Từ hai bàn tay trắng, nông dân Nguyễn Xuân Ánh ở Bình Định đã khiến vùng đất khắc nghiệt trở thành khu trang trại cho thu lãi bình quân 350 triệu mỗi năm.
Nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm
Trang trại của ông Nguyễn Xuân Ánh (50 tuổi, ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) hiện đang có 10ha trồng điều, keo lai, kết hợp chăn nuôi bò, gà, cho lãi ròng 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó. Năm 1995, được khuyến khích tham gia trồng “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, ông Ánh chọn vùng đất “khỉ ho cò gáy” chỉ cát, đá sỏi ở thôn Thuận Phong để khai hoang trồng điều.
Nỗ lực không ngừng, ông Ánh đã khiến vùng đất hoang hóa, cằn cỗi “đẻ ra tiền”, giúp gia đình vượt qua khó khăn. Bản thân ông trở thành một trong những nông dân sản xuất giỏi nhất tỉnh.
Nông dân làm kinh tế giỏi Nguyễn Xuân Ánh, ở thôn Thuận Phong, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).
Ông Ánh kể, thời gian đầu khai hoang rất cực khổ. Ông cải tạo được 3ha để trồng điều nhưng kinh nghiệm chưa có nên hiệu quả canh tác kém. Không nản lòng, ông xoay hướng “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh cây mì, đậu phộng (lạc) dưới tán điều để có thu nhập trước mắt.
Đến năm 2002, khi cây điều phát triển tốt, kinh tế gia đình tạm ổn dần, ông có vốn đầu tư mở rộng thêm. Hiện tổng diện tích trang trại của ông Ánh đã tới mốc 10ha.
Theo ông Ánh, bất kể cây trồng hay vật nuôi muốn phát triển, sinh trưởng tốt, ngoài điều kiện thổ nhưỡng thì quan trọng là khâu chọn giống rồi mới đến chăm sóc.
Trong quá trình chăm sóc, việc phòng bệnh rất quan trọng, bởi nếu để bệnh phát ra mới chữa thì thiệt hại rất khó lường.
Sau gần 30 năm trồng điều, ông Ánh rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình để trồng loại cây công nghiệp này đạt hiệu quả cao nhất, ít sâu bệnh.
“Tôi từng thử nghiệm một số giống cây ăn quả như mít, bơ nhưng đến mùa khô, cây chết hết vì không đủ nước tưới. Riêng cây điều lại chịu được nền nhiệt cao ở vùng đất cằn cỗi này. Cần chú ý là cây điều thường bị bọ xít muỗi tấn công vào thời điểm cây ra lá non, lúc này phải bơm thuốc phòng bệnh”, ông Ánh chia sẻ.
Tận dụng lợi thế đất đai rộng, ông Ánh đã xây dựng trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi bò, gà rất hiệu quả khiến người dân ở Cát Lâm ai cũng bất ngờ.
Một phần diện tích điều 4 năm tuổi được ông trồng thay thế cho những gốc điều gần 30 năm tuổi dần kém hiệu quả (Ảnh: Doãn Công).
“Ban đầu, vốn ít, tôi chỉ thả nuôi 4 con bò cái lai sinh sản. Ngoài nguồn thức ăn cỏ tự nhiên dưới tán điều, ông trồng thêm cỏ sữa. Cùng với đó, việc tiêm phòng định kỳ giúp đàn bò sinh trưởng, sinh sản đều. Số nghé con đẻ ra, tôi để lại nuôi phát triển đàn. Hiện mỗi năm tôi có thể xuất bán 4 con bò thịt, thu trên 120 triệu đồng”, ông Ánh nói.
Chia sẻ “bí kíp” giúp nông dân cùng thoát nghèo
Theo ông Ánh, hiện tại trang trại nông nghiệp tổng hợp của gia đình đang trồng hơn 6ha điều, 3ha keo lai, nuôi 18 con bò sinh sản, vỗ béo, 300 con gà và trồng thêm cây ngắn ngày để tăng nguồn thu. Tổng thu nhập mỗi năm hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 350-400 triệu đồng.
Lợi thế đất rộng, ông Anh nuôi bò sinh sản, vỗ béo dưới tán cây điều (Ảnh: Doãn Công).
“Bình quân mỗi năm gia đình thu 12 tấn điều tươi, giá bán dao động 28.000-30.000 đồng/kg. Khỏe nhất là trồng điều không phải lo đầu ra, tới mùa, thương lái đến tận nhà thu mua. Ở Thuận Phong, gia đình tôi có diện tích trồng cây điều lớn nhất, còn các hộ trồng lẻ tẻ 1-2ha”, ông Ánh nói.
Với quy mô trang trại lớn, đến vụ thu hoạch điều, keo lai, gia đình ông phải thuê khoảng 20 lao động làm xuyên suốt trong 3 tháng.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, ông Ánh chia sẻ, muốn thành công, trước hết người nông dân phải không ngừng nỗ lực, kiên trì, học hỏi, rút kinh nghiệm và tự tin đứng vững để vượt qua khó khăn.
Không chỉ là hộ nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi, ông Ánh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con trong vùng và khu vực lân cận. Với những kinh nghiệm được tích lũy của mình, ông Ánh sẵn sàng trao đổi để giúp bà con địa phương cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Vùng đất cát, sỏi đá rất cằn cỗi nhưng lại thích hợp với cây điều (Ảnh: Doãn Công).
Hàng năm, ông Ánh dành một phần lợi nhuận để đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ hội nông dân, xây dựng đường nông thôn, hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch Covid-19.
Với những thành tích và đóng góp trên, nhiều năm liền, ông Ánh được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp hội nông dân tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Năm 2022, ông vinh dự là một trong 2 nông dân tỉnh Bình Định đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Trung ương.
“Gia đình tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng Hội Nông dân các cấp. Tôi luôn mong muốn được chia sẻ, nhân rộng mô hình để bà con cùng làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”, ông Ánh bộc bạch.
- Quảng Ninh: Ném vỏ chai ra đường, nhóm thanh thiếu niên bị bắt chống đẩy, quét dọn
- "Ném đá dò đường" miếng đất 2 năm tăng 3 tỷ đồng
- Hà Nội: Sau khi bị sở phê bình, chất lượng tuyến buýt 27 vẫn chưa cải thiện
- Dog Goes To Neighbor ‘s House Every Single Day Until His Owner Agrees To Let Him Stay There
- Bánh mì chấm sữa – món ăn gắn với tuổi thơ bao thế hệ