Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
112 lượt xem

Bộ GTVT: Không đồng ý lùi lộ trình đào tạo lái xe ô tô trên cabin điện tử

Bộ Giao thông Vận tải quyết định giữ lộ trình đào tạo học lái xe trên cabin từ 1/1/2023, không lùi thời gian theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam.

Ngày 3/11, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã lựa chọn một đơn vị thử nghiệm cabin học lái xe, các trung tâm sẽ có đủ thời gian đưa thiết bị đi thử nghiệm trước 1/1/2023, do đó lộ trình đào tạo lái xe trên cabin vẫn giữ nguyên.

Tháng trước, khi chưa có đơn vị thử nghiệm cabin học lái ôtô, chưa có sản phẩm được chứng nhận phù hợp quy chuẩn nên Cục Đường bộ Việt Nam đã kiến nghị Bộ cho phép lùi thời gian đào tạo học viên trên thiết bị này sau ngày 1/1/2023. Một số trung tâm đào tạo lái xe cũng kiến nghị lùi do cần có thời gian kiểm định thiết bị và khó khăn nguồn tài chính.

Thông tư số 04/2022 của Bộ Giao thông Vận tải quy định các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 1/1/2023. Học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch và làm quen với các bài về địa hình đồi núi, cao tốc.

Do tổng số giờ thực hành giữ nguyên nên học viên sau khi học cabin sẽ giảm số giờ tập trên sân. Phải có đủ thời gian học trên cabin và số km thực hành trên đường học viên mới được thi sát hạch lái xe.

Với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và phản xạ trong điều kiện địa hình, cung đường, thời tiết, tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng.

Ông Trần Văn Toản, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), cho biết sẽ phải bỏ ra 10 tỷ đồng đầu tư 20-30 cabin tập lái, trong khi hiệu quả sử dụng chưa được chứng minh. Ông kiến nghị lùi thời gian lắp đặt cabin và thí điểm tại một số trung tâm của Nhà nước trước. “Người học trên cabin này giống như chơi game hơn là tập lái ôtô, trong khi họ cần được thực hành trên ôtô thật”, ông Toản nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy chuẩn cabin điện tử, nhưng chưa có nhà cung cấp được công nhận có sản phẩm hợp quy. Thiết bị này chưa được thử nghiệm để đánh giá tác dụng, sự cần thiết thế nào.

Cũng theo ông Quyền, chi phí cho một bộ cabin điện tử khoảng 350-400 triệu đồng, ngang với số tiền đầu tư ôtô tập lái. “Cần thiết cho phép lùi thời hạn áp dụng để có thử nghiệm, đánh giá, nếu cabin điện tử thực sự hiệu quả mới áp dụng đại trà. Việc này sẽ tránh được lãng phí hàng trăm tỷ đồng cho xã hội nếu việc áp dụng không hiệu quả”, ông Quyền nói.

Trước đó thông tư 04/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017, cho phép lùi thời gian trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô đến trước ngày 31/12/2022 thay vì phải áp dụng từ 1/7/2022.