Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
7637 lượt xem

Cà Mau: Chị nông dân nuôi loài cá giống con lươn mang tên một loại củ, bán 1 triệu đồng/kg vẫn cháy hàng

Hiện mức tiêu thụ cá này rất mạnh, trung bình mỗi tháng làm được khoảng 40 kg cá khô, không đủ bán

Cà Mau có loài cá đặc sản mới nhìn giống con lươn, đó là loài cá lạc. Dịp này đến mùa đánh bắt cá lạc. Những con cá lạc được sơ chế đem phơi một nắng luôn cháy hàng. Giá cá lạc tuy đắt đỏ nhưng vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng và sản lượng còn khan hiếm.

Gia đình chị Võ Hồng Đào sống tại vùng biển huyện Ngọc Hiển – nơi có rất nhiều đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Chị Đào định hướng sẽ vươn lên từ những đặc sản khô của địa phương. Tuy nhiên, chị không chọn làm những sản phẩm khô có tiếng như tôm hay cá thòi lòi mà chị chọn làm một loại cá khô có sản lượng ít, giá thành cao đó là cá lạc.

Đến nay đã 3 năm chị Võ Thị Đào (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) gắn bó với nghề làm khô cá lạc 1 nắng. Những ngày đầu bắt tay làm, thị trường chưa biết nhiều đến loại khô này, đặc biệt, giá bán khá cao nên tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Chị Đào kiên trì tìm đầu ra, đẩy mạnh tiếp thị tại địa phương. Sau đó, thấy ngon nhiều người mua làm quà biếu tặng, sản phẩm của chị bắt đầu đi ra ngoài tỉnh. Chị cũng đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội và hiện đã có lượng khách hàng ổn định.

“Lúc đầu người ta không biết đến sản phẩm, thời gian sau này bà con thưởng thức khô này thấy ngon, cá rất béo, không có nhiều xương. Hiện mức tiêu thụ cá này rất mạnh, trung bình mỗi tháng làm được khoảng 40 kg cá khô, không đủ bán”, chị Đào chia sẻ.

Cá lạc sống ở vùng nước mặn và nước lợ ở Cà Mau. Thịt cá thơm, có vị béo, người dân địa phương thường phơi cá qua 1 nắng, sau đó chiên lên dùng. Cá lạc sống trong vuông tôm nhưng số lượng rất hạn chế, sản lượng cá chủ yếu được khai thác ngoài biển từ nghề đóng đáy hoặc câu. Sản lượng cá tươi không nhiều và tập trung vào 2 nước biển giữa và cuối mỗi tháng âm lịch. Khi các tàu cá cập bờ chị Đào đi thu gom, thuê chị em phụ nữ địa phương sơ chế để làm thành khô 1 nắng.

Bà Danh Thị Nguyệt, lao động làm tại cơ sở khô của chị Đào cho biết, khô lạc rất dễ làm, chỉ cần mổ bụng làm sạch nội tạng, ngâm qua nước muối và mang phơi. “Buổi sáng ở nhà dọn dẹp xong sẽ đến xưởng làm thêm khô cá lạc. Phụ nữ ở đây vẫn thiếu việc làm, nếu thành lập được HTX làm cá khô, làm ba khía ai sẽ rất phù hợp, tạo thêm công việc làm tăng thu nhập”, bà Nguyệt chia sẻ.

Hiện cá lạc tươi đang có giá khoảng trên dưới 400.000 đồng/kg, tùy kích thước lớn nhỏ. Khô cá 1 nắng đang được cơ sở của chị Đào bán với giá từ 700.000 – 1 triệu đồng/kg. Trên toàn địa bàn huyện Ngọc Hiển, hiện chỉ có cơ sở của chị Đào chuyên cung cấp khô cá lạc. Tuy giá khá cao nhưng do sản phẩm chất lượng và sản lượng cá có giới hạn nên nguồn cung luôn không đủ cầu. Chị Võ Thị Đào đang tiến hành thành lập Tổ hợp tác chuyên làm khô lạc 1 nắng, để cùng những chị em phụ nữ ở địa phương phát triển sản phẩm nhiều hơn.

“Thời gian tới mình dự kiến thành lập Tổ hợp tác chuyên làm cá lạc 1 nắng. Hướng tới cũng đăng ký phát triển thành sản phẩm OCOP. Ở địa phương chị có nhiều chị em nhàn rỗi, khi thành lập Tổ hợp tác sẽ giúp đỡ, hỗ trợ được chị em có công ăn việc làm, qua đó cùng nhau phát triển kinh tế gia đình”, chị Đào cho biết.

Bà Quách Huỳnh Nga, người dân ở gần cơ sở khô của chị Đào bày tỏ niềm vui khi được mời vào Tổ hợp tác. “Cá lạc là đặc sản của vùng biển này nên sức tiêu thụ mạnh khi khách du lịch cũng như người địa phương đều thích. Nếu chị Đào đứng ra thành lập được Tổ hợp tác làm khô nhiều chị em ở đây rất mừng, phấn khởi”, bà Nga bày tỏ.

Cá Lạc được biết đến là một trong những loại hải sản biển thơm ngon và vô cùng hấp dẫn. Cá lạc có mỏ dài, mình tròn, thân hình ống dài, hình dạng giống cá chình, phía thân trước tiết diện ngang gần như tròn, phần thân sau dẹt về một bên. Thân cá trơn, không vẩy.

Theo y học cổ truyền, cá lạc có tên là mạn lệ ngư, vị ngọt, tính bình, không độc. Công dụng trừ các thứ độc, chữa phong lở, tê thấp, đau lưng, mỏi chân, sát trùng lao. Còn theo các nhà dinh dưỡng, cá lạc rất bổ dưỡng, chứa nhiều chất béo, calcium, sắt và Vitamin A. Cá lạc được chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn như: nướng, chiên, hấp, kho dưa cải, nấu canh chua, cá lạc nấu cà ri, cá lạc nướng sả, trong đó, cá lạc nấu canh chua với lá dít được xem là món ngon. Bong bóng cá lạc được xem là một món ngon, rất quý. Tại Nhật, Cá Lạc hay Hamo theo truyền thống là một nguồn thực phẩm quý và được dùng trong nhiều món ăn đặc biệt.

Từ con cá lạc đặc sản của địa phương, chị Võ Thị Đào đã khéo léo lựa chọn 1 sản phẩm mới, ít người biết đến để phát triển. Những sản phẩm cá lạc một nắng ngày càng chiếm lĩnh thị trường nhờ chất lượng giúp cơ sở sản xuất ngày càng phát triển. Đây cũng là cách làm sáng tạo của người phụ nữ miền biển xa xôi của huyện Tận cùng Tổ quốc nhằm tôn vinh giá trị sản vật của quê hương./.

Bài viết cùng chủ đề: