Mô hình này không cần phải người giàu mới đầu tư được mà người có vốn ít vẫn làm được.

Phân dơi là loại phân bón thượng hạng cho cây trồng có giá cao nhưng tốn ít vốn, công chăm sóc, cho thu nhập ổn định. Nuôi dơi lấy phân là hướng đi mới được nhiều nông hộ xã Minh Tâm huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước lựa chọn.

Dịch bệnh bùng phát, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn trong khi nhiều nông hộ loay hoay với “bài toán” trồng cây gì, nuôi con gì thì nhiều hộ dân ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đã tận dụng đặc điểm tự nhiên, điều kiện không gian thoáng, rộng, xa khu dân cư để phát triển mô hình nuôi dơi lấy phân.
Phân dơi là loại phân bón thượng hạng cho cây trồng có giá cao nhưng tốn ít vốn, công chăm sóc, cho thu nhập ổn định. Đây là hướng đi mới được nhiều nông hộ ở Minh Tâm lựa chọn.

Đánh giá về mô hình nuôi dơi lấy phân trên địa bàn xã Minh Tâm, ông Đoàn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nuôi dơi lấy phân là mô hình mới tại xã Minh Tâm, đang từng bước phát triển và có nhiều thuận lợi vì phù hợp với các loại cây trồng ở địa phương. Mô hình có nhiều lợi ích. Thứ nhất, chi phí đầu tư thấp và người nuôi có thể tận dụng vườn để nuôi dơi.

Từ đó, xã Minh Tâm đang có định hướng phát triển phong trào nuôi dơi lấy phân theo các hình thức tổ hợp tác và đóng gói bao bì, tạo nên thương hiệu phân dơi Minh Tâm. Chúng tôi đã phối hợp một số hội để thống nhất mẫu mã, bao bì, qua hình thức đóng gói nhỏ để phù hợp cho người dân chăm sóc vườn hoặc chăm cây cảnh đều có thể sử dụng”.

Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Văn Thọ ở ấp 4, xã Minh Tâm đầu tư 45 triệu đồng xây chuồng dơi rộng khoảng 30m2. Khu vực đặt chuồng dơi được ông Thọ chọn địa điểm thoáng, trống.

Bên trong được bố trí lá thốt nốt, dơi nghe mùi lá tự bay về trú ngụ, sinh sản. Lá này có thể vệ sinh và dùng được trong 3 năm. Mùa mưa, dơi cho thu nhiều phân hơn mùa khô nhưng giá trị kinh tế không cao do phân bị nát, ướt, còn mùa khô thì cho thu phân ít nhưng khô, đẹp, bán được giá cao hơn.

Theo ông Thọ, mô hình này không cần phải người giàu mới đầu tư được mà người có vốn ít vẫn làm được. Các hộ có thể vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng đầu tư rồi trả dần hằng tháng, khoảng 1 năm đã có thể lấy lại vốn.

Ông Thọ chia sẻ: “Để dơi về trú ngụ, lá thốt nốt phải sạch, được vệ sinh định kỳ. Về mùa mưa, dơi thường bị con rệp bám vào thân, nếu rệp bám nhiều mình không ngâm rửa được thì dùng thuốc sinh học hoặc thuốc diệt kiến, côn trùng xịt vào lá”.

Một hộ nuôi dơi nhiều năm ở ấp 4, xã Minh Tâm là hộ anh Phùng Anh Đức. Anh Đức đang sở hữu một phần quả đồi rộng 11ha, ngoài trồng cao su, năm 2019, anh đã dành một khoảng trống để đầu tư 80 triệu đồng làm chuồng nuôi dơi lấy phân. Chuồng dơi có diện tích 50m2, được dựng cao giữa đồi trống. Hiện chuồng dơi cho thu bình quân 6kg phân/ngày, với giá bán 35 ngàn đồng/kg, cho thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Với tập tính ăn bọ, muỗi, phân dơi rất tốt, cao gấp 7-10 lần so với phân hữu cơ khác nên không chỉ giúp cây trồng phát triển xanh tốt tự nhiên mà còn tăng khả năng đề kháng cho cây.

Nhận thấy nuôi dơi không mất nhiều công chăm sóc lại cho nguồn thu ổn định, anh Đức đã đầu tư 50 triệu đồng tự thi công thêm 1 chuồng nuôi dơi mới để gia tăng giá trị. Không chỉ bán cho thị trường, anh Đức còn tận dụng phân dơi bị ướt, nát là phân loại 2 để bón cây trồng.

Kết quả thử nghiệm, số cao su được bón phân dơi phát triển gấp đôi so với cao su bón bằng phân khác trong cùng thời gian sinh trưởng. Hiện nay, anh Đức còn quảng bá trên internet, đồng thời thu mua, hỗ trợ thi công chuồng nuôi cho nhiều nông hộ ở xã. Sản phẩm phân dơi của hộ anh Đức được đóng gói bán phân thô và khử khuẩn đóng gói nhỏ để dành cho người trồng lan hay bon sai.

Đây là mô hình mới, tốn ít công chăm sóc cũng như chi phí đầu tư nhưng cho thu nhập ổn định. Hiện nay, chỉ riêng ấp 4, xã Minh Tâm có khoảng 6 hộ phát triển mô hình nuôi dơi lấy phân.

Theo tính toán, mỗi khu vực nuôi dơi nên được bố trí cách nhau ít nhất 10km, bởi nếu mật độ nuôi dày, mỗi chuồng sẽ có ít dơi đến trú ngụ, sản lượng phân thu được sẽ thấp. Vì vậy, các nông hộ nuôi dơi nên chú ý đến mật độ khu vực nuôi để nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình.