Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
732 lượt xem

An Giang: Nuôi lươn giống dày đặc, xục tay xuống vốc lên một bầy, nông dân sáng kêu, chiều đã bán hết sạch

Mô hình nuôi lươn giống không chỉ đáp ứng được nhu cầu nuôi lươn thương phẩm cho nông dân trong tỉnh, mà còn trở thành nguồn cung cấp giống chủ yếu cho khu vực ĐBSCL.

Thời gian qua, mô hình nuôi lươn thương phẩm được nông dân ở nhiều địa phương lựa chọn phát triển. Tuy nhiên, nguồn lươn đồng giống trong tự nhiên không đủ để cung ứng nên nhiều nông dân ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) nghiên cứu nuôi lươn giống thành công.

Nhiều nông dân ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã phát triển và mở rộng mô hình sản xuất giống lươn đồng theo hướng bán nhân tạo.

Mô hình nuôi lươn giống không chỉ đáp ứng được nhu cầu nuôi lươn thương phẩm cho nông dân trong tỉnh, mà còn trở thành nguồn cung cấp giống chủ yếu cho khu vực ĐBSCL.

Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) vừa tổ chức hội thảo và thực hiện trình diễn về “Mô hình sản xuất giống lươn đồng” tại hộ ông Trương Thành Phong (xã Khánh Hòa).

Theo Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Phú Lê Hồ Minh Thiện, thông qua trình diễn mô hình giúp nông dân trên địa bàn có thêm cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật sản xuất lươn giống bán nhân tạo.

Từ đó, không chỉ giúp bà con hoàn thiện kỹ thuật, tăng năng suất và lợi nhuận mà còn sản xuất ra số lượng lươn giống chất lượng cung ứng cho thị trường, tạo được thương hiệu, uy tín.

Để sản xuất ra được lươn giống chất lượng, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ xây bể nuôi, lựa chọn lươn bố mẹ, nguồn thức ăn cho đến thu trứng, con bột, ương lên lươn giống… Mỗi công đoạn đều rất quan trọng và đòi hỏi người nuôi nắm vững kỹ thuật chăm sóc.

“Qua thời gian thực hiện “Mô hình sản xuất giống lươn đồng” ở xã Khánh Hòa cho thấy, đàn lươn bố mẹ sinh trưởng tốt và tỷ lệ sống đạt hơn 96%. Từ đó, tỷ lệ nở của lươn bột cao, con bột khỏe mạnh. Từ hiệu quả của mô hình, Trạm Khuyến nông sẽ tiếp tục chia sẻ, nhân rộng đến những nông dân muốn nuôi lươn giống trên địa bàn, giúp nâng cao thu nhập cho bà con, cải thiện kinh tế gia đình” – ông Thiện chia sẻ.

Đợt này, theo hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông, ông Phong nuôi với diện tích 75m2, được bố trí vào 6 bể nuôi theo kiểu bán nhân tạo.

Đầu tiên, là khâu chuẩn bị bể nuôi khá quan trọng, đất làm tổ cho lươn bố mẹ phải chọn đất thịt pha sét và phải xử lý bằng vôi, phơi nắng trước khi bố trí thành luống vào bể nuôi.

Trên luống đất nên trồng cỏ thưa, kèm theo bố trí vòi phun mưa ở 2 đầu bể nuôi, nhằm kích thích lươn bố mẹ sinh sản. Lươn bố mẹ được chọn lựa kỹ lưỡng, đảm bảo khỏe mạnh để giúp tỷ lệ sinh sản tốt nhất. Khi thả vào bể phải thật nhẹ nhàng, lươn sẽ tự đào hang và ẩn nấp.

Sau khi thả 1 ngày, bắt đầu cho ăn thức ăn viên >35% đạm và cá tạp tươi. Là nông dân trực tiếp thực hiện mô hình, ông Phong đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại hội thảo.

Cụ thể, sau 20-30 ngày bố trí lươn bố mẹ vào bể, kiểm tra nếu thấy có nhiều tổ có bọt vàng nâu thì tiến hành thu trứng. Trứng được vớt bỏ vào khay và phải sục khí liên tục, thay nước 2 lần/ngày. Đến khi trứng nở được 5-7 ngày sẽ hết noãn hoàng. Khi đó, sẽ chuyển lươn bột sang khay hoặc bể ương lên giai đoạn lươn hương.

“Thời gian ương lươn bột lên giống từ 60-70 ngày. Trong giai đoạn này, nguồn thức ăn chủ yếu là trùn chỉ và thức ăn viên. Những ngày đầu sẽ cho ăn trùn chỉ, từ ngày thứ 16, bắt đầu chuyển dần sang thức ăn viên hoàn toàn đến khi xuất bán” – ông Phong giải thích.

Ông Lê Hoàng Hiếu (ngụ xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là nông dân có gần 10 năm kinh nghiệm nuôi lươn giống cũng dành thời gian đến tham dự hội thảo, tham quan trình diễn mô hình nuôi lươn giống ở xã Khánh Hòa.

Trước đây, ông Hiếu biết đến nghề nuôi lươn giống thông qua các lớp dạy nghề của Hội Nông dân xã. Bởi vậy, cứ khi nghe có thông báo ở đâu có hội thảo, tập huấn kỹ thuật về mô hình nuôi lươn giống, anh Hiếu đều đến để tham quan, cập nhật thêm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm.

“Khi đến tham quan, quy trình nuôi, chăm sóc cũng tương tự như tôi đã áp dụng. Tuy nhiên, qua buổi trình diễn có một số kỹ thuật mới, rất hay và hiệu quả đạt đến 80%. Bởi vậy, thời gian tới tôi sẽ ứng dụng trên mô hình của mình với mong muốn cải thiện năng suất, chất lượng, giúp bà con nuôi lươn giống tăng thêm lợi nhuận” – anh Hiếu phấn khởi.

Với mô hình sản xuất lươn giống tại xã Khánh Hòa, qua 6 tháng sản xuất và xuất bán, có tổng doanh thu 230 triệu đồng. Sau khi trừ hết chi phí, nông dân thu được lợi nhuận trên 100 triệu đồng, rất triển vọng để nhân rộng vùng nuôi.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) Huỳnh Ngọc Vỵ, trên địa bàn xã Khánh Hòa có khoảng 7 hộ đang sản xuất lươn đồng giống, Hội Nông dân huyện đang chuẩn bị để thành lập tổ hội nuôi lươn giống tại địa phương.

Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương tổ chức 1 lớp dạy nghề sản xuất lươn giống. Với cách làm này, sẽ trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật, quy trình sản xuất mới để bà con sản xuất lươn giống an tâm phát triển. Bên cạnh đó, còn giới thiệu nhiều nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân tiếp cận và mở rộng mô hình.

“Khi nông dân có kỹ thuật, có vốn thì trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn xã. Đồng thời, tiến tới thành lập chi hội nghề nghiệp với nhiều hướng phát triển bền vững, mang lại lợi nhuận cho bà con. Qua đó, xây dựng thương hiệu, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh” – ông Vỵ thông tin.

Bài viết cùng chủ đề: