Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
100 lượt xem

Cái chạn trong ký ức tuổi thơ: Những ai từng sống qua thời bao cấp đều biết vật dụng này

Chạn bát đối với thế hệ 8x, 9x dường như là người bạn tri kỉ lớn lên theo năm tháng. Đây được coi như là kí ức, là kỉ niệm của một thời nghèo khó.

Cái chạn bát – Nơi cất giấu bao kí ức tuổi thơ

Mái tranh, bếp rạ, chõng tre, cái quạt con cóc rè rè và chiếc chạn bát “thần thánh” làm bằng gỗ và những miếng lưới là những vật dụng rất quen thuộc trong thời bao cấp? Với mọi đứa nhóc thì ngày xưa, cái chạn quen thuộc ấy chẳng khác gì tủ lạnh thần kỳ bây giờ, lúc nào cũng có thức ăn hoặc hoa quả, bánh trái gì đó mà bà và mẹ cẩn thận cất đi.

Cái chạn bát thân thuộc với hàng triệu người dân Việt

Chạn bát – hay còn gọi là gạc-măng-giê (garde manger). Đây là nơi để cất giữ thức ăn chống ruồi, muỗi, chuột, bọ…Chiếc chạn bát này một thời gắn liền với gian bếp trong mọi gia đình người Việt nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng. Ở thành phố, cái chạn được đóng bằng gỗ, nông thôn người ta làm bằng tre. Hình thức thì giống nhau, công dụng như nhau đều là nơi để gia đình cất giữ thức ăn, nó có ngăn riêng chắc chắn và sạch sẽ.

Ngày ấy nghèo khó nên cũng chả có thức ăn gì lưu cữu quá 2 ngày nên chả cần lạnh. Cái chạn chủ yếu dùng để cất thức ăn tránh gián, chuột chui vào và để mèo không ăn vụng được. Để tránh lũ kiến leo lên, người ta còn kê 4 cái chân chạn lên 4 cái tô mẻ, đổ ngập nước.

Chạn bát kín đáo, chắc chắn có thể chống ruồi muỗi, gián chuột bảo vệ thức ăn

Chạn bát thường có 3 tầng. Tầng trên cùng thoáng mát bởi 3 phía được bao lưới, có cánh cửa với cái khóa làm bằng một miếng gỗ xoay ngang đóng bằng đinh guốc. Tầng giữa úp chén dĩa. Tầng dưới cùng úp xoong nồi. Gầm chạn thường cao hơn mặt đất khoảng bốn tấc, là nơi con chó thích chui vào nằm, nên các cụ hay ví các chàng trai đi ở rể nhà vợ như “Chó chui gầm chạn” là vậy.

Cái chạn đã gắn bó với người Việt Nam qua rất nhiều năm khốn khó, lũ trẻ con đi học, đi chơi về đến nhà là lục chạn xem có gì ăn không, có khi chỉ là củ khoai, củ sắn hấp cơm còn để lại trong cái bát chiết yêu miệng loe cũng đủ ấm lòng. Cái chạn có lọ muối vừng, có bát mắm dở, có tý tép rang, vài quả cà thâm đen khô khốc đủ để ăn nốt bát cơm nguội vét nồi.

Cái chạn tuổi thơ chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ

Có lần để cửa chạn hé mở, có con chuột nhắt mò vào thế là mấy đứa trẻ sập cửa chạn hò nhau bắt… Cái chạn chứa đựng cả một thời khốn khó, hiếm có nhà nào có sơn hào hải vị chứa trong cái vật đơn sơ ấy. Nó bình dị nhưng là vật ko thể thiếu trong nhà cùng cái bếp kiềng đun rơm củi, xoong nồi đen nhẻm, nấu cơm khói bay mù mịt thơm mùi rơm mới. Cái chạn đi vào tiềm thức tuổi thơ, thân thuộc.

Kỷ vật tuổi thơ nay còn đâu?

Dần dần theo thời gian, chúng ta chuyển từ việc sử dụng bếp củi, bếp than, bếp lò sang nấu bằng bếp ga, bếp điện từ đó chạn bát dần dần bị lãng quên và được thay bằng tủ bếp. Những năm gần đây, cuộc sống của những bạn trẻ ở thành phố hiện đại và phát triển đã quen với những đồ nội thất sang trọng, xa hoa hầu như không còn ai biết đến những chiếc chạn bát xuất hiện ở khoảng đầu thế kỉ 20 từng là vật dụng không thể thiếu của ông cha ta.

Rồi tất cả cũng lớn dần trong vòng tay yêu thương của gia đình. Khi chúng ta cao bằng cái ngăn chạn cao nhất, lấy thức ăn không còn phải kiễng chân rướn cổ nữa, thì chiếc chạn cũng đến thời kỳ “vào viện dưỡng lão”. Sau hàng chục năm phục vụ sinh hoạt gia đình, làm tròn nhiệm vụ giúp đỡ các bà nội trợ, vẻ bề ngoài của cái gạc – măng – rê ấy đã cũ mòn, bị mối mọt gặm hết, vừa lạc hậu, vừa xấu xí.

Bây giờ, cuộc sống đủ đầy hiện đại hơn, đã có rất nhiều vật dụng trong bếp với đủ chức năng “xịn” hơn cái chạn cổ. Nhìn cái chạn gỗ thảm thương, già cỗi biết bao khi một chiếc chạn mới được mang về thay thế. Khi cái chạn trong mỗi gia đình được thay thế dần bằng những chiếc tủ lạnh tiện nghi sang trọng thì nó cũng dần đi vào quên lãng. Có còn chăng chỉ là những hình ảnh cũ kỹ trong ký ức về một thời đã xa.