Bỏ việc về quê, Quyền ôm theo cục nợ 200 triệu đồng do khởi nghiệp thất bại. Không nản lòng, thanh niên 29 tuổi mày mò làm sản phẩm trầm hương tự nhiên, được sản sinh từ cây dó bầu.

Bỏ làm kỹ sư, khởi nghiệp thất bại

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Ngô Tấn Quyền (29 tuổi, quê xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) xin vào làm kỹ sư chế tạo máy tại một công ty sản xuất ô tô lớn ở Quảng Nam với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng.

Sau một năm làm việc, Quyền cảm thấy chán nản với sự lặp đi lặp lại của công việc sáng đi chiều về và quay cuồng tăng ca.

Ngô Tấn Quyền (ảnh bên trái) cùng đồng nghiệp đi tìm mua cây dó bầu ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam.

Quyền cho rằng công việc với thu nhập 10 triệu đồng/tháng là ổn định với nhiều bạn trẻ nhưng chưa thỏa nguyện ước mơ tự mình khởi nghiệp của anh. Vì thế, sau một năm làm kỹ sư, Quyền xin nghỉ việc.

Sau khi nghỉ việc, tìm hiểu trên mạng thấy mô hình trồng rau sạch trên sân thượng có tiềm năng, bởi nhiều hộ dân ở thành phố đang thích mô hình này, vừa có rau sạch ăn vừa có nơi để thư giãn.

Quyền quyết định thuê nhà mở công ty ở Đà Nẵng để khởi nghiệp với mô hình này. Lúc đầu cũng nhận được nhiều dự án và có công ăn việc làm. Tưởng đâu “trời thương” phụ giúp mình khởi nghiệp nhưng không ngờ, đến những tháng cuối năm 2018, trời mưa liên tục, anh không nhận được hợp đồng thi công nào.

Ngô Tấn Quyền (ảnh bên phải) đang cùng đồng nghiệp chế tác sản phẩm từ cây dó bầu.

Vừa gồng gánh để trả tiền thuê mặt bằng vừa trả tiền lương cho nhân viên, khi không còn tiền, Quyền trả mặt bằng trở về quê. Lúc này, anh ôm nợ 200 triệu đồng tiền mượn bạn bè để làm ăn.

Không những trắng tay mà còn mang nợ, khi về quê, Quyền nhận thiết kế trang trại trồng rau sạch để sinh sống qua ngày nhưng cũng không có nhiều công trình, lại thêm nợ nần. Quá chán nản, Quyền nghỉ làm.

Quyền lao vào nghiên cứu chế tác hộp gỗ để đựng đồ trang trí trong phòng khách, đăng lên các trang mạng xã hội để tìm đầu ra cho sản phẩm. “Nếu có khách hàng đặt thì mình thuê gia công chứ mình không có tiền để đầu tư máy móc”, Quyền chia sẻ.

Lúc này có khách hàng đặt Quyền làm một bộ hộp gỗ xông trầm hương đặt trên bàn. Từ ý tưởng này, Quyền mới nảy ra ý định làm trầm hương để trong hộp gỗ để xông trong phòng, vừa đẹp, vừa tiện lợi và giá cũng phải chăng.

Tay ngang rẽ sang làm trầm hương

Mọi sự khởi đầu đều không đơn giản. Lúc đầu, Quyền tới huyện Tiên Phước, cách nhà khoảng 40km để tìm mua trầm từ cây dó bầu về làm nhang.

Khi bước vào thế giới trầm hương, Quyền là “tay mơ”, không hiểu gì về cây dó bầu và trầm hương, không hiểu vì sao có loại trầm vài chục triệu đồng, lại có loại cả trăm triệu đồng mỗi kilogam.

Cuối cùng Quyền mua được vài kilogam trầm nhân tạo của một người ở Tiên Phước nhưng khi làm ra nhang trầm và đốt thì khói có mùi khét, chứ không phải mùi trầm hương tự nhiên. Thế là thất bại.

Trong lúc không biết cơ sở sản xuất trầm hương nào uy tín để hợp tác, Quyền được giới thiệu gặp anh Lê Minh Quốc, là một người chuyên buôn bán trầm tự nhiên. Quyền được anh Quốc chia sẻ về cây dó bầu và trầm hương. Vì sao lại có loại vài triệu, có loại vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng một kilogam.

Xưởng sản xuất sản phẩm làm từ trầm hương của Quyền tại quê nhà.

Sau khi quá trình học hỏi, Quyền mua trầm tự nhiên về làm nhang bán thử. Cuối năm 2020, trong lúc dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, sản phẩm làm ra không có đầu ra, Quyền rao bán trên mạng xã hội.

Bước đầu, mặt hàng nhang trầm hương của Quyền được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, lúc này dịch bùng phát, vận chuyển hàng đi không được, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, thị trường thu hẹp.

“Lúc này, tôi nghĩ mình hết đường làm ăn rồi. Mỗi lần có người hỏi mua thì lại không thể gửi đi được vì không có người đi giao hàng. Nhiều địa phương lập chốt kiểm soát dịch. Cả tháng trời có khi chỉ giao được vài đơn hàng, khó khăn chồng chất”, Quyền kể.

Giữa năm 2021, trong lúc dịch dã cực kỳ khó khăn, nhà cửa của bố mẹ lại hư hỏng, cần phải sửa chữa, Quyền nghĩ đến việc đi làm kỹ sư trở lại để kiếm tiền. Nhưng Quyền nộp đơn xin việc ở một công ty cơ khí ở TP Tam Kỳ mãi không thấy hồi âm.

Cũng có lúc Quyền nghĩ phải rời quê hương đi đến nơi khác kiếm việc làm vì quá khó khăn. Nhưng trong lúc dịch, đâu cũng khó, công nhân ở các thành phố lớn cũng thất nghiệp, bỏ về quê.

Ngô Tấn Quyền và sản phẩm vòng đeo tay chế tác từ cây dó bầu.

Đến tháng 9/2021, khi dịch dần lắng xuống, hàng trầm hương của Quyền bắt đầu có khách hàng trở lại, thị trường khởi sắc. Từ vài đơn hàng một tháng, sang những tháng cuối năm, đơn hàng đổ về nhiều, công nhân tại xưởng có việc làm trở lại.

Lúc này Quyền nghĩ đến việc phải xây dựng thương hiệu cho riêng mình nên lập công ty riêng. Sau khi lập công ty, Quyền đầu tư nhà xưởng, mời khách đến trải nghiệm và mời hợp tác làm ăn. Đầu năm 2022, nhà xưởng và văn phòng cũng đã xây dựng xong ngay tại quê nhà.

Hiện ở xưởng sản xuất của Quyền có 6 công nhân làm sản phẩm từ cây dó bầu như nhang nụ, nhang cây, vòng đeo tay. Mỗi công nhân được bao ăn ở với chi phí 400.000 đồng/ngày.

Quyền cũng chia sẻ, hiện tại, doanh thu mỗi tháng từ cơ sở là 400-500 triệu đồng, số nợ gần 200 triệu đồng trước đây đã trả được hết và xưởng bắt đầu có tích lũy.

“Khởi nghiệp từ cây dó bầu cũng không dễ dàng gì, nhưng dần dần, sản phẩm của cơ sở có uy tín, thương hiệu, được thị trường chấp nhận nên mình cũng yên tâm theo nghề, đem lại công ăn việc làm cho bản thân, anh em và xóm giềng. Mình cảm thấy rất hạnh phúc. Hoài bão của tuổi trẻ giờ trở thành hiện thực”, Quyền bày tỏ.

Quyền cho rằng, xứ Quảng quê anh vốn là xứ trầm hương, có nhiều hộ trồng cây dó bầu, loại cây có thể sinh ra trầm tự nhiên, nhưng sản lượng trầm hương tiêu thụ lại không được cao như những nơi khác.

Với cơ sở hiện tại, Quyền mong muốn góp phần quảng bá giá trị của sản phẩm làm từ trầm hương xứ Quảng ra khắp cả nước cũng như thị trường nước ngoài.