Nhìn thấy con gái 4 tuổi tròn mắt sợ hãi khi nửa đêm chợt tỉnh bắt gặp bố mẹ yêu nhau, vợ chồng anh Hưng mới thực sự tiếc vì đã không cho con ngủ riêng.
Khi con gần 1 tuổi, anh Hưng đã nói với vợ về chuyện cho bé ngủ riêng, nhưng vợ anh và cả gia đình không đồng ý. Hưng nói với vợ về những bất tiện trong sinh hoạt khi chung giường với con, nhưng chị bảo: “Nó còn bé bỏng thế, ai nỡ lòng bắt rời mẹ. Anh chịu khó một tí vậy”. Cảm thấy như mình đang ích kỷ, Hưng không đề cập đến chuyện này nữa.
Suốt mấy năm, anh chị vẫn ngủ chung giường với con. Dần dần, Hưng cũng quen với điều này và không thấy có gì phiền toái, ngoại trừ việc phải thức khuya mỗi lúc muốn “gần” vợ, chờ cho con ngủ say. Nhưng một đêm, khi đang ân ái mặn nồng, Hưng giật mình bắt gặp đôi mắt thảng thốt, sợ hãi của con gái. Đến lúc này, ngay cả vợ anh cũng ân hận vì đã không cho con ra ngủ riêng.
Còn vợ chồng chị Tú và anh Khoa đã nghĩ đến chuyện này khá sớm, khi con trai mới 2 tuổi. Họ đã chuẩn bị một căn phòng nhỏ xinh xắn cho bé ở ngay cạnh phòng bố mẹ. Ban đầu, cậu bé thích thú với ý nghĩ mình có một giang sơn riêng. Bé chơi ở đó suốt ngày, nhưng tối đến lại dứt khoát phải ngủ với mẹ. Thương con, chị Tú mềm lòng, tự nhủ thôi cho nó ở với mẹ thêm ít hôm. Sau đó, cứ mỗi lần chị định thuyết phục con là bé lại kiên quyết từ chối. Chị đã lần lữa như vậy đến 3 năm.
Khi nào nên bắt đầu việc “ra riêng”?
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý trường Mầm non Hoàng Gia – Equest (Đội Cấn, Hà Nội), việc cho trẻ ở phòng riêng rất cần thiết đối với cả bố mẹ và đứa trẻ. Điều này giúp làm tăng tính tự lập, tự tin cho bé, giúp bố mẹ có đời sống riêng.
Nếu trẻ đã lớn mà vẫn ở chung với bố mẹ thì sẽ khó tránh khỏi những lần bắt gặp bố mẹ trong trạng thái “đặc biệt”, và điều này có thể gây chấn động nặng nề về tâm lý. Do không hiểu bản chất sự việc, trẻ có thể cho đó là một hành vi b.ạo l.ực và trở nên kinh hãi, hoặc bắt chước hành động của bố mẹ.
Ở phương Tây, trẻ em không ngủ cùng bố mẹ từ rất sớm, và đến 3 tuổi thì hầu hết đã có phòng riêng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, quan niệm “con bé phải ở cùng bố mẹ” vẫn rất phổ biến, thậm chí ngay cả khi trẻ đã 11-12 tuổi. Theo ông Khanh, với môi trường tâm lý – xã hội ở Việt Nam, việc cho trẻ ra ngủ riêng quá sớm có thể gây cho trẻ nỗi sợ hãi, bất an, tuy nhiên cũng cần làm điều này khi trẻ được 4-6 tuổi, có thể sớm hơn tùy tính cách mỗi trẻ.
Thuyết phục trẻ như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh khuyên rằng, việc cho con ra riêng không nên tiến hành một cách đột ngột, càng không nên ép buộc trẻ. Nếu làm vậy, đứa trẻ sẽ cảm thấy mình bị bố mẹ hắt hủi, bỏ rơi và sẽ bị tổn thương tinh thần. Vì vậy, trước hết cần thuyết phục con cho đến lúc nó đồng ý.
Trước hết, cần giải thích cho con biết tại sao cần làm như vậy. Nói với trẻ rằng con đã lớn, cần có chỗ riêng tư để làm những việc con thích mà không ai làm phiền, và bố mẹ cũng vậy.
