Cứ tưởng chuyển lên chung cư sẽ được giải thoát khỏi tiếng karaoke, đục đẽo, ồn ào của hàng xóm, nhưng chỉ sau một tháng, tôi nhận ra mình nhầm.
Đọc bài viết “Lắp cách âm vẫn chịu thua hàng xóm karaoke xuyên Tết”, tôi thấy đồng cảm hơn bao giờ hết với tác giả. Bản thân tôi cũng từng trải qua những năm tháng tồi tề khi phải sống bên những người hàng xóm ồn ào. Cách đây hai năm, tôi từng có nhà riêng ở một quận trung tâm Sài Gòn. Mang danh là khu phố văn hóa nhưng tôi luôn thấy mệt mỏi với những người hàng xóm thiếu văn hóa của mình. Cũng giống như tác giả Trọng LT, khu tôi sống cũng tràn ngập tiếng loa thùng, người ta mở nhạc từ tân đến cổ, hát hò, karaoke tối ngày, bất kể ngày thường hay lễ Tết.
Thế nhưng, ít nhất âm nhạc vẫn còn dễ nghe, tôi còn bị “tra tấn” bởi một thứ âm thanh khác kinh khủng hơn nhiều, đó là tiếng khoan tường, đục đẽo, đóng đinh. Ngay cạnh nhà tôi là một gia đình trẻ mới chuyển đến, có hai vợ chồng và chưa có con. Không biết vì lý do gì, họ sửa nhà từ sáng tới tối trong suốt hai năm trời. Từ 8h sáng đến 20h tối, tiếng máy khoan, búa gõ cứ găm vào bức tường chung rồi vọng sang nhà tôi.
Có bữa, gần 22h vẫn thấy họ đục đẽo bên cạnh. Nhà sát vách khiến tiếng ồn vang sang như sấm bên tai, nhiều khi tưởng chừng như họ đang đục thủng tưởng nhà tôi vậy. Thứ âm thành cứ ù ù, oang oang kéo dài khiến tai tôi nhiều khi chẳng còn nghe thấy gì, đầu đau như búa bổ, mất ngủ và sức khỏe giảm sút.
Bức xúc trước cảnh ô nhiễm tiếng ồn, tôi nhiều lần sang góp ý trực tiếp, thậm chí mời cả tổ trưởng đến giải quyết. Nhưng vì tình lãng nghĩa xóm, tất cả chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở nhẹ nhàng. Họ vẫn vâng dạ, xin rút kinh nghiệm, nhưng rồi chỉ mấy ngày sau đâu lại vào đấy.
Nói mãi sợ mất lòng, cũng chẳng thể kéo nhau ra pháp luật (bởi thiếu chế tài xử lý và cán bộ địa phương cũng không có biện pháp gì cụ thể), tôi quyết định cắn răng “sống chung với lũ” và lên phương án chuyển nhà lên chung cư. Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, chung cư là biểu hiện cho lối sống hiện đại, văn minh, nơi có những con người có học vấn, hiểu biết.
Tôi chính thức bán nhà cũ, chuyển lên chung cư từ hai năm trước. Chung cư nơi tôi sống cũng thuộc dạng cao cấp, mỗi tầng có khoảng chục căn hộ, đa số là dân tri thức, sáng đi tối về. Ban ngày, không gian vô cũng yên tĩnh, tôi có thể thoải mái nghĩ ngơi, đọc sách báo, ngồi thiền mà không bị làm phiền. Nhưng tối đến, khi người người trở về, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn.
Tiếng trẻ con hò hét ngoài hành lang, có nhà tổ chức tiệc tùng, phía tầng trên lại vọng xuống những tiếng kéo bàn ghế, tiếng chai lọ rơi kêu loảng xoảng, lại có nhà nuôi chó phát ra những tiếng sủa ầm ĩ, thỉnh thoảng lại có đôi vợ chồng cãi nhau ỏm tòi hay cha mẹ la mắng con cái tùm lum…
Một tháng sau khi sống ở chung cư, tôi nhận ra thực tế hoàn toàn không giống với những gì mình tưởng tượng. Có lẽ ở nơi phố thị này, muốn được yên tĩnh chỉ có cách mua biệt thự, sống tách biệt, bằng không thì chấp nhận dọn đồ về quê may ra mới được yên thân.
Không biết có phải vì tôi già nên khó tính và không sống được với hàng xóm khác không, nhưng quả thực tôi nghĩ mong muốn được yên tĩnh trong ngôi nhà của mình là hoàn toàn chính đáng chứ không có gì quá đáng cả.
Tất cả những thứ âm thanh ồn ào như tiếng loa nhạc, karaoke, khoan cắt, đục đẽo, di chuyển đồ đạc, hội họp, tụ tập… tôi nghĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu người ta thực sự có ý thức về “văn minh tiếng ồn”.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định cụ thể và chế tài xử lý nghiêm khắc với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM – nhưng nơi có mức độ ô nhiễm tiếng ồn đáng báo động – lại gần như chưa có hành đồng gì để cải thiện tình hình.
Chế tài liên quan tới quy chuẩn tiếng ồn được quy định tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT và Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có nêu, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 5dBA đến 40dBA sẽ bị phạt lên đến 160 triệu đồng, với mức vi phạm nặng hơn, cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 đến 12 tháng. Tuy nhiên, việc xử phạt các chủ thể gây tiếng ồn còn rất khiêm tốn.
Thiếu chế tài pháp luật quản lý, những người Việt như tôi vẫn chỉ còn biết trông chờ vào ý thức tự giác của những người hàng xóm. Biết rằng, mỗi người có một thói quen sinh hoạt riêng, nhưng chỉ cần họ biết tiết chế hơn, để ý hơn đến mỗi hành động của mình để không vô tình làm phiền đến người xung quanh là chất lượng sống đã rất khác.
Hà Nội, TP HCM, hay bất cứ thành phố nào, nếu muốn trở thành nơi đáng sống, ít nhất phải đảm bảo cho người dân không thấy bực bội, ù tai vì tiếng ồn ở khắp nơi. Một thành phố, đất nước sẽ không thể văn minh khi con người ta chưa ý thức được thế nào là sống văn minh?