Lô đất này được cò và các nhà đầu tư chỗ tôi ở thổi giá lên gấp đôi từ mức 1,1 tỷ.
Tám tháng qua, ông Tân cầm cố nhà, ôtô, mượn người thân, vay nóng để xoay tiền trả lãi vì 5 sổ đỏ đất vùng ven và biệt thự dự án ở Đồng Nai đang hạ giá bán vẫn ế dài.
Ông cho biết, dù sở hữu nhiều tài sản: nhà đang ở, ôtô tiền tỷ, nắm giữ 5 sổ đỏ đất thổ cư và đất nông nghiệp tại Bảo Lộc, Bình Dương, Long An, Bình Phước cộng thêm một căn biệt thự đảo tại Đồng Nai, song hiện ông luôn “khát” tiền mặt để trả nợ, nhiều món tài sản đã cầm cố.
Đây cũng là tình hình chung hiện nay của nhiều người đầu tư bất động sản. Những người này có điểm chung là chỉ dựa trên lợi nhuận kỳ vọng, sử dụng vốn vay lớn trong khi lãi suất quá cao nhưng không ổn định.
Độc giả có nickname Người Dân Việt kể về trường hợp lô đất được “thổi giá” gấp đôi, sau đó giảm tiền vẫn không có người mua:
“Địa phương tôi ở cách thị trấn tầm 2 km, nơi này có một lô đất được bán đấu giá 1,1 tỷ đồng. Sau đó “cò” và những người đầu cơ sang tay nhau, đẩy giá cuối cùng lên đến 2,2 tỷ đồng.
Từ đó đến giờ đã ba năm trôi qua, khi dịch Covid-19 tới và thị trường đi xuống đến hiện nay, họ phải kêu bán giá 800 triệu mà chả có ai mua bởi vì khu vực này là nông thôn, không có một tiện ích gì ngoài việc mua để cất nhà và ở.
Trong khi đất vườn của người dân được “cắt” ra bán, mỗi lô chỉ có giá 400 triệu đồng. Không người nào dại mà mua đất dự án có giá 800 triệu đồng. Nếu lô đất này được bán với giá 500 – 600 triệu thì còn có người mua, vì dù gì nó cũng hơn đất của dân ở điểm có sẵn hạ tầng điện đường, có cống thoát nước”.
Độc giả Anh Hải nói khi đầu tư đất đai, nhà hình thành trong tương lai ở vùng ven nếu trúng đợt sốt đất thì lợi nhuận rất cao nhưng không ổn định bằng nhà đất ở trung tâm:
“Mắc cạn trên đống tài sản, cụ thể tài sản ở đây là nhà ở hình thành trong tương lai, đất nền, đất rẫy… hay nói chính xác là nhà đất ở vùng ven, tỉnh.
Ở trung tâm đất chật người đông, chỉ cần giảm giá 5-7% là đã “bốc hơi” rồi. Nhà đất trung tâm có dòng tiền cho thuê ổn định, không dể mắc cạn được, căn lắm chỉ là không lời, hoặc là lỗ ít. Vùng ven đất còn rất nhiều, qua cơn sốt phải hệ lụy 2-3 năm sau may ra mới phục hồi.
Mà dân mình chịu chơi thật, dám bỏ 27 tỷ đồng vào một rổ đất vùng ven, với số tiền đó thừa sức mua trung tâm. Nhưng biên độ lợi nhuận của trung tâm lại rất thấp chỉ 10-15% một năm.
Phải giữa đến 3-4 năm sau nhà đất trung tâm mới có đột biến lớn về giá, nhưng được cái có dòng tiền cho thuê, kinh doanh ổn định. Nhiều khi nhà đất trung tâm đến lúc tăng giá gấp đôi, so lại với vàng nhiều khi lại hòa, vì lúc đó vàng cũng đã tăng gấp đôi, gấp ba.
Chẳng qua nhà đất trung tâm chỉ là nơi ẩn náu, nơi giữ tiền, tránh trượt giá, lạm phát, chứ chưa hẳng thật sự là có lời. Tôi sẽ vẫn tiếp tục tích lũy để mua nhà đất ở trung tâm, thủ sẵn cho con cái sau này. Vì thời nào đi chăng nữa, nhà đất trung tâm vẫn giữ được giá trị của nó”.