâu thì gia đình công nhân viên chức đều cố gắng thu xếp cho các con bộ quần áo mới. Hồi đó vải phổ biến nhất là kaki, áo đẹp nhất sang trọng nhất là muslin, những loại vải rất đơn điệu, được bán ở các cửa hàng mậu dịch, nhớ mãi ngày đấy có những bộ chăn màn mà phải chắp vá từ vài trăm mảnh mới được đủ bộ chăn”.

“Thời đấy thời bao cấp, cái tem phiếu của mình ngày xưa mua dc 5m vải thôi nhưng cũng không dám may ngay đâu mà phải để dành, cứ tích tích vào đến gần giáp tết này này thì tranh thủ ghé qua cửa hàng vải xem có vải gì, ví dụ quen thì họ để cho mảnh vải hoa hay vải trắng, mà giáp tết rồi ra hiệu cũng chẳng ai nhận, toàn về tự may lấy cũng đơn giản thôi như cái áo sơ mi, đi làm vất vả nhưng về đến nhà có cái máy khâu thì cũng kỳ cạch, còn may hộ cho bạn bè, các con các cháu”.

Thời trang tết của thời bao cấp dù không đẹp, không sang, không độc, không có thiết kế riêng nhưng vẫn cứ khiến những người được khoác lên mình bộ quần áo mới đi chúc tết nhớ mãi.

Nhớ bởi nó chứa đựng biết bao chắt chiu, công phu dành dụm, mong chờ, háo hức…, nhớ bởi chỉ đến tết mới có quần áo mới để diện, và rất nhớ bởi nó gom góp biết bao yêu thương, lo toan, hy vọng, niềm sung s*** của mọi thành viên trong gia đình.

Nhất là con trẻ, bao nhiêu xúc cảm cũng đều được thể hiện ra hết. Trẻ con là vậy, hồn nhiên và vui tươi, chỉ biết hãnh diện với bạn bè khi được khoác manh áo mới, chứ đâu biết đến những vất vả của mẹ cha.

Bởi thế, người lớn chỉ cần nhìn vào đôi mắt lấp lánh niềm vui của con trẻ thôi cũng đã thấy mọi vất vả, nhọc nhằn, thiếu thốn như tan biến.

Đặc biệt khi tết đến, trẻ con được nhận một bộ quần áo mới thì những cảm xúc chộn rộn, khó tả năm nào cứ theo ký ức ùa về, để những người ngày hôm nay có thể đầu đã bạc, nhưng những cảm xúc vẫn đong đầy trong từng lời kể:

“Trước tết là chỉ được bố mẹ cho ướm thử thôi chứ không được mặc đâu, xong rồi giặt, gấp phẳng phiu, ngày nào cũng kê dưới gối cho nó phẳng nếp nữa, thèm được mặc lắm nhưng vẫn phải nhịn đến tận đúng sáng mùng 1 mới được diện. Mà cả ngày đi chơi cũng phải rón rén, giữ gìn, chỉ sợ hỏng hay làm bẩn bộ quần áo mới ấy thì bị dông cả năm”.

“Ngày xưa, dù là cái váy đơn giản thôi nhưng muốn diêm dúa thì mình phải ra tận Hàng Bồ mua cái đăng ten đính vào cho trẻ cho nó thích, mà ngay cả người cha người mẹ được mình may hộ cũng đã rất là sung s*** rồi, người lớn cũng sướng chứ đừng nói là trẻ con. Trẻ con thì khỏi nói rồi, thích lắm , mặc thử mà cứ tháo ra tra vào đến mấy lần”.

“Trẻ con vui lắm, tung tẩy, suốt ngày hỏi bà ơi, mẹ ơi bao giờ đến tết để chúng con được mặc quần áo mới…”

“Những tháng năm đó bố mẹ làm công nhân viên chức mà sắm được cho con bộ quần áo mới, nhìn con mặc mà nó reo mừng thì phải nói là rớt nước mắt”.

“Chắn chắn là phải đi mua quần áo các thứ rồi bánh kẹo… Như ngày xưa mua quần là phải mua trước tết rồi đi may, xong có cái vải bông chéo chéo đấy, ôi giồi ôi, hoa hoa, ngày bé tí còn được bố mẹ cho lên nhà may Đức Hạnh trên Hàng trống ấy, mua các quần áo xong cái áo trắng nó còn viền viền viền viền, cổ lá sen, diêm dúa, thêu thêu.. thích lắm!”

Tết thời bao cấp là cái Tết nghèo, phụ thuộc vào nhà nước với chế độ tem phiếu, người dân có tiền cũng khó sắm Tết được đủ đầy, nhưng ngày xuân vẫn cứ vui và con người vẫn cứ lạc quan đi qua năm tháng ấy.

Thậm chí, với rất nhiều người trải qua thời kỳ đặc biệt này lại còn cảm thấy có đi qua những khó khăn, đau khổ mới thêm yêu những hạnh phúc, đủ đầy hiện có

Với điều kiện đủ đầy như hiện nay, gần như chúng ta không phải lo thiếu thốn từ chuyện ăn đến chuyện mặc, chuyện chơi, nhưng điều chúng ta dễ thấy thiếu chính là những ký ức và cảm nhận đong đầy cảm xúc như thế.

Nhưng qua những câu chuyện về áo mới chơi xuân thời bao cấp vừa được chia sẻ, chúng tôi tin rằng, Tết vẫn luôn giữ được giá trị tâm linh muôn đời của nó.

Quả thực, giá trị của Tết truyền thống không ở đâu xa vời, không nằm trong khái niệm vật chất cụ thể, mà nằm trong chính trái tim yêu thương, đong đầy cảm xúc và được kết nối giữa tất cả mọi người với nhau.

Vì trong sự khó khăn, thiếu thốn của thời bao cấp, người ta nhận ra rằng chưa bao giờ cuộc sống lại ăm ắp tình thương, tình nghĩa láng giềng, tinh thần đoàn kết như thế.

Và khi ngày tết đến, ai cũng phấn khởi, không ai còn nghĩ đến sự nghèo khó nữa, mà chỉ vui sướng hưởng thụ cái Tết, hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn./.