Câu chuyện về bài tập khó đỡ này khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều bình luận trái chiều.
Ở cấp tiểu học, trẻ thường được làm các bài tập thủ công như gấp giấy, vẽ, cắt dán hình… Những bài tập này giúp các em rèn luyện tư duy sáng tạo, phát huy tốt khả năng quan sát, tưởng tượng, tư duy logic,… Tuy nhiên nhiều bài tập có nội dung nghe khá oái oăm, khiến không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng phải đau đầu, bó tay, nghĩ mãi không ra phải làm như nào.
Chẳng hạn, một phụ huynh ở Trung Quốc đã rất bức xúc khi nghe bài tập thủ công của cậu con trai 6 tuổi, đang học lớp 1. Theo đó, giáo viên đã yêu cầu mỗi em học sinh phải mang 10.000 hạt ngô đến lớp vào sáng hôm sau.
Ngay khi nghe con kể, ông bố này đã muốn bùng nổ. Ai có thời gian mà đi đếm 10.000 hạt ngô cơ chứ? Bực mình, anh định nhắn tin vào nhóm chat giữa giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên vợ anh đã ngăn cản lại. “Chưa thấy các phụ huynh khác nói gì, giờ mình tùy tiện hỏi chỉ sợ cô giáo phật ý”, người vợ đưa ra lời khuyên.
Sau đó, cả hai vợ chồng chờ xem các phụ huynh khác phản ứng như nào, nhưng cả một quãng thời gian dài vẫn không thấy nhóm chat có động tĩnh gì. Vậy nên ông bố đã quyết định gọi cho thằng cho cô giáo để hỏi cho ra lẽ.
“Xin chào cô Lý, tôi muốn hỏi có đúng là cô bảo các cháu mang 10.000 hạt ngô đến lớp hay không? Việc này phải làm như nào? Cô định bắt các cháu tự đếm? Hay cô để bố mẹ các cháu đếm? Cô nghĩ rằng phụ huynh rất rảnh rỗi, không có việc gì làm đúng không?”, ông bố chất vấn cô giáo với thái độ giận dữ.
Tuy nhiên, cô giáo bình tĩnh đáp lại: “Tại sao phải đếm? Anh có thể đếm 100 hạt trước rồi cân, sau đó nhân với 100 chẳng phải là ra 10.000 hạt theo trọng lượng hay sao?”.
Nghe xong đáp án, ông bố gãi đầu gãi tai một lúc. Quả thật, anh đã không học toán trong nhiều năm nên không nghĩ ra cách này. Tuy nhiên, anh vẫn cho rằng, trọng lượng mỗi hạt ngô là khác nhau nên không thể tính như vậy được, sẽ không chính xác.
Cô giáo tiếp tục cho biết, khi học sinh mang hạt ngô đến lớp, cô cũng không có thời gian đếm từng hạt. Thay vào đó, cô sẽ hỏi cách các em mang được 10.000 hạt ngô đến lớp như nào, từ đó biết được khả năng sáng tạo, tư duy logic, khả năng tính toán của các em.
Cô giáo cũng cho rằng, bài tập này là một dịp để bố mẹ có thể gắn kết với con cái hơn. Bởi nhiều gia đình vì quá bận rộn nên bỏ bê các hoạt động chung giữa cha mẹ và con cái. Nghe xong câu trả lời của cô giáo, ông bố ngớ người, không biết phải nói lại ra sao.
Câu chuyện về bài tập khó đỡ này khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều bình luận trái chiều. Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng, việc cùng con làm bài tập thủ công rất thú vị, vừa có thể quan tâm đến việc học của con hơn, vừa tăng thêm sự gắn kết gia đình.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến chỉ ra sự thật rằng có nhiều giáo viên giao bài tập thủ công quá khó cho học sinh, nằm ngoài khả năng của các em. Với những sản phẩm mà các em tự làm thì không được khen, còn sản phẩm đẹp hơn do bố mẹ các em làm giúp thì được tuyên dương trước lớp. Như vậy là không công bằng và vô tình khiến trẻ ỷ lại vào bố mẹ, không chịu tự làm bài tập. Vậy nên, giáo viên cần chú ý hơn khi giao bài tập thủ công, nên chọn những đề bài phù hợp với độ tuổi, khả năng của các em.