Người đàn ông Trung Quốc muốn sửa sang lại căn hộ mới mua nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía ban quản lý tòa nhà.
Khi ở chung cư, việc xảy ra mâu thuẫn giữa cư dân và Ban quản lý tòa nhà không phải là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, tình huống của người đàn ông họ Lưu ở Trung Quốc dưới đây lại khiến người ta phải lắc đầu ngao ngán.
Mâu thuẫn vì chuyện sửa nhà
Anh Lưu là một người dân ở tỉnh lẻ đến Bắc Kinh sinh sống và làm việc. Chỉ sau 3 năm ở đây, người đàn ông này đã đạt được mức thu nhập hơn 400.000 NDT/năm (hơn 1,4 tỷ đồng). Để ổn định cuộc sống, anh Lưu muốn mua cho mình một căn hộ. Tuy nhiên, số tiền mà anh tiết kiệm được vẫn chưa đủ để có một tổ ấm ở nơi đắt đỏ bậc nhất Trung Quốc này. Do đó, khi vô tình biết được thông tin về một căn hộ 70m2 được rao bán với giá 1,9 triệu NDT (hơn 6,6 tỷ đồng) trên mạng, anh Lưu đã lập tức liên hệ với người đăng để tìm hiểu.
Theo thông tin mà môi giới cung cấp, anh Lưu biết được căn hộ này là tài sản phát mãi. Tuy nhiên, vì nó vẫn còn mới, khá rộng rãi và có giá mềm nên người đàn ông này không ngần ngại mà chốt đơn khi được bán đấu giá. Sau khi hoàn thành thủ tục mua nhà, hơn nửa năm sau đó, anh Lưu cũng chính thức dọn tới ở.
Ảnh minh họa: 163.com
Để hoàn thiện tổ ấm mới này, anh Lưu thuê một công ty thiết kế đến để trang trí. Tuy nhiên, khi họ đang chuẩn bị sửa sang lại căn nhà, phía Ban quản lý tòa nhà bỗng xuất hiện và dùng mọi cách ngăn cản.
Lúc đầu, họ yêu cầu anh Lưu phải nộp đơn xin sửa lại căn hộ trước thì mới có thể thay đổi nội thất bên trong. Dẫu vậy, khi anh Lưu nộp đơn, họ lại đưa ra nhiều lý do khác nhau để không duyệt đơn cho anh. Thậm chí, Ban quản lý tòa nhà còn bố trí hai nhân viên bảo vệ “trực” trước cửa để tránh trường hợp chủ mới âm thầm sửa nhà.
Trước hành động khó hiểu này của Ban quản lý tòa nhà, anh Lưu bèn đi hỏi thăm tin tức từ những người hàng xóm xung quanh và biết được mối quan hệ giữa chủ nhân cũ của căn hộ này và phía quản lý tòa nhà không mấy tốt đẹp.
Dù anh Lưu đã dùng nhiều lý lẽ để thuyết phục, đối phương vẫn không chấp nhận. Không những thế, họ còn cho biết người chủ cũ của căn hộ còn nợ hơn 70.000 NDT (khoảng 250 triệu đồng) tiền dịch vụ, chỉ khi người chủ mới trả khoản tiền này thì mới được phép sửa nhà. Điều khoản vô lý này khiến anh Lưu vô cùng tức giận và trực tiếp kiện Ban quản lý tòa nhà ra tòa.
Tòa án phân giải
Dù bị tòa án địa phương gửi giấy triệu tập, Ban quản lý tòa nhà nói trên không hề tỏ ra lo lắng mà còn cho rằng hành vi của họ vốn nằm trong “Quy chế quản lý tài sản” của tòa nhà. Tuy nhiên, tòa án chỉ rõ hoạt động quản lý tài sản phải phải dựa trên sự tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, không được tùy tiện tăng thêm gánh nặng hoặc hạn chế quyền của chủ sở hữu. Do đó, điều khoản trong quy chế quản lý tài sản mà Ban quản lý tòa đưa ra là không hợp lý.
Hơn nữa, theo Điều 34 Luật Tài sản Trung Quốc, chủ sở hữu có quyền sở hữu, sử dụng, thu lợi nhuận và định đoạt tài sản của mình. Do đó, là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà mới mua, anh Lưu hoàn toàn có quyền sửa sang ngôi nhà của mình. Điều 1010 Bộ luật Dân sự Trung Quốc cũng quy định rõ, quyền cư trú của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp của anh Lưu, việc Ban quản lý tòa nhà cử nhân viên bảo vệ canh ở cửa, không cho người đàn ông này sửa nhà là hành vi xâm phạm quyền cư trú. Anh Lưu có quyền yêu cầu Ban quản lý tòa nhà bồi thường vì hành vi vi phạm pháp luật này.
Cuối cùng, tòa án ra phán quyết cấm Ban quản lý tòa nhà trong vụ việc này can thiệp vào vào việc sửa sang nhà của anh Lưu. Đồng thời yêu cầu họ phải bồi thường thiệt hại kinh tế cho người đàn ông này 3.600 NDT (khoảng 12,8 triệu đồng).
- 3 chiêu ăn mặc thông minh giúp phụ nữ trung niên vừa sang lại thanh lịch
- Chàng trai lần đầu dồn hết tiền mua đất: Giờ lâm vào cảnh vỡ nợ vì “ôm” trúng đất không thể giao dịch
- Chuyển cuộc gọi của chủ nợ đến số máy lãnh đạo Phòng CSHS để hù dọa
- 9 tuyệt chiêu giúp bạn đối phó với những người có “cái tôi cực lớn”
- 3 tuyến đường sắp được Hà Nội chi gần 10.000 tỉ đồng mở rộng