Đại tá, lão nông Đoàn Minh Chiến (ở huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) đang góp phần đáng kể phát triển nông nghiệp địa phương hờ sự nhạy bén và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.
Khởi nghiệp tuổi xế chiều
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Đoàn Minh Chiến lại sang Campuchia giúp nước bạn. Ngày bình yên trở về, đại tá Đoàn Minh Chiến mang đầy mình những thương tích chiến tranh, bị ảnh hưởng chất độc da cam, là thương binh hạng 2/4.
Tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, qua nhiều năm tháng lăn lộn với ruộng vườn, nay lão nông 79 tuổi Đoàn Minh Chiến vẫn giữ được vẻ rắn rỏi, vui tươi. Nở nụ cười hiền hòa, lời lẽ giản dị, ông Chiến kể, hết chiến tranh ông lại bước vào cuộc chiến mới: làm nông nghiệp để phủ xanh đất cằn vùng Chiến khu D.
Đó là thời điểm cuối những năm 1990. Vùng đất xã Tân Định (Bắc Tân Uyên) khiến nhiều người ngao ngán bởi vẻ hoang sơ, cằn cỗi. Không ít người đến rồi phải ra đi vì chỉ nhìn thấy hết gò đồi lại tới thung lũng, cây dại xen lẫn bom mìn trong lòng đất.
Thế nhưng, trong mắt ông Đoàn Minh Chiến lại nhìn thấy nơi đây có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp. Bởi huyện Bắc Tân Uyên được sông Đồng Nai và sông Bé bồi đắp, tạo nên những vùng đất phù sa màu mỡ, nguồn nước tưới dồi dào quanh năm cho cây trồng.
Vì vậy ông Chiến lặn lội đi khắp các vùng miền để tìm hiểu mô hình kinh tế hiệu quả có thể áp dụng cho vùng đất Chiến khu D.
Sau khi về hưu, ông Chiến ra sức khai hoang, cày xới và xây dựng mô hình trang trại tổng hợp cho mình. Ngặt nỗi, ngoài sự kiên cường của người lính, ông Chiến gần như không có gì trong tay, từ vốn liếng cho tới kinh nghiệm làm trang trại. Vì thế, khi bắt tay vào xây dựng trang trại, ông đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Thiếu phương tiện, công cụ sản xuất thô sơ, những ngày đầu khởi nghiệp của người lính già tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ông Chiến lấy phương châm, cứ làm từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn, từ thủ công đến cơ giới hóa, lấy ngắn nuôi dài, làm đâu chắc đó. Cũng do thiếu vốn nên khai phá đất đến đâu, ông trồng điều tới đó. Cây điều không tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc, lại được trồng trên vùng đồi khá rộng.
Chính cây điều giúp ông Chiến tích lũy vốn liếng bước đầu để chuyển sang trồng loại cây có lợi nhuận khá hơn, là cây cao su.
Đất không phụ sức người, những vườn cao su và chuồng trại… cứ thi nhau sinh sôi, phát triển từng ngày. Nhiều năm trời miệt mài, ông Chiến đã biến vùng đồi hoang ở Bình Mỹ thành một khu trang trại trù phú rộng 30ha, với cao su là cây trồng chủ lực.
Hương bưởi chiến khu
Hỏi chuyện về ông Đoàn Minh Chiến, rất nhiều người nể phục ông ở khả năng nắm bắt nhu cầu thị trường và mạnh dạn chuyển đổi cách thức canh tác. Những năm 1990, ông Chiến trồng cao su, nuôi cá sấu. Nhưng khi thấy thị trường ưa chuộng mặt hàng cây có múi, ông quyết định chuyển dần sang cây bưởi da xanh. Đây cũng là cây trồng rất thích hợp trên vùng đất Bắc Tân Nguyên.
Từ trang trại tổng hợp rộng hơn 30ha đầu tiên, năm 2000, ông Chiến tiếp tục khai phá một vùng đất hoang khác, cũng nằm ven sông Bé, rộng hơn 20ha nữa. Riêng cây bưởi da xanh đang là cây trồng chủ lực, với diện tích tổng cộng hơn 30ha.
Ông Chiến kể, ở trại bưởi của mình có 3 việc cần thiết phải áp dụng. Trước hết theo dõi sát trực tiếp sinh lý cây bưởi từ khi trồng cho đến khi ra trái, để cây bưởi không bị suy kiệt.
Việc tiếp theo là ứng dụng công nghệ vào chăm sóc, từ kỹ thuật bảo quản bông bưởi, kỹ thuật chăm sóc trái bưởi đến khi thu hoạch. Phần này, trang trại đã triển khai từ nhiều năm rồi.
Cuối cùng là trang trại dùng công nghệ cao để phát triển và quản lý bằng kỹ thuật số. Hiện toàn bộ trang trại đều được lắp đặt hệ thống cảm biến để cung cấp nước cho cây trồng. Bằng cách phân ra từng cụm, mỗi cụm 1ha sẽ có 2 máy cảm biến đặt ở độ cao khác nhau nhằm đo độ ẩm đất, chủ động lượng nước.
Không những thế, với hệ thống camera giám sát, dù đi bất cứ đâu, ông Chiến vẫn có thể bao quát được tình hình trang trại và đưa ra những quyết định xử lý kịp thời.
Một việc nữa mà ông Chiến lưu ý là khâu kiểm soát phân bón. Nếu như người khác bón bình quân một gốc bưởi 120kg, chia ra 3 lần trong 1 năm, thì trang trại của ông chia ra 12 lần. “Tức là mỗi một tháng chúng tôi bỏ phân một lần, cũng trên 120kg đó. Cây bưởi luôn luôn phát triển ổn định, vừa đủ để nuôi đọt, nuôi bông, nuôi trái. Từ cách chăm sóc này mà chúng tôi thu hoạch quanh năm” – ông Chiến nhấn mạnh.
Trong tổng diện tích 30ha bưởi da xanh, ông Chiến có gần 20ha đang cho trái. Năm 2022 vừa qua, sản lượng bưởi thu hoạch được khoảng 450 tấn, đem lại giá trị kinh tế từ 8-9 tỷ đồng, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng.