Sáng 7.5, tại sân vận động Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trực tiếp Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nguồn VTV
–8h41: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên.
– 8h30: Chị Vũ Quỳnh Anh, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu: Thời gian trôi đi, chiến trường ác liệt năm xưa giờ đã thay da đổi thịt từng ngày, nhiều chiến sĩ Điện Biên như ông bà cháu đã ở lại mảnh đất này, xây dựng hạnh phúc và xây đắp quê hương.
Trang sử hào hùng về Điện Biên Phủ năm xưa đã cho cháu niềm tin yêu, niềm tự hào về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, về trách nhiệm mà cháu luôn khắc ghi trên con đường học tập, lập thân, lập nghiệp. Đó cũng là những hành trang vô cùng quý giá, giúp cháu có thêm động lực khi trở thành một cán bộ đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
“Thế hệ trẻ chúng cháu ý thức sâu sắc rằng, mỗi thành quả mà chúng cháu được thụ hưởng ngày nay được đánh đổi bằng máu xương của các bậc tiền bối cách mạng và hàng triệu người con Việt Nam”, chị Vũ Quỳnh Anh nói.
Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, chị Vũ Quỳnh Anh cho biết, thế hệ trẻ sẽ không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Thế hệ trẻ nguyện không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần, chung sức cùng cộng đồng; quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.
Thế hệ trẻ rất vinh dự và nguyện dốc sức mang khát vọng thanh xuân của mình hòa cùng với khát vọng chung của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
– 8h25: Ông Phạm Đức Cư, đại diện chiến sĩ Điện Biên và các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ phát biểu.
Nhập ngũ tháng 10.1949, ông Phạm Đức Cư (94 tuổi) cho biết, bản thân ông nguyên là trợ lý tham mưu tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 pháo Cao xạ. Hiện đang sinh sống tại Tổ dân phố 7- phường Nam Thanh – thành phố Điện Biên Phủ.
Là một người lính năm xưa, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được tận mắt chứng kiến những thời khắc lịch sử oanh liệt và đầy cam go, thử thách của dân tộc trên mặt trận Điện Biên Phủ, ông vô cùng xúc động tưởng nhớ tới những đồng chí, đồng đội và nhân dân đã hy sinh để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
“Cách đây vừa tròn 70 năm, trận quyết chiến – chiến lược lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Tiểu đoàn chúng tôi và Tiểu đoàn 383 thuộc Trung đoàn 367 pháo Cao xạ vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ dựng lưới lửa phòng không trên vùng trời Điện Biên, chiến đấu với Không quân của địch, bảo vệ đội hình các đơn vị Bộ binh của ta”, ông Phạm Đức Cư chia sẻ.
Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Pháo phòng không qua 56 ngày đêm trong mưa bom, bão đạn, anh dũng chiến đấu, cùng các đơn vị bạn đã đánh thắng không lực của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch trên vùng trời Điện Biên, bắn rơi 62 chiếc Máy bay các loại, trong đó có cả pháo đài bay B24; góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chiến dịch thắng lợi, đơn vị của ông vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Theo ông Phạm Đức Cư, chiến tranh đã lùi xa, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa, được chứng kiến sự đổi thay phát triển của đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng. Ông và các đồng đội phấn khởi và tự hào đã đóng góp một phần công sức của mình để làm nên Điện Biên anh hùng và tươi đẹp như ngày hôm nay.
“Chúng tôi luôn tâm niệm: Mình là Chiến sĩ Điện Biên, là cựu chiến binh phải luôn luôn phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ; gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Chúng tôi tin tưởng và mong rằng: Thế hệ trẻ hôm nay, luôn tự hào, ghi nhớ và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc và tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, ông Phạm Đức Cư chia sẻ.
– 7h54: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại diễn văn, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là chiến thắng vĩ đại, được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX; đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch, thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu: Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất Điện Biên, Tây Bắc để góp phần cho ngày hôm nay đất nước ta được độc lập, tự do, nhân dân ta được sống trong ấm no, hạnh phúc.
Trong diễn văn, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại quá trình dẫn đến Chiến thắng Điện Biên Phủ: Thừa hưởng những thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và niềm vui độc lập chưa lâu, Nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, với tinh thần “Nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhất tề đứng lên kháng chiến và lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhận định đúng và rõ tình hình chiến trường, thế và lực của ta, ngày 6.12.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác Hồ kính yêu đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho bằng được”.
Điện Biên Phủ đã trở thành “điểm quyết chiến chiến lược” giữa ta và địch, trong đó Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh”.
Phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, dân công hoả tuyến cùng nhân dân các địa phương đã ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, xuyên đèo, lội suối, mở hàng nghìn km đường giao thông cho bộ đội hành quân, vận chuyển vũ khí, lương thực, hậu cần cho Chiến dịch.
Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”, Đảng ủy Mặt trận, trực tiếp là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, với tư duy quân sự độc đáo, sự mưu lược, quyết đoán của một vị tướng tài ba, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn Chiến dịch.
Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn…”, với “đôi chân đất”, tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội – “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đây là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21.7.1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam; tạo cơ sở, tiền đề cho việc giải phóng, xây dựng miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, không chỉ có ý nghĩa đối với Cách mạng Việt Nam, mà còn trở thành bản anh hùng ca bất hủ thôi thúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ, từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được nhân dân các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước phát huy cao độ và tận tâm, tận lực dốc sức, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch.
Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng – một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” với trên 4 vạn cán bộ, chiến sỹ đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hi sinh anh dũng trên chiến trường là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, tạo tiền đề cho những chiến công, thắng lợi tiếp theo của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Nhân dân ta đã lựa chọn.
Đến nay, 70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, chúng ta tin tưởng và tự hào rằng, những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, như lời dạy của Bác Hồ:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.
– 7h50: Tham dự lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025; Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường.
Cùng tham dự buổi lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Phó Chủ tịch nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; các Ủy viên Trung ương Đảng.
Đặc biệt, tham dự buổi lễ có các đồng chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện các chiến sĩ Điện Biên Phủ, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đại diện các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước tại tỉnh Điện Biên…
Về khách quốc tế có: Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do ông Chăn-xa-mỏn Chăn-nha-lạt – Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu Vương quốc Campuchia do Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Neth Savoeun làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ông Trương Khánh Vĩ, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc làm Trưởng đoàn; Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Pháp do ông Sébastien Lecornu, Bộ trưởng Bộ Quân đội làm Trưởng đoàn… Và đại biểu cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, tùy viên quốc phòng các nước và đại diện người Việt Nam ở nước ngoài.
–6h50: Khu vực trước cổng sân vận động đổ mưa lớn. Đến 7h, trời vẫn mưa nặng hạt.
– 6h35: Người dân đổ về sân vận động tỉnh Điện Biên.