Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
113 lượt xem

Bạc Liêu: Nhiều người chê ông nông dân nuôi cá đồng, thả vịt trong ruộng lúa, ai ngờ giờ thu bội tiền

Bác Hồ Thanh Tổng, ấp Ninh Bình, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã thực hiện mô hình nuôi vịt trong ruộng lúa kết hợp thả nuôi cá đồng, mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa thông thường.

Mô hình nuôi vịt trong ruộng lúa kết hợp thả cá đồng của bác Hồ Thanh Tổng, ấp Ninh Bình, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa thông thường. Đây cũng được xem là 1 trong các mô hình phát triển bền vững trong điều kiện biến đối khí hậu hiện nay.

Có khoảng 5 ha đất nông nghiệp, trước đây mỗi năm bác Tổng chỉ canh tác 2 vụ lúa. Do điều kiện sản xuất khó khăn (sâu bệnh trên lúa nhiều và khó quản lý, giá cả vật tư sản xuất tăng cao, giá lúa bán bấp bênh, …) nên thu nhập mang lại cho gia đình chưa cao.

Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả trên mạng, đầu năm 2021 bác Tổng đã thử nghiệm nuôi vịt trong ruộng lúa kết hợp thả nuôi cá đồng. Qua một thời gian thực hiện, bác thấy mô hình đem lại hiệu quả bền vững.

Vịt nuôi trong ruộng lúa ít bị bệnh, đỡ tốn thức ăn, vịt có không gian vận động nên thịt chắc và ngon hơn. Mặt khác, vịt ăn sâu rầy trong ruộng lúa nên giảm 50% số lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, cá đồng nuôi từ ruộng lúa nhanh lớn, cá sử dụng thức ăn tự nhiên là chính nên chất lượng thịt thơm ngon. Vịt và cá đồng được chăn thả trên ruộng lúa đã giúp sục bùn diệt cỏ dại; chất thải của cá, vịt giúp tăng độ mùn của ruộng, góp phần giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón hóa học.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, bác Tổng cho biết khi nuôi cá đồng và thả vịt trong ruộng lúa đảm bảo ruộng phải có bờ bao chắc chắn, không sạt lở, luôn luôn giữ mực nước trong ruộng 20 – 30cm để nhiệt độ nước không quá cao ảnh hưởng đến cá nuôi. Diện tích ao nuôi cá đồng chiếm khoảng 10% diện tích ruộng để cá tránh nắng và dễ dàng thu hoạch cá.

Thả vịt vào ruộng lúa sau khi sạ lúa được 30 – 35 ngày, vì bộ rễ lúa lúc này đã khá chắc chắn, không bị đổ ngã. Cần lưu ý, giai đoạn cây lúa trổ bông thì không thả vịt vào ruộng lúa nữa mà đợi đến thu hoạch lúa xong mới thả vịt vào để tận dụng lúa rơi vãi làm nguồn thức ăn cho vịt.

Để tránh vịt sang những ruộng bên cạnh cần dùng lưới quây kín xung quanh. Đến tháng 9 – tháng 10 âm lịch, mương tích đầy nước tiến hành thả cá đồng vào ruộng (thả các loại cá lóc, cá rô phi, cá sặc rằn, …) lúc này độ phèn giảm, cá đồng nuôi nhanh lớn.

Có thể nói, mô hình nuôi vịt trong ruộng lúa kết hợp thả cá đồng của bác Tổng đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích ruộng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Bài viết cùng chủ đề: