Chán Sài Gòn, Long lẳng lặng vay tiền mua 3 ha đất ở Quảng Nam, định sống cả đời với nghề trồng cây, nuôi bò. Nhưng cuộc sống ở rừng “không đẹp như mơ”.
Đầu năm 2021, Nguyễn Tự Long bắt xe từ nhà đến Núi Thành, Quảng Nam để thu hoạch lứa keo đầu sau năm năm. Lần này, anh dự định ở rẫy 5 tháng, bán hết lứa cây trước, trồng lứa mới rồi lại quay về phố.
Bước chân vào ngôi nhà nằm giữa rừng cây, Long nhận ra mấy thứ đồ đạc như bàn làm việc, giường ngủ đã xiêu vẹo vì mối và ẩm mốc. Hai năm không có dấu chân người, cỏ đã mọc đến đầu gối. Chàng trai 29 tuổi hơi chút bồi hồi khi nhớ lại đã có thời anh từng quyết tâm “sống cả đời ở đây”.
Năm 2016, chàng trai quê gốc Quảng Nam chán cảnh Sài Gòn xô bồ nên dự định mua mảnh đất nhỏ làm trang trại lợn, sống xa phố thị. Đến Tam Thạnh, Núi Thành, Long được người quen giới thiệu một mảnh đất màu mỡ rộng 3 ha, giá rẻ do chủ cũ cần bán gấp, lại có sẵn đàn bò 6 con. Long vay mượn thêm, chồng luôn 600 triệu. Từ lúc mua đến lúc nhận đất vỏn vẹn một tháng, không một ai trong gia đình biết gì.
“Tôi cứ nghĩ nó đang làm việc ở Sài Gòn. Lúc gọi hỏi thăm mới biết con lên Núi Thành làm rẫy. Tôi rất sốc nhưng thấy con có định hướng nên để kệ nó”, bà Đỗ Thị Thu, mẹ Long, nói.
Chàng trai 24 tuổi khi đó không thể tưởng tượng được hết những khó khăn mình sẽ phải trải qua. Từ Sài Gòn nhộn nhịp, anh đến ngủ trong căn nhà lọt thỏm giữa rẫy, không điện, không Internet và cũng chẳng có sóng điện thoại. Mỗi tuần, anh xuống trung tâm xã cách đó 10 km hai lần để sạc pin điện thoại, cập nhật tin tức “của thế giới bên ngoài”. Thi thoảng, anh leo lên núi “hứng sóng” gọi về gia đình.
Đêm đầu tiên ở rẫy, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng gió hú. Càng về khuya, trời càng lạnh, Long trùm chăn niệm Phật, chỉ mong trời mau sáng, nghe tiếng động, cũng không dám mở chăn ra. Tới gần sáng, anh “nông dân” thiếp đi và tỉnh giấc khi những tia nắng chiếu xuống mặt hồ mênh mông nước. Chàng trai bắt đầu “sự nghiệp bỏ phố về rừng” bằng việc đi bẻ củi, lấy nước dưới giếng vo gạo, đặt niêu lên kiềng sắt thổi cơm.
Là dân miền biển, Long quen vất vả nhưng chẳng biết gì về nghề nông. “Tôi không biết cái giáo là cái gì, không biết phát chồi (dùng dao rựa chặt cây, cỏ dại) là sao, cũng chẳng biết tên các loại rau rừng”, Nguyễn Tự Long kể.
Anh chạy xe ra ngoài xóm, cách rẫy 7 km thuê người phát cỏ trồng cây keo nhưng đường vào rẫy khi mưa xuống sình lầy, dốc trơn trượt, dân ngại chẳng muốn vào. Có lần, Long về thị xã Tam Kỳ mua đồ, trở lại rẫy mà nhầm đường, mất nửa ngày mới về được nhà. Để thuê được người, anh phải trả công cao hơn chỗ khác, mua thêm đồ ăn chiều cho họ.
Trong rẫy cây cỏ um tùm. Mùa mưa, khắp người Long chi chít vết muỗi và côn trùng cắn. Anh luôn mang theo chai dầu gió để xoa lên vết cắn và phòng lúc ốm đau chỉ một mình. Kẻ thù của ông chủ rẫy là gai lá lách, cây dắt sôi, những loại gai cứa vào thịt sẽ tứa máu, đau nhức chân tay cả đêm. Những cái gai đâm vào da thịt thường không thể khều ra được, anh phải chấp nhận sống chung với nó cho đến khi cơ thể tự chữa lành.
Khi đã quen với cuộc sống ở rừng, Long sang các rẫy bên cạnh làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Anh còn mò mẫm đến các xóm, tìm mua bò gầy về vỗ béo rồi bán lại. Lũ bò mới về, hay đi lung tung, dạt sang cả rẫy nhà hàng xóm nên Long thường bị các chủ rẫy khác mắng xối xả, thậm chí dọa dẫm. Một con bò đực của anh từng bị người ta chặt mất chân. “Cảm giác đau không tả được”, Long nói. Cuộc sống cô đơn lại cực nhọc, đôi lúc chàng trai muốn buông bỏ để trở lại Sài Gòn.
Bỏ phố về rừng nhưng Long nhận ra sự yên tĩnh của tự nhiên không phải lúc nào cũng khiến người ta thanh thản. Một lần, anh dắt bò mẹ để dụ bò con xuống trung tâm xã bán. Sau khi đưa được bò con lên xe đi xa, Long mới tháo dây, dẫn bò mẹ về lại chuồng. Tối đó, nó rống lên rất dữ, sáng hôm sau chỉ còn lại cái chuồng trống không.
Long đi tìm suốt ba ngày mới thấy. Người dân quanh đó kể, đêm nào cũng nghe tiếng con bò lạc kêu thống thiết. Cảm giác tội lỗi giày vò khiến anh nhiều đêm mất ngủ.
Không lâu sau, anh bán tiếp một chú bò cho người dân. Họ xẻ thịt cạnh hồ nước trong khu đất của Long. Hôm đó, nhìn thấy máu lênh láng mặt hồ và cảnh con bò mẹ đứng trân trân nhìn vết máu, rống lên như ai oán, anh nông dân không thể cầm lòng. “Tôi vì chút lợi nhuận mà chia cắt tình mẫu tử thiêng liêng. Tôi thấy mình quá độc ác”, Long nói.
Anh quyết định bán hết đàn bò hơn 30 con, thu dọn đồ đạc trở lại Sài Gòn. “Ở rẫy lâu, tôi như thằng ngố, cô đơn và thèm người”, anh cười và thừa nhận chuyện về đàn bò chỉ là “giọt nước cuối cùng làm tràn ly”.
Trở lại phố thị, Long nhận thấy cuộc sống “vừa thân thuộc, vừa lạ lẫm”. Anh tìm lại bạn bè, nhưng mọi người đều bận rộn và vẫn quay cuồng với nhịp sống như trước đây: Đi làm cả ngày, đợi đến tháng lương để tiêu xài và thi thoảng phàn nàn về sếp. Anh bật cười khi thấy một chàng trai không biết sửa những trục trặc đơn giản khi xe máy hỏng. Ở rừng ba năm, Long đã tự lập rất nhiều, kể cả học sửa xe, vì sống xa dịch vụ thiết yếu.
“Lúc trước tôi muốn mua đủ thứ, nhưng giờ tôi lại chẳng thích gì. Những ngày ở rừng giúp tôi bớt sân si”, chàng trai bộc bạch. Anh đi du lịch một số điểm nổi tiếng và trở về Phú Quốc khi mẹ bị ốm và hài lòng với công việc mới là nhân viên bưu chính tại quê nhà.
Trở lại thăm rẫy lần này, Long mua dây thép gai về quây 3 ha đất rẫy của mình. Con đường đất ngày trước giờ đã được đổ bê tông, có điều anh vẫn sẽ về phố khi xong việc.
Chàng trai trẻ chiêm nghiệm, nếu muốn về quê, đừng tham nhiều việc, đừng mua đất quá rộng, vì làm không nổi, cực nhọc lại nản lòng và chẳng có thời gian thưởng thức hương vị cuộc sống.
- Ô tô bị tàu hỏa hất văng ở Hà Nội: Tài xế đỗ xe sát mép đường ray có bị xử phạt?
- Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỗ phát sinh 20 tỉ đồng
- Bình Dương: Mua giấy phế liệu, bán tác phẩm nghệ thuật độƈ bản giá chục triệu đồng
- ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI SÁNG NAY
- Vợ chồng vô duyên thì không gặp, con cái không nợ thì không đến