Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
1963 lượt xem

Bắc Ninh: Cô nông dân vùng đất quan họ trồng rau kiểu gì mà doanh thu 18 tỷ/năm?

Từ việc trồng thử nghiệm thành công trên diện tích 5 sào ruộng của bố mẹ chồng, chị Trâm đã mở rộng mô hình, tiến hành ươm giống, bán cho bà con nông dân quanh vùng

Không chỉ trồng rau công nghệ cao ở Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị Trâm còn lên vùng cao Hà Giang lập trang trại. Rau trồng đạt chuẩn rau sạch trồng trái vụ trong nhà lưới nên cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu 18 tỷ đồng/năm.

10 năm với nghiệp trồng rau

Chị Nguyễn Thị Trâm ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023. Năm 2021, chị Trâm là một trong 57 thanh niên tiêu biểu của cả nước nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Năm 2022, chị được bình chọn là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Trong khi nhiều bạn trẻ rời quê ra phố tìm cơ hội việc làm, chị Nguyễn Thị Trâm, sinh năm 1990, ở xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh lại từ bỏ công việc ổn định để “về làng” khởi nghiệp với mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao. Đến nay, chị Trâm đã xây dựng được 1,3 ha nhà màng, 0,7 ha nhà lưới trong tổng diện tích 5 ha ở Bắc Ninh và mở rộng 10 ha chuyên trồng các loại rau trái vụ có giá trị kinh tế cao tại Hà Giang.

Huyện Lương Tài là vùng đất màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Thế nhưng, đa số nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao. Từng chứng kiến bố mẹ chồng nhiều vụ phải “khóc ở ngoài ruộng” do có năm cà rốt đạt năng suất cao, nhưng thương lái không mua hết.

Từ đó, chị Trâm nảy ý định tìm một cây trồng khác có giá trị cao, đầu ra ổn định để bố mẹ chồng đỡ vất vả. Tìm hiểu trên mạng, chị Trâm nhận thấy cây măng tây có giá trị kinh tế cao, rất ít người trồng.

“Hồi đó, em may mắn có bác ở bên Úc – nơi họ trồng rất nhiều măng tây. Nhờ đặt mua giống thì bác ấy bảo giống này nhập từ Mỹ, lúc đó em lại liên hệ với công ty ở Mỹ để nhập một vài giống về trồng thử. Trong các giống trồng thử có một giống măng tây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở miền Bắc” – chị Trâm cho biết.

Từ việc trồng thử nghiệm thành công trên diện tích 5 sào ruộng của bố mẹ chồng, chị Trâm đã mở rộng mô hình, tiến hành ươm giống, bán cho bà con nông dân quanh vùng, rồi cam kết thu mua sản phẩm để đem đi tiêu thụ. Ngay vụ thu hoạch măng tây đầu tiên đã trúng lớn, sản lượng mỗi ngày vào khoảng 30-40kg.

“Sản lượng 30-40kg măng tây lúc đó đã là khủng hoảng đối với hai vợ chồng. Vì là loại rau mới, bán với giá 80.000 đồng/kg nên ban đầu họ chỉ đặt vài cân nhưng mình vẫn giao đến tận nơi, có khi phải bù lỗ” – chị Trâm chia sẻ.

Dù vất vả như vậy, nhưng việc trồng và tiêu thụ măng tây đã đem lại hiệu quả cao cho gia đình. Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong do chị làm Giám đốc được thành lập với mục tiêu ban đầu là cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho các trang trại.

Đưa rau sạch vào các siêu thị lớn miền Bắc

Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong là đơn vị đầu tiên của huyện Lương Tài được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm măng tây xanh và cà rốt cũng như Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng trong năm này, công ty đạt đủ điều kiện cấp hàng vào chuỗi siêu thị Fivimart – hệ thống bán lẻ lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.

Sau thời gian trồng măng tây có lợi nhuận, chị Trâm mong muốn mở rộng sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn khác để cung cấp cho hệ thống siêu thị và đưa ra thị trường. Diện tích đất công ích của xã cho các hộ dân thuê hết hạn. Do đất ở đó xấu trồng cây không có năng suất nên các hộ dân bỏ hoang nhiều. Tận dụng cơ hội này, chị Trâm đã mạnh dạn thuê 5ha đất công ích của xã để cải tạo, đầu tư trồng các loại rau màu. Hành trình khai hoang khu đất thuê rất vất vả. Chị Trâm đã phải nhờ người thân từ Nam Định đến trợ giúp và tạo dựng thành hình hài khu trang trại trồng rau an toàn.

Theo chị Trâm, các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn còn ít nên công việc làm ăn thuận lợi, thu được nhiều lãi. Để tăng thêm thu nhập, ban đầu, công ty tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày dễ tiêu thụ như: rau xà lách, rau dền, rau muống, mồng tơi, mướp và các loại củ.

Những ngày đó, vợ chồng chị phải lao vào làm việc sớm tối, thậm chí khi có đơn hàng gấp chị phải ngồi tranh thủ đóng hàng buổi trưa, tối – thời điểm công nhân nghỉ ngời, rồi tầm 2-3 giờ sáng hai vợ chồng lại đi giao hàng cho siêu thị. Những vất vả đó đã được đền đáp, do làm ăn hiệu quả nên vợ chồng chị Trâm đã mua được đất, đổi được xe.

Đầu tư lớn trồng rau công nghệ cao

Trong những năm gần đây, do thời tiết khí hậu có những diễn biến bất thường, nắng mưa nắng kéo dài khiến nhiều vụ rau gieo xuống bị thất thu. Để hạn chế những tác động bất lợi này, chị Trâm đã đầu tư xây dựng 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà kính ở Bắc Ninh.

Ngoài ra, chị Trâm còn áp dụng hệ thống tưới tự động trên diện tích trồng rau ở Bắc Ninh và Hà Giang, giúp các loại rau củ quả phát triển đồng đều cho năng suất cây trồng tăng 30%, giảm nhân công lao động thủ công sản xuất trên ruộng đồng.

Với việc đầu tư hệ thống sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đến nay, công ty có 4 sản phẩm góp mặt trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, nổi bật nhất là “Dưa leo baby” – mặt hàng luôn trong tình trạng thiếu hàng, nhờ chất lượng mẫu mã đẹp.

“Chúng tôi dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển hệ thống máy tính chủ. Với công nghệ này, người quản lý sẽ cài đặt hẹn giờ để nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Cùng với đó, phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.

Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cài đặt hẹn tưới nhỏ giọt 8 lần/ngày, tùy từng loại cây trồng mà mỗi lần tưới từ 3-4 phút. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc” – chị Trâm cho biết.

Theo chị Trâm, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn. Riêng với 1,3ha nhà màng, chị đã phải chi phí hơn 4 tỷ đồng. Chính vì thế, việc lựa chọn cây trồng là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của mô hình. Trong nhà màng, chị Trâm lựa chọn trồng dưa leo baby, dưa lưới, cà chua, ớt chuông– những loại cây có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật, trồng rau muốn, xà lách… thủy canh. Những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra sản phẩm có mẫu mã đồng đều, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Trâm đã mở rộng vùng sản xuất 10ha tại huyện miền núi Quản Bạ, tỉnh Hà Giang chuyên trồng các loại rau trái vụ như bắp cải, cải thảo… mang lại giá trị cao, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Hiện toàn bộ sản phẩm của công ty đều được trồng theo đơn đặt hàng. Vì thế, doanh thu công ty tăng trưởng vượt bậc, từ 13 tỷ lên 18 tỷ đồng/năm

 

 

Bài viết cùng chủ đề: