Một đứa trẻ trong xóm cầm gậy đánh què chân con chó nhỏ nhà tôi, khi tôi sang nhà nói về sự việc thì cả ông bà và bố mẹ đứa nhỏ đều nói chung một câu đại ý “Cháu nó còn nhỏ, có biết gì đâu”.
Và đằng sau câu nói “cháu nó còn nhỏ” là một loạt những giải thích rằng: Chắc tại con chó cắn nên cháu mới làm thế, rồi là sao nhà chị không nhốt chó cẩn thận để con tôi thấy, rồi trẻ con nó nghịch một tí, chỉ là con chó thôi mà, gãy chân vài ngày là khỏi đi lại bình thường, nhà tôi sẽ trả mọi chi phí chữa trị,… mà không hề nói một câu xin lỗi, hay giải thích cho con cháu họ hiểu rằng, việc làm của chúng là không đúng. Tôi bất lực đành bỏ về, lúc đầu tính bỏ qua nhưng vì thái độ của gia đình họ như vậy nên tôi đem mọi hóa đơn chữa trị sang nhà yêu cầu họ thanh toán. Tôi muốn họ hiểu rằng, mọi lỗi lầm của con cháu họ nếu còn tiếp tục sẽ đều phải trả giá bằng tiền.
Hôm nọ đi sở thú, tôi thấy những đứa trẻ vô tư phun đầy bong bóng vào những con vật tại sở thú, cha mẹ chúng không hề nhắc nhở mà ngược lại còn hùa theo hưởng ứng cùng con. Tôi liền nhắc nhở, “bong bóng toàn hóa chất, anh chị để cho con mình chơi cũng được nhưng không nên phun vào động vật như thế”, và cái tôi nhận được là những cái lườm và sức phun bong bóng càng mạnh hơn.
Sáng ngày 17/12, mạng xã hội xôn xao với thông tin một cô gái bị em bé làm hỏng máy tính nhưng cha mẹ của em bé không chịu trách nhiệm. Thông tin này xuất phát từ dòng trạng thái của tài khoản Facebook L.H.
Rất nhiều bậc cha mẹ luôn lấy cái sự “cháu còn nhỏ” ra để bào chữa cho mọi lỗi lầm mà chúng gây ra. Nhưng họ lại quên mất rằng “dạy con từ thuở còn thơ”. Khi đứa trẻ còn nhỏ, chúng đã bắt đầu hình thành tính cách từ những thói quen và hành vi hàng ngày của chính chúng và từ cha mẹ. Nếu như không chỉnh sửa cho trẻ ngay từ những lần sai đầu tiên, thì trẻ sẽ mặc định coi đó là chuyện bình thường và sẽ tiếp tục lặp lại trong tương lai, lâu dần nó sẽ trở thành một thói quen xấu.
Yêu thương chiều chuộng con cái không sai, những hãy chiều con trong khuôn khổ đúng sai. Ít nhất cũng cần chỉ dạy cho con biết những phép tắc cơ bản trong gia đình, khi ra ngoài xã hội, dạy con biết yêu thương động vật,… để mỗi khi bước chân ra khỏi vòng tay cha mẹ, chúng vẫn là những đứa trẻ ngoan, cư xử có chừng mực chứ không ngổ ngáo, hỗn xược với người xung quanh.
Nhiều gia đình còn có quan điểm, “nó còn bé biết gì đâu, kệ nó, lớn lên rồi nó tự biết, hoặc khi đó dạy cũng được”. Khi trẻ còn nhỏ đã không thể uốn nắn, lớn lên sao có thể dạy bảo được. Biết bao gia đình đã phải lao đao khi gánh hậu quả mà những đứa trẻ như thế gây ra?