Để làm trẻ thích thú với việc ở riêng, cần chuẩn bị một phòng xinh xắn ở ngay cạnh phòng bố mẹ. Để cho bé cùng tham gia trang trí căn phòng. Nói với bé rằng đây là giang sơn riêng của con, con có quyền bài trí theo ý mình, có thể cho các bạn gấu bông, búp bê hay đồ chơi khác lên giường cùng con…
Để trẻ có cảm giác thân thuộc với căn phòng và không lo lắng, mẹ có thể cùng chơi với bé ở đây, rồi vỗ về cho bé ngủ. Dặn bé rằng bố mẹ ở ngay cạnh (hoặc có điện thoại trong phòng), nếu có vấn đề gì quan trọng thì con gọi, mẹ sẽ đến ngay. Tuy nhiên, bạn cần giao hẹn với con là phải chuyện quan trọng mới được gọi.
Những ngày đầu trẻ sẽ thao thức vì sợ, vì cảm giác cô đơn nhưng rồi sẽ quen. Nếu mẹ mềm lòng và ngủ lại với con, hay cho con sang phòng mình thì sau đó rất khó dứt khoát. Tiến sĩ Công Khanh lưu ý, khi trẻ đã đồng ý ngủ riêng thì đó phải được coi là một cam kết giữa cha mẹ và con cái, cho trẻ biết là nó phải thực hiện đúng.
Có nên chung phòng nhưng riêng giường?
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, việc trẻ ngủ cùng phòng với bố mẹ nhưng ở một cái giường khác cũng không khác mấy so với chung giường. Lúc đó trẻ vẫn ở cùng một không gian với bố mẹ, vẫn có thể mè nheo, vòi vĩnh nên không có sự độc lập. Mặt khác, trẻ vẫn có thể chứng kiến những hình ảnh bất lợi trong sinh hoạt.
“Nếu việc riêng giường chỉ là bước chuyển tiếp để cho trẻ ra phòng khác thì đó là điều rất tốt, nhưng không thể coi đó là giải pháp lâu dài” – ông Khanh nói.
Nếu nhà chật, bạn không thể bố trí phòng cho trẻ thì nên tạo vách ngăn trong căn phòng chung bằng ri đô hay các vật dụng khác để tạo cảm giác mỗi người có một không gian riêng. Bạn cũng bài trí khu vực của trẻ thành một vương quốc thực sự cho riêng bé. Dặn bé những nguyên tắc tôn trọng sự riêng tư như đến một giờ nhất định thì ai về “nhà” nấy, và không tự ý vào phòng nhau (ngay cả bố mẹ cũng vậy, nếu có việc vào chỗ con cũng nên xin phép trẻ).
Khi sắp có em bé
Nếu bạn có ý định cho con ra ngủ riêng đúng lúc sắp sinh con thứ hai thì phải thật tế nhị. Trẻ có thể hiểu rằng nó đã mất “ngôi vị” trong lòng bố mẹ, đã bị bỏ rơi, em bé sẽ chiếm chỗ của nó. Điều này sẽ gây cho trẻ sự tổn thương sâu sắc. Ngoài cảm giác tủi thân, đau khổ, nó có thể nảy sinh sự ghen tị và căm ghét em bé.
Vì vậy, bạn phải thuyết phục để con hiểu rằng việc “ra riêng” là vì lợi ích của bé. Có thể nói: “Em bé sẽ khóc nhè suốt đêm làm con khó ngủ, hoặc bé hay tè dầm nên phòng sẽ không sạch sẽ thơm tho như phòng con…”.
Điều quan trọng nhất là bạn phải tỏ cho con biết rằng bố mẹ vẫn yêu bé như xưa, vẫn quan tâm chăm sóc bé.
- Nam thanh niên tông trúng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ
- Cần Thơ: Khởi nghiệp từ 200 quả trứng, anh trai miền Tây “đổi đời” thành ông chủ của 4.000 con gà đen Indonesia
- Bố mẹ cho đất nhưng em chồng từ chối nhận, lý do em đưa ra làm cả nhà không kìm được nước mắt
- Uyển Ân: Tôi không bao giờ suy nghĩ “chỉ đóng phim của người nhà”
- Sao Việt chấp nhận làm ”người đến sau”: Kẻ viên mãn, người đổ vỡ