Nhìn con vật vã, mất hoàn toàn ý thức, xé đồ đạc, bà chỉ biết khóc vì không biết phải làm sao để giúp các con
Đêm đến, khi mọi người nghỉ ngơi thì người đàn bà ngoài 60 tuổi mới bắt đầu đi nhặt ve chai với hi vọng kiếm được vài chục nghìn đồng để nuôi 3 đứa con trai bị tâm thần.
Nỗi đau liên tiếp ập xuống
Đó là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Thuân (64 tuổi) ở tổ 4, khu phố Đẩu Phượng 4, phường Văn Đẩu, quận Kiến An, TP Hải Phòng. Bà Thuân sinh ra trong gia đình nghèo khó có 5 chị em gái. Lớn lên bà lập gia đình với anh bộ đội vừa xuất ngũ người cùng làng tên là Vũ Đức Ấm.
Hai người có với nhau 3 người con trai bụ bẫm với những cái tên rất đẹp lần lượt là Vũ Đức Cường (SN 1983), Vũ Đức Dũng (SN 1985) và Vũ Đức Hải (SN 1990). Nhưng không may, cả 3 người con của vợ chồng bà đều mắc căn bệnh tâm thần.
Cường, con trai cả của bà Thuân được nhận xét là người ngoan ngoãn, chăm chỉ làm lụng. Sau khi học hết cấp 3, anh theo người trong xóm đi làm phụ hồ, số tiền kiếm được anh đều đưa hết cho mẹ, song chưa được bao lâu thì anh phát bệnh. Bàn thờ, chén bát, giường tủ… trong nhà anh đều đập hết, quần áo của mọi người cũng bị anh lôi ra băm nát.
Thương con, bà chạy vạy khắp nơi đưa con đi chữa bệnh, thậm chí đưa vào bệnh viện tâm thần Hải Phòng điều trị nhưng bệnh tình của anh không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn. Anh ra nghĩa địa đập phá, đào bới mộ của gia đình người khác lên, có hôm lại nhảy xuống ao hồ cạn, đẫm mình như trâu cả ngày. Có lần, khi đưa đồ ăn cho con, bà Thuân còn bị Cường bẻ đến gãy tay.
Tiếp đến là anh Dũng, người con thứ 2 của bà Thuân. Dũng có biểu hiện bị tâm thần từ lúc 2 tuổi. Càng lớn, bệnh của anh càng trở nặng khiến bà Thuân càng thêm đau lòng. Dũng xé hết quần áo mặc trên người, chửi bới, đập phá tất cả, cười điên dại không ngớt. Dũng còn hay tự mình giật tóc, giật lông chân có khi đến tóe máu nhưng vẫn không chịu thôi. Cực chẳng đã, vợ chồng bà đành phải vay mượn khắp nơi chút tiền về xây “chuồng” nhốt Cường và Dũng lại.
Song, niềm hy vọng cuối cùng của bà là anh Hải cũng phát bệnh tâm thần sau người anh cả không lâu. Khi sinh ra, Hải vẫn là vẫn là đứa trẻ bình thường nhưng trong một lần đi chơi, Hải bị chó dại cắn và rồi phát bệnh từ đó.
Dù bà đã cố gắng hết sức, nghe đâu có thầy giỏi là lại tìm đến nhưng vẫn không chữa được. So với hai anh trai, Hải bị nhẹ hơn, lúc tỉnh lúc mê, nhưng sợ các con phá làng, phá xóm nên vợ chồng bà cũng xây sẵn thêm một chuồng. “Khi nào không thể trông chừng được nữa tôi lại đành nhốt nó vào đấy”, bà Thuân thở dài nói.
Đau buồn là vậy, vợ chồng bà Thuân chỉ còn biết nương tựa vào nhau. Thế nhưng không may, vào ngày mùng 1 tết cách đây 6 năm, chồng bà Thuân đã trút hơi thở cuối cùng do căn bệnh ung thư máu. Chồng mất khiến bà Thuân gần như ngã quỵ, nhưng nhìn cảnh những đứa con bệnh tật không ai chăm sóc, bà phải gắng gượng.
Nhìn con vật vã, mất hoàn toàn ý thức, xé đồ đạc, bà chỉ biết khóc vì không biết phải làm sao để giúp các con. “Buổi sáng tôi cho mỗi đứa một gói mỳ, trưa và tối thì có bữa cơm, bữa cháo. Nhiều hôm chúng hất đi không ăn, đêm đói lại kêu la. Đau lòng nhất là khi chúng nói: Bà không phải là mẹ tôi, thả tôi ra, cút đi… Nhìn chúng phát bệnh, tôi như đứt từng khúc ruột”, bà Thuân vừa kể, hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má.
“Tôi chỉ mong các con chết trước tôi”
Về phần bà Thuân, sức khỏe không những giảm sút do tuổi ngày một cao mà còn do ảnh hưởng sau lần đi mổ cắt túi mật cách đây vài năm. Những khi trái gió trở trời, vết mổ lại đau nhức khiến bà khó thở. Mười mấy năm qua, bà chưa có giấc nào ngủ ngon.
Hết chữa bệnh cho chồng đến chữa bệnh cho con, nhà bà nghèo lại thêm nghèo. Cuộc sống của 4 con người hiện tại chỉ trông vào 12 thước ruộng và việc nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Mẹ con bà trụ được đến ngày hôm nay phần nhiều là nhờ sự giúp sức của hàng xóm, xã hội.
Chồng bà Thuân là bộ đội bị thương, phục viên trở về quê hương. Nhưng một lần trong cơn động kinh, chồng bà đã mang hết giấy tờ ra đốt sạch nên giờ không còn giấy tờ để được hưởng trợ cấp của Nhà nước.
“Hàng ngày tôi quanh quẩn nhặt ve chai gần nhà. Đến đêm cũng không ngủ được nên tôi tranh thủ đi nhặt tiếp. Ban đêm người ta ngủ hết rồi nên nhặt được nhiều hơn”, bà Thuân thở dài nói.
Khi được hỏi rằng sao bà không cho các con vào trung tâm, bà bảo: “Chồng tôi mất rồi, chỉ còn mỗi chúng nó. Tôi thì không biết chữ, đường xá thì xa xôi, nếu cho vào đó không thể đến thăm thường xuyên được. Thôi đành ở gần, có gì tôi còn chăm sóc được. Giờ cũng không biết làm sao, tôi chỉ mong nếu chết thì các con chết trước tôi. Vì giờ tôi mà có chuyện gì thì ai chăm các con.”