UBND TP. Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư 19.959 tỷ đồng dự kiến triển khai theo phương thức PPP…

UBND TP. Hà Nội vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri về tiến độ triển khai dự án xây dựng cầu Tứ Liên. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 30/3/2020. UBND thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo Quyết định số 4098/QĐ- UBND ngày 28/10/2022. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đang tổ chức công tác chuẩn bị đầu tư.

Trong năm 2024, thành phố Hà Nội phấn đấu khởi công dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, dự án dự kiến triển khai theo phương thức PPP, với tổng mức đầu tư 19.959 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên). Trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.

Nhịp cầu dài 1.000m, khoảng cách trụ 500m, đỉnh tháp cao 158m, chịu được động đất cấp 8. Quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, trong đó có 2 làn đi bộ.

Theo phương án thiết kế, cầu Tứ Liên có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh.

Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao Quốc lộ 5 với 5 nút giao gồm: nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.

Trong đó, bờ phía Tây hiện là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất cao do đang là đường vành đai chính kết nối đầu cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương.

Phương án kiến trúc cầu dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình, kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội.

Tứ Liên cũng là cầu dây văng thứ hai sau Nhật Tân được xây dựng tại Hà Nội. Cầu Tứ Liên nằm giữa cầu Nhật Tân và Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh.

Việc hình thành cây cầu trong nội đô bắc qua sông Hồng sẽ góp phần làm giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc. Đồng thời hình thành cửa ngõ thứ ba bên cạnh cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân, từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố.

Cây cầu được xây dựng kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Hà Nội và mở ra cơ hội phát triển về hạ tầng đô thị, bất động sản, thương mại không chỉ cho khu vực Tây Hồ – Đông Anh mà cả khu vực các tỉnh phía Bắc Thủ đô.

Cũng trong năm 2024, Hà Nội đang phấn đấu khởi công cầu Trần Hưng Đạo với chiều dài 5,6 km theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng. Như vậy, hiện Hà Nội đã có 9 cây cầu bắc qua sông Hồng. Trong năm 2024 và thời gian tới, 9 cây cầu nữa sẽ được xây dựng nâng tổng số cầu bắc qua sông Hồng của Thủ đô lên 18.