Trước tình trạng xe dù bến cóc đang nở rộ, ngành giao thông TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Đáng chú ý là việc lên phương án cấm xe khách giường nằm vào nội đô. Nhiều người dân cho rằng, cấm là cần thiết nhưng phải có lộ trình.
Mong có giải pháp phù hợp
Theo phương án của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc cấm xe khách giường nằm vào nội đô sẽ áp dụng từ 6-22h hàng ngày và có thể áp dụng ngay từ cuối năm 2022. Các trường hợp vẫn được phép hoạt động trong nội thành là xe đưa đón công nhân, học sinh, xe du lịch. Đến năm 2025, TP sẽ hạn chế thêm ô tô trên 30 chỗ hoặc trên 16 chỗ, tùy tình hình. Khu vực cấm xe được bao quanh bởi các tuyến đường chính ở các phía là: Quốc lộ 1 – Nguyễn Văn Linh – Võ Chí Công – Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ – Xa lộ Hà Nội.
Có mặt ở đường Phạm Ngũ Lão, trung tâm Quận 1, chúng tôi thấy hoạt động vận tải hành khách bằng xe giường nằm không còn quá sôi động. Thỉnh thoảng, vài xe giường nằm vẫn dừng tại đây nhưng không quá 15 phút để đón khách. Mọi hoạt động đón khách, nhận hàng, trả hàng… được diễn ra nhanh chóng.
Là hành khách chờ lên xe giường nằm tại đường Phạm Ngũ Lão để về tỉnh Bình Thuận, ông Trương Văn Toàn cho biết, ông có nghe nói việc cấm xe gường nằm vào khu trung tâm TP trong thời gian tới. Bản thân ông Toàn thường xuyên ra vào TP bằng xe giường nằm, ông cho rằng, chính quyền có lý do để cấm nhưng ông mong muốn có một giải pháp phù hợp, để người đi xe giường nằm không phải di chuyển quá xa hay trung chuyển quá nhiều trạm.
“Bây giờ chỉ có một con đường là đi xe thôi chứ đâu có phương pháp nào hơn đâu. Tôi cũng mong sao các cấp chính quyền giải quyết, tạo điều kiện cho mọi người dân được đi lại thuận lợi hơn để về nhà sớm nhất”, ông Toàn nói.
Còn ông Ngô Văn Nhân, ngụ phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 và làm việc cho một hãng xe giường nằm tại đây cũng ủng hộ việc cấm xe giường nằm vào trung tâm TP. Theo ông Nhân, ở địa bàn đặc thù như Quận 1 cũng nên cho phép một số hãng xe thường xuyên chở khách nước ngoài được hoạt động trong một số khung giờ nhất định.
“Dời xe giường nằm ra ngoài thì tôi ủng hộ, nhưng không xe nào vào trung tâm TP thì dân di chuyển khó lắm. Phải duy trì phần nào cho để người dân di chuyển ra ngoài cho thuận lợi, nếu không rất bất tiện cho người dân, cho nhà xe”, ông Nhân cho hay.
Hợp lý nhưng cần có lộ trình và làm thí điểm
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, tình hình ùn tắc giao thông tại TP đang rất báo động. Năm nay, thời điểm này, lượng xe cá nhân tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái. TP mỗi ngày đăng kí mới hơn 220 xe ô tô, 800 xe gắn máy… trong khi hệ thống hạ tầng giao thông vẫn khó khăn, chưa có metro, chưa khép kín các tuyến vành đai, chưa có các tuyến BRT…
Để giao thông công cộng phát triển mạnh mẽ, TP đã chuẩn bị nhiều giải pháp như nâng cấp hệ thống bến bãi, trạm dừng, nhà chờ, tăng cường kết nối xe buýt, bố trí thêm nhiều các bãi đỗ xe (cả bãi ngầm và bãi lắp ghép), thí điểm xe đạp công cộng, thu phí đậu xe lòng đường…Theo ông Trần Quang Lâm, việc cấm xe giường nằm vào nội đô cũng nằm trong lộ trình để hạn chế xe cá nhân. Sở này đã xây dựng đề án và sẽ báo cáo UBND TP.HCM để có thể áp dụng phương án hạn chế xe giường nằm vào cuối năm nay.
“Từng bước sẽ hạn chế xe vận tải hành khách vào nội đô, ví dụ xe giường nằm và xe 30 chỗ. Sẽ có lộ trình và có thể áp dụng phương án hạn chế xe giường nằm vào nội đô trong năm nay. Việc này không chỉ để giải quyết bến xe Miền Đông mới mà từng bước phát triển giao thông công cộng đúng định hướng và hạn chế xe cá nhân, xe lớn vào sâu nội đô. Đồng thời sẽ phải phát triển hệ thống phương thức kết nối, tạo thuận lợi cho người dân”, ông Trần Quang Lâm cho biết.
Theo các chuyên gia, việc cấm xe giường nằm và tiến tới cấm xe trên 30 chỗ vào nội thành sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân, du khách nhưng cần phải làm. Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường cho rằng, việc cấm xe giường nằm vào trung tâm là hợp lý bởi đây là loại xe chiếm nhiều diện tích, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Đặc biệt, trong bối cảnh, TP xác định Bến xe miền Đông mới đã đi vào hoạt động, là điểm trung chuyển hành khách lớn thì việc cấm xe giường nằm vào TP là phù hợp. Tuy nhiên, việc này cần phải làm theo lộ trình, có thí điểm, trong đó cần ưu tiên các loại xe giường nằm phục vụ du lịch, nhất là các tuyến có đông người nước ngoài đi lại. TP nên nghiên cứu để có thể triển khai từ năm 2023, khi tuyến metro số 1 hoạt động.
“Tôi thống nhất, đồng ý nhưng kèm theo đó tôi đề xuất TP làm việc cấm xe phải có lộ trình để đảm bảo việc phát triển hành khách công cộng và giảm ùn tắc giao thông, hai cái đó sẽ tiến hành và bảo đảm trong thời gian có thể. Theo tôi nếu đến tháng 12/2022 làm thì hơi sớm”, ông Hà Ngọc Trường chia sẻ.
TP.HCM hiện đang tồn tại 76 vị trí xe khách hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định, tập trung ở Quận 5, TP Thủ Đức. Công an TP cũng cho biết, đã sẵn sàng phối hợp với các lực lượng khác như Thanh tra Sở Giao thông vận tải, công an các quận huyện để xử lý xe dù bến cóc và cả việc cấm xe giường nằm vào trung tâm TP khi có quyết định, để minh bạch hoạt động vận tải. Cấm xe giường nằm vào trung tâm TP là cần thiết nhưng cần tính toán hợp lý để không gây trở ngại cho việc đi lại của người dân và không cản trở sự phục hồi phát triển của du lịch.
Theo saigondautu.com.vn
- Hà Nội khởi công mở rộng tuyến đường dài hơn 7km lên 4 làn xe
- Khánh Thi tố một nữ ca sĩ tham gia Bước Nhảy Hoàn Vũ vay cô 80 triệu đồng sau 13 năm vẫn chưa trả, dân mạng gọi tên ai?
- “Hot gymer” khiến bao ánh mắt đổ dồn khi mặc ngắn đến phòng tập
- Bị chê ở Việt Nam nhưng Chi Pu lại được dân Trung khen hết mức, lập thành tích khủng sau tập 1 “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng”
- Quảng Nam: Cử nhân tin học rẽ ngang làm bánh dừa gây sửng sốt tại xứ sở kim chi, doanh thu xấp xỉ 500 triệu