Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
120 lượt xem

Bình Định: Một mình “gồng gánh” nuôi 3 đứa con nhưng người phụ nữ này vẫn có thể xuất hơn 400 tấn thịt heo ra thị trường mỗi năm

Bà Trần Thị Lệ (SN 1967, thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú nhờ nghề nuôi heo sau khi trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

Phụ nữ nuôi heo vừa làm mẹ, vừa làm cha

Năm 2009 một biến cố lớn đã xảy ra trong gia đình bà Trần Thị Lệ, chồng bà mất sau cơn bạo bệnh. Khi ấy kinh tế gia đình lâm cảnh kiệt quệ, khốn khó, một mình bà Lệ phải gồng gánh nuôi dạy 3 đứa con ăn học.

“Chồng tôi đau bệnh nên tôi phải vay mượn để chữa chạy. Vốn liếng không có, ruộng vườn cũng không, hàng ngày bản thân chỉ biết đi chữa bệnh cho đàn gia súc của bà con trong thôn, xóm để kiếm tiền công”, bà Lệ ứa nước mắt nhớ lại thời gian vất vả.

Năm 2013, với sự động viên, giúp đỡ của Hội Nông dân xã Phước Hưng, bà Lệ vay vốn từ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua Tổ vay vốn của Hội Nông dân xã, vay từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống, thức ăn chăn nuôi.

Với trình độ chuyên môn trung cấp thú y mà bản thân được học, mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo đúng kỹ thuật. Bà sử dụng công trình Bioga vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa để phục vụ chất đốt cho gia đình nên mô hình chăn nuôi heo thương phẩm của nông dân này đạt hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình bà Lệ xây dựng một gia trại chăn nuôi heo thương phẩm với diện tích 1.200 m2. Sử dụng đệm lót bằng chế phẩm sinh học và công trình Bioga, để đảm bảo môi trường xung quanh. Nhờ vậy, khi dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi thì gia đình bà ít bị ảnh hưởng, mỗi năm bán ra thị trưởng trên 400 tấn heo thịt.

Tham gia hỗ trợ nông dân nuôi heo hiệu quả 

Hiện nay đã có trên 50 hộ tham gia mô hình liên kết chăn nuôi với gia đình bà, số lượng trung bình mỗi lứa có trên 2000 con heo thịt.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn, vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân gia đình nông dân Trần Thị Lệ đã phát triển mô hình chăn nuôi heo thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Tôi vừa làm mẹ vừa làm cha, cố gắng chạy đủ đường để nuôi con ăn học. May mắn cả 3 đứa con đều rất ngoan, 2 đứa lớn tốt nghiệp đại học ra trường đi làm và biết phụ mẹ, nhìn con thành công là niềm vui lớn lao trong cuộc đời của tôi”, bà Lệ tâm sự.

Từ mô hình chăn nuôi heo thịt thương phẩm, nông dân Trần Thị Lệ tiếp tục đầu tư tham gia làm đại lý cấp 1 cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm.

Nhờ nhận nhập về từ các nhà máy chế biến thức ăn có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, bảo quản đảm bảo chất lượng nên mô hình cung cấp thức ăn gia súc gia cầm của gia đình bà, luôn được khách hàng ưa chuộng.

Ngoài ra, bà Lệ luôn thực hiện việc cung cấp thức ăn gia súc gia cầm, tạo điều kiện cho các hộ nông dân khó khăn đầu tư sản xuất chăn nuôi, đến khi xuất chuồng mới thanh toán.

Đi lên từ bàn tay trắng, sau khi trừ các chi phí, gia đình nông dân Trần Thị Lệ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ quá trình lao động vất vả.

Bà Lệ đã giúp các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đầu tư chuồng nuôi có đệm lót sinh thái; chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể bi-ô-ga để xử lý chất thải vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt.

Bài viết cùng chủ đề: