Nói tới chuyện mua nhà có nhiều vấn đề để bàn, để thắc mắc lắm nha mẹ. Nào là những điều mà chủ nhà giấu nhẹm không muốn nói với người mua, rồi chưa kể những rủi ro pháp lý khác, nay tới vấn đề này em muốn chia sẻ với các mẹ nè vì nhiều người có thể sẽ gặp phải.
Chúng ta thường lẩn quẩn ở cái vòng, muốn mua nhà phải có tiền, nhưng có đủ tiền rồi lại chưa chắc là mua được căn nhà mình muốn mua. Chẳng hạn như câu chuyện dưới đây, theo tin em đọc trên trang Vietnamnet, vợ chồng chị Thương và anh Chung ở Ninh Bình có một bé gái đầu lòng hơn 2 tuổi. Cả nhà đang ở thuê trên Hà Nội giá 4 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng ngót nghét 18 triệu nhưng vì có con nhỏ lại ở thủ đô nên chi phí đắt đỏ, mãi chẳng dành dụm được gì nhiều.
Vì chồng là con một và bố mẹ chồng sống ở dưới quê nên thành ra tháng nào cũng phải thu xếp về thăm nom, nhất là khi bố mẹ ốm đau thì càng phải về nhiều hơn để thay nhau chăm sóc, thế là tốn chi phí tàu xe, vất vả đã đành, quan trọng nhất là thời gian thu xếp đi lại về quê khó khăn vì vợ chồng đều làm công ty. Chính vì thế, hai vợ chồng bàn nhau mua căn nhà nhỏ để đón bố mẹ lên ở cùng.
Thương con, nghe mấy lần con kể ý định nên bố mẹ chồng định bán nhà ở quê để lấy tiền mua căn nhà ở thành phố ở để được gần con, vợ chồng anh chị đỡ tốn thời gian và tiền bạc đi lại. Thế là cuối năm 2019, qua giới thiệu, vợ chồng chị được giới thiệu căn nhà 2 tầng rộng khoảng 40m2, mặt tiền 3m lại có giá chỉ khoảng 1,5 tỷ đồng. Căn nhà này hai vợ chồng rất ưng ý vì vị trí thuận lợi cho việc đi làm, đặc biệt giá rẻ hơn thị trường gần 200 triệu.
Vợ chồng chị Thương rất ưng nên về bàn với bố mẹ chuyện bán nhà ở quê để lấy tiền mua căn nhà, sau khi thống nhất, quyết định đặt cọc 50 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau quay lại trả phần còn lại rồi nhận nhà và sang tên giấy tờ.
Bố mẹ chồng chị bán nhà đất ở quê được 1,4 tỷ đồng, cộng với tiền lúc cưới của anh chị thì cũng vừa đủ trả tiền cho căn nhà định mua. Thế nhưng khi bố mẹ vừa bán xong căn nhà dưới quê thì chủ nhà mới báo là họ thay đổi ý định, không muốn bán nữa và chấp nhận đền cọc gấp đôi.
Giờ nhà ở quê đã bán rồi, nhưng cầm số tiền đó trong tay, làm sao có thể mua được căn nhà giá tốt tương tự ngay được. Khổ nỗi, số tiền đó đủ mua chung cư nhưng bố mẹ chồng không chịu, vì thấy có nhiều bất tiện, còn không thì phải mua nhà ngoại ô, xa trung tâm. Vì công ty anh chị đều ở nội thành, mua nhà xa quá đi lại vất vả.
Đã lỡ bán nhà ở quê rồi, chưa tìm được nhà mới để mua, vì bố mẹ chồng chuyển lên đây ở, nên anh chị buộc phải thuê căn rộng hơn với giá đắt hơn là 5 triệu đồng/tháng, lại thêm các khoản chi phí sinh hoạt khác đội lên nhiều, khiến cho vợ chồng chị khá là khó khăn. Rồi chưa kể khi bố mẹ bị bệnh đi bệnh viện ở đây cũng tốn kém nhiều hơn ở quê.
Mấy tháng nay cứ quay cuồng vòng xoáy đó, chị cứ nghĩ có phải là do mình tính sai đường mà ra nông nỗi vậy, trong khi đó đất ở quê đang lên cơn sốt, giá gần 2 tỷ (cao hơn so với trước), chị chợt hối hận vì đã trót nói bố mẹ chồng bán nhà quá sớm.
Vụ việc là bài học kinh nghiệm cho mẹ đó. Chúng ta thường hay rơi vào vòng lẩn quẩn có tiền mua nhà hay mua nhà rồi để dành tiền, em thì vẫn quan niệm là mua nhà thì phải chắc. Nắm rõ căn nhà đó có vấn đề pháp lý gì không, thà chậm một chút mà chắc hơn còn hơn là giục tốc bất đạt.
Ít có ai còn trẻ mà có đủ tiền để mua được căn nhà như ý lắm. Ban đầu có thể chúng ta phải đánh đổi giữa việc lựa chọn mua nhà ở xa và mua nhà trung tâm. Có một điều em quan sát nhiều năm qua thấy là nhà ở ngoại ô giá thường lên nhiều so với giá nhà trung tâm. Mẹ xem yếu tố này để cân nhắc lựa chọn nha.
Kế đến là chọn nhà phố hay nhà chung cư. Thực ra nhà nào cũng có lợi ích riêng, đặc biệt là với nhà chung cư, mẹ mua được trả theo tiến độ và được ngân hàng hỗ trợ vay vốn ưu đãi, đỡ gánh nặng nhiều về tài chính và đây cũng chính là sự lựa chọn của nhiều người trẻ hiện nay. Tuy nhiên đi đôi với ưu điểm này là khuyết điểm khác chẳng hạn có sự bất tiện khi ra vào, hoặc không được sửa chữa theo ý muốn… và giá trị thông thường bị xuống theo thời gian so với nhà phố. Cho nên đó là vấn đề cần cân nhắc.
Thật ra không đủ tiền để mua nhà, chúng ta có thể xoay tạm thời bằng cách vay mượn hoặc thế chấp ngân hàng, hơn là việc bán căn nhà trước đó để mua căn khác vì làm việc này chúng ta phải chấp nhận rủi ro như đã thấy trên, đó là chủ nhà lật kèo. Lúc đó, muốn mua căn nhà ưng ý như thế cũng khá là khó khăn.
- "Mua nhà trong hẻm cụt": Không gian sống an ninh, thư thái mà không phải chi quá nhiều tiền.
- “Tôi sẵn sàng bỏ thêm tiền để có biển số Hà Nội”
- Hà Tĩnh: Bí quyết giúp anh nông dân thu nửa tỷ mỗi năm từ nuôi gà ri Hòa Bình
- Đắk Lắk: Trồng tre trong vườn, anh nông dân cắt bán hàng tấn măng, cho thu nhập cao
- Nông dân vùng này nuôi con gì bò nhung nhúc trong bể bê tông, vớt lên bán 160.000 đồng/kg, tiền tươi thóc thật?