Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
102 lượt xem

Bí quyết nuôi cua mẹ ốp trứng khổng lồ mỗi con thu 1,5 đến 2 triệu đồng

Nuôi vỗ cua mẹ hay còn gọi là nuôi cua mẹ ấp trứng. Bằng bí quyết, mỗi con cua chỉ trong thời gian ngắn đã ôm bọc trứng khổng lồ có giá bàn từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Trong khi chi phí nuôi cua ốp trứng rất rẻ chỉ sử dụng ít thùng nhựa và tận dụng thức ăn sẵn có.

Đếm cua mẹ ốp trứng thu tiền triệu

Gắn bó với nghề nuôi vỗ cua mẹ trên 15 năm, chị Trần Thị Chinh, chủ cơ sở sản xuất cua mẹ ốp trứng ở khóm 7, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn đã thành thục các bước để nuôi vỗ cua mẹ. Theo chị Chinh nghề nuôi vỗ cua mẹ không khó nhưng để nuôi đạt hiệu quả cao thì đòi hỏi người nuôi phải thật tỉ mỉ trong khâu chọn con giống và chăm sóc.

Để chọn được nguồn cung cua mẹ có chất lượng tốt, chị Chinh thường dành thời gian đến các vùng nuôi cua trên địa bàn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển để tận tay lựa chọn những con cua mẹ khỏe mạnh, đầy gạch để sinh sản được nguồn trứng tốt, chất lượng.

Cua mẹ sau khi được chọn về sẽ được chị Chinh vệ sinh kỹ lưỡng, cột mắt trái của cua, cho vào thùng có chạy ôxy 24/24 để hỗ trợ cho cua. Trong thời gian này, cua mẹ được chăm sóc kỹ, thay nước 2 lần/ngày và cho ăn các loại thức ăn như: sò, ốc, nghêu… Sau khi cua mẹ bắt từ vuông về khoảng 10 ngày trở lên, cua bắt đầu ôm trứng và có thể xuất bán nguyên con cho các trại sản xuất cua giống.

Nhờ tỉ mỉ trong khâu chăm sóc nên nguồn cua mẹ tại cơ sở sản xuất của chị Chinh luôn đạt chất lượng cao và được nhiều nơi đặt hàng. Hiện nay, chị Chinh chủ yếu xuất bán cua mẹ tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh như: Kiên Giang, Trà Vinh, Khánh Hòa… Trung bình mỗi tháng chị xuất bán từ 200 con cua mẹ trở lên. Hiện giá thành mỗi con cua mẹ bán ra từ 1,5 triệu trở lên (tùy thời điểm), sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng chị Chinh thu lời trên 50 triệu đồng.

Hơn chục năm nay, anh Nguyễn Văm Niêm (huyện Năm Căn, Cà Mau) cũng áp dụng mô hình nuôi cua mẹ ốp trứng trong xô nhựa. Theo anh Niêm, đây là mô hình đơn giản, dễ thực hiện, chỉ cần người nuôi tỉ mỉ, chịu khó theo sát cua mẹ thì tỷ lệ thành công rất cao.

Theo anh Niêm, mỗi con cua mẹ khi cho trứng đạt chất lượng được bán nguyên con cho khách. Giá bán cũng tùy vào khu vực, bán tại địa phương thì từ 1-1,2 triệu đồng/con; còn bán cho các tỉnh miền Trung giá từ 1,8-2,2 triệu đồng/con”.

Mỗi con cua mẹ mang trứng có thể cho nở ra trung bình khoảng 1,5-2 triệu ấu trùng, đạt từ 200-500 con cua con. Với mô hình này, bình quân mỗi tháng anh Niêm bán ra được 50-70 con cua mẹ. Trừ chi phí, mỗi tháng anh lãi 20-30 triệu đồng.

“Chỉ cua nuôi ở vùng Năm Căn mới có chất lượng tốt nhất nên con giống được nhiều nông dân các tỉnh thành khác đến mua”, anh Niêm nói thêm.

Bí quyết cua mẹ ốp trứng nhanh đẻ trứng

Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu, những người nuôi cua mẹ ốp trứng ở Cà Mau đã đúc kết ra những bí quyết để đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều hộ nuôi cho biết, nghề nuôi vỗ cua mẹ không cần diện tích lớn, chỉ cần đầu tư những chiếc thùng vừa phải để con cua phát triển. Khâu khó nhất đối với nghề này là người nuôi phải thật tỉ mỉ trong chọn con giống và chăm sóc. Cụ thể, khi mua cua mẹ, cần phải chọn những con có trọng lượng từ 450-600 g, đầy gạch và cua không quá già.

Sau khi chọn được con giống, người nuôi sẽ tiến hành vệ sinh, cắt 1 mắt trái của cua, cho vào thùng chứa và chạy ô-xy 24/24 giờ. Thức ăn của cua cũng khá đơn giản, có thể tận dụng cá loại cá tạp, ốc… có sẵn ở địa phương. Sau thời gian chăm sóc từ 10-20 ngày, cua bắt đầu lên trứng và có thể bán nguyên con cho các trại sản xuất cua giống trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Theo Nguyễn Văm Niêm, mỗi con cua mẹ mang trứng có thể nở ra trung bình khoảng 1,5-2 triệu ấu trùng, giá từ 1-2 triệu đồng/con. Để thực hiện mô hình chỉ cần có thùng nhựa để gièo cua, hệ thống oxy, xử lý nước.

Song, khâu quyết định thành bại là việc chọn cua mẹ. “Cua khoảng 8 tháng thì bắt đầu sinh nở. Tôi vào vuông hoặc qua thương lái để mua cua mẹ. Nhưng có khi cả trăm con mới chọn được vài con đạt chất lượng để cho đẻ trứng”, anh nói.

Anh Niêm chia sẻ, để chọn được cua làm giống phải dùng đèn pin soi kỹ mai, yếm xem nhiều hay ít gạch. Cua mẹ phải chọn những con khỏe mạnh, có trọng lượng khoảng 450-600 gram, đầy gạch và có màu sáng xanh. Sau khi chọn được cua mẹ, anh tiến hành vệ sinh, dùng dây thun buộc một mắt cua lại, cho vào xô nhựa, có chạy oxy để hỗ trợ cho cua.

Mỗi thùng nhựa chỉ để một cua gạch để nuôi vỗ và phải thay nước, dùng bàn chải vệ sinh hàng ngày. Thức ăn của cua cũng khá đơn giản, có thể tận dụng cá loại cá tạp, ốc,… có sẵn ở địa phương.

“Tôi nuôi vỗ cua, quan sát đến khi nó có dấu hiệu đẻ thì đem qua một thùng chứa cát khác để cua đẻ. Loài cua quen đẻ trứng trong hang tối nên buộc mắt lại cho chúng có cảm giác như ở trong hang”, anh tiết lộ.

Cua mẹ sau khi sinh sản thì ôm trứng. Màu trứng sẽ biến đổi theo từng giai đoạn, từ ngày nở đầu tiên đến ngày thứ 4 trứng sẽ có màu vàng, ngày thứ 5-8 màu xám, ngày thứ 9-12 sẽ có màu đen.

Trước đây, nghề nuôi vỗ cua mẹ trên địa bàn thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) chủ yếu theo hình thức tự phát nhưng hiện nay do nhu cầu thị trường cua giống tăng cao nên nghề nuôi vỗ cua mẹ được nhiều hộ nuôi phát triển và mở rộng quy mô sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nuôi.

Theo một số người chuyên làm nghề nuôi vỗ cua mẹ, vùng đất Năm Căn rất thích hợp để làm mô hình này nhờ lợi thế gần biển, độ mặn nguồn nước đáp ứng khoảng từ 25-30‰, tạo điều kiện thuận lợi để cua phát triển tốt. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn huyện có khoảng 20 hộ thực hiện mô hình nuôi vỗ cua mẹ, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Năm Căn với khoảng 15 hộ nuôi.

Nghề nuôi cua mẹ ốp trứng đang mở ra nhiều triển vọng cho người dân ở huyện Năm Căn. Thị trấn Năm Căn hiện có 01 tổ hợp tác nuôi vỗ cua mẹ tại khóm 5, thị trấn Năm Căn. Qua đó, góp phần tạo nguồn cung cua giống chất lượng cho địa phương và một số vùng nuôi trồng thủy sản ngoài tỉnh.

 

Bài viết cùng chủ đề: