Ngôi nhà được anh Tiến xây theo kiểu nhà sàn cho mẹ ở quê. Không chọn hình thức xây gạch thông thường vì anh muốn ngôi nhà có sự mới lạ, giảm chi phí làm móng, đồng thời tiết kiệm thời gian, dễ dàng mở rộng diện tích, cơi nới khi có thêm nhu cầu.
Ngôi nhà có tổng diện tích sàn 1 tầng khoảng 95m2, có 3 phòng ngủ, được làm bằng 2 thùng container đông lạnh (đã có chống nóng sẵn). Mỗi container rộng gần 30m2, được đặt cách nhau một khoảng, ở giữa thêm sàn và tường bê tông. Anh Tiến cho biết ý tưởng làm nhà bằng container đã hình thành từ 2 năm trước.
Trong thời gian đó, anh tìm hiểu rất nhiều về các loại thùng hàng, độ bền và khả năng thích ứng thời tiết khắc nghiệt. Sau khi biết ở Việt Nam có biệt thự làm từ 28 chiếc container và xem nhiều các công trình như quán cà phê, khách sạn mini làm từ container, anh càng thêm quyết tâm muốn thực hiện mong muốn làm nhà từ container của mình.
Lựa chọn kết cấu nhà là dạng nhà sàn, là bởi anh muốn gia đình sẽ có không gian rộng rãi để tụ họp với bạn bè, hàng xóm ở tầng dưới, còn tầng trên là không gian sinh hoạt của riêng gia đình, vậy sẽ thoải mái hơn. Không những thế, thiết kế này còn giúp nhà tránh bị “chảy nước”, giảm hiện tượng nồm ẩm của miền Bắc vào mùa xuân.
Khi thực hiện ngôi nhà này, anh nhận được rất nhiều ý kiến. Trong đó có thắc mắc rằng ngôi nhà được làm từ vật liệu dẫn điện như vậy, trong trường hợp xảy ra sấm, chớp liệu có an toàn không? Anh Tiến đã giải đáp: “Tôi thiết kế đường dẫn điện xuống dưới đất, sét đánh chỗ nào cũng truyền xuống đất. Bởi vì, sắp thép được liên kết từ mái xuống móng qua tất cả các cột thu lôi, không phải qua 1 cái như nhà xây. Ngoài ra, bên trong tôi còn ốp hoàn toàn gỗ và sơn bả nên không sợ giật”.
Về những lo lắng ở nhà container có nóng không vì làm bằng tôn, anh Tiến chia sẻ anh đã tính toán thiết kế luồng gió rất kỹ khi lên ý tưởng nên rất thông thoáng, nhờ vậy mùa hè sẽ không quá nóng.
Đây là không gian mà mẹ anh sẽ sinh hoạt là chính, bởi vậy anh Tiến dành rất nhiều tâm huyết để hoàn thiện, mang đến không gian tiện nghi nhưng thoải mái, dễ sử dụng cho mẹ. Anh đã đầu tư 500 triệu đồng để hoàn thiện bao gồm cả nội ngoại thất. Anh mua 200 khối đất để nâng sàn, tôn lạnh lợp mái giá cao hơn hẳn loại thường, sàn lát gỗ Malaysia, trần và tường dùng tấm xi măng gỗ của Thái Lan. Chi phí cũng bao gồm hệ thống điện thông minh và smarthome điều khiển bằng giọng nói. Mẹ anh có thể sử dụng giọng nói để bật đèn, quạt, điều hoà, tivi,…
Khó khăn khi thực hiện ngôi nhà container là việc tìm thợ vì hình thức xây nhà từ container còn khá mới mẻ ở quê. Về thiết kế, anh thuê kiến trúc sư thiết kế phác thảo rồi bổ sung thêm các chi tiết tùy vào thi công thực tế.
Dù có chút khó khăn ban đầu nhưng cuối cùng ngôi nhà đã được hoàn thiện trong niềm thoả mãn của anh Tiến và hạnh phúc của mẹ và gia đình. Mỗi dịp cuối tuần hay lễ Tết, anh cùng vợ và các con sẽ về ngôi nhà này để quây quần cùng mẹ.
“Sau khi tham quan, mọi người nhận xét nhà hay, lạ và tỏ ra thích thú, vài người còn xin tôi thiết kế để tham khảo. Tôi biết sẽ có người khen rẻ, người chê đắt so với xây nhà kiểu truyền thống. Nhưng tôi thấy hài lòng với những gì mình có được so với số tiền bỏ ra”, anh Tiến chia sẻ.
- Không muốn lão hoá với tốc độ chóng mặt, phụ nữ phải bỏ ngay 5 việc ngớ ngẩn này
- Lý Hải: “Tôi ngại nhắc đạo diễn khác, sợ bị nói mượn tên họ quảng bá phim”
- 5 chiêu ăn mặc giúp phụ nữ thu hút mọi ánh nhìn dù chẳng dát hàng hiệu
- Vì sao phụ nữ trẻ chẳng ham đàn ông ở độ tuổi 50 và 60? Lý do vừa thực tế vừa bất lực
- ‘Nổ’ là con dâu tương lai lãnh đạo tỉnh lừa gần 9 tỷ đồng