Mỗi tháng cá thể tăng trọng từ 6-8 lạng, thậm chí có con tăng đến 1kg.
Anh Hoàng Huy Tập, thôn Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh) đưa giống cá tầm Siberi (Acipenser baerii) xứ lạnh về ươm nuôi, thuần hóa, rồi phát triển nuôi thương phẩm bằng lồng trên sông Đuống. Ít ai ngờ, cá tầm xứ lạnh lại lớn nhanh như thổi ở vùng nóng như sông Đuống.
Từng làm ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và có đam mê với nghề nuôi cá tầm, năm 2017, anh Hoàng Huy Tập, thôn Đồng Đoài, xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã đưa cá tầm Siberi (Acipenser baerii) xứ lạnh về nuôi thương phẩm bằng lồng trên sông Đuống thành công. Ảnh: Khương Lực.
Lúc đầu, anh nuôi thử nghiệm khoảng 1.000 con cá tầm. Vốn là loài cá xứ lạnh nuôi ở trên núi nên anh Tập phải tìm cách thuần hóa dần dần và từng bước xây dựng quy trình nuôi cá tầm thương phẩm trong lồng trên sông Đuống.
Quan trọng nhất đối với nuôi cá tầm trên sông Đuống là việc thuần hóa nhiệt độ. Khi cá tầm xứ lạnh được thuần hóa nhiệt độ ở xứ nóng thì tỷ lệ nuôi thành công sẽ cao hơn. “Đối với người dân chưa từng nuôi cá tầm trên sông Đuống khi nuôi sẽ vất vả và mất nhiều học phí, nhưng đối với người có chuyên môn thì phải lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm mới có sự thành công” – anh Tập nói.
Hiện anh đang ươm nuôi và thuần hóa nhiệt độ khoảng 1 vạn con cá tầm xứ lạnh, thay vì phải đi mua phôi giống từ Sa Pa (Lào Cai) như trước đây. “Một quy trình làm chuẩn, cá ươm nuôi từ trứng tại môi trường nước nóng. Mình phải tận dụng môi trường tự nhiên từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2, tháng 3 năm sau để ươm con giống. Khi cá tầm xứ lạnh thuần hóa dần dần thì mới bắt đầu thả nuôi trong lồng trên sông Đuống – anh Tập nói.
Theo anh Tập, vụ nuôi cá tầm trên sông Đuống tốt nhất bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 sang năm, tốc độ cá lớn rất nhanh. Mỗi tháng cá thể tăng trọng từ 6-8 lạng, thậm chí có con tăng đến 1kg. Tuy nhiên, vào mùa hè, phải giảm lượng thức ăn để cá tiêu bớt mỡ, giảm thiểu tình trạng cá chết do nắng nóng.
Theo anh Tập, một năm, anh đưa ra thị trường khoảng 30-40 tấn cá tầm. “Thị trường tiêu thụ cá tầm rất lớn, gia đình anh sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”- anh Tập nói và cho biết để nuôi cá tầm thành công trên sông Đuống với tỷ lệ sống lên tới 80% anh phải có bí quyết riêng.
Cùng với việc thuần hóa nhiệt độ, một cản trở khác đối với nghề nuôi cá tầm là giá thức ăn rất cao, từ 30.000 -35.000 đồng/kg. Đây cũng là yếu tố khiến mô hình nuôi cá tầm chưa được nhân rộng như các loại cá khác.