“Tôi thấp thỏm nhiều đêm vì lo có ai tụt chân xuống hố móng ngập nước, nằm ngay sát lối đi quá hẹp.” – Anh Lê Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ những nỗi vất vả mà anh không ngờ tới khi xây nhà trong ngõ nhỏ hẹp, nằm cách xa mặt đường.
“Trước khi lấy vợ, tôi sống chung với bố mẹ và anh chị trong một ngôi nhà ống ở quận Đống Đa (Hà Nội). Nhà tôi nằm trong ngõ nhỏ khá yên tĩnh, hàng xóm san sát, ở với nhau khoảng 20 năm nhưng ít khi va chạm, khi có việc cũng sẵn sàng trợ giúp. Nhiều người thích sống chung cư nhưng bản thân tôi lại thấy sống ở nhà mặt đất thoải mái hơn.
Quen với nếp sống như vậy nên khi lấy vợ, tôi quyết định mua đất nằm giữa cơ quan và nhà bố mẹ. Hai vợ chồng dành nhiều thời gian đi xem nhưng đất ở trung tâm khá đắt nên đều vượt khả năng tài chính của chúng tôi. Đất ở vùng xa hơn thì đi lại bất tiện và quá xa nhà bố mẹ, không tiện thăm nom và sau này, chúng tôi còn muốn nhờ ông bà chăm giúp các cháu.
Mất gần 2 tháng, cuối cùng hai vợ chồng tìm được mảnh đất nằm trong ngõ hẹp chỉ tầm một mét, cách mặt đường khoảng 300m ở quận Hai Bà Trưng. Bù lại, giá đất chỉ khoảng 45 triệu một m2, trong khi đất trong các ngõ rộng có thể lên tới 60 triệu. Bởi vậy, chúng tôi chỉ cần bỏ ra 2 tỷ đồng để mua mảnh đất 45m2 (trên đó có sẵn ngôi nhà một tầng, một lửng) để xây nhà.
Gom góp tiền tiết kiệm của cả hai vợ chồng được hơn 3 tỷ, chúng tôi quyết định đập nhà cũ, xây nhà mới luôn dù lúc đó là cuối mùa mưa bão. Bố tôi từng làm trong ngành xây dựng nên nhận trông giúp công trình.
Khi bắt tay vào việc xây nhà, chúng tôi vấp phải vô số khó khăn do đường vào nhà quá nhỏ, có khúc ngách chỉ hẹp 80 cm. Tôi định thuê luôn máy xúc để phá nhà cũ cho nhanh nhưng không được vì xe không vào được tới nơi. Thế là công nhân đành dùng các phương pháp truyền thống là khoan tay và búa để phá nhà. Thợ vừa làm được một ngày thì bố tôi gọi điện bảo về nhà gấp.
Hàng xóm nhà tôi có con mới được một tháng tuổi nên không thể chịu nổi tiếng khoan đục. Ông bà của cháu bé sang đề nghị nhà tôi ngừng thi công vì bé khóc khan hết cả cổ. Mới chuyển về, tôi không muốn mất lòng hàng xóm nhưng không lẽ tôi lại phải ngừng thi công tới khi cháu bé lớn. Buổi tối hôm đó, tôi phải sang nhà hàng xóm, mang theo ít hoa quả để “nói khó” mong gia đình thông cảm. Tôi hứa sẽ báo trước những ngày đập phá, đổ bê tông, khoan đục để nhờ người mẹ trẻ bế tạm con sang nhà ngoại chơi.
Cũng may, hàng xóm là những người dễ tính nên miễn cưỡng đồng ý. Dăm bữa nửa tháng, tôi và vợ thay phiên nhau hỏi han, quà cáp để xây dựng quan hệ.
Chật vật vài ngày mới phá xong nhà cũ, tới đoạn đào móng cũng vất vả không kém. Bố tôi tìm mãi mới được một đội xe thồ chở đất với giá khá cao. Do nóng vội xây nhà vào mùa mưa, móng vừa đào xong thì nước dâng cao. Mưa dầm dề nhiều ngày khiến việc xây dựng bị trì hoãn.
Nhưng đó không phải là mối lo chính khi phần móng nằm sát đoạn hẻm rộng một m2. Trong ngõ có nhiều trẻ em chạy nhảy nên buổi đêm, tôi phải nhờ điện hàng xóm để thắp đèn, tránh cho ai thụt chân xuống hố.
Sau một tuần, tôi mới có thể ngủ ngon khi đổ móng, xây tường lên cao. Tôi bảo bố trả thêm tiền để có được nhiều thợ lành nghề nhằm triển khai làm càng nhanh càng tốt. Gia đình chọn hình thức đổ bê tông bằng máy nên chỉ làm được buổi tối. Nhà trong hẻm sâu, tìm được chỗ đỗ xe, kéo đường ống dẫn bê tông vào công trình cũng đủ mệt mỏi.
Khâu xử lý chỗ để vật liệu cũng đau đầu không kém. Cát mua về phải cho vào từng bao tải, xếp gọn vào trong công trình hoặc sát bờ tường. Đường đi nhỏ hẹp nên các hộ mỗi khi muốn quay xe lại gọi người nhà tôi ra xếp lại. Khi thợ đang thi công trên tầng cao, bố tôi phải lúi húi tự kéo gọn bao tải nặng vài chục kg. Công nhân kéo ròng rọc để tải vật liệu lên tầng liên tục phải ngừng làm vì có xe qua lại.
Dù cố gắng hết sức nhưng việc thi công của gia đình tôi vẫn gây ra nhiều sự cố. Thợ phụ trộn vôi vữa, không kịp quét dọn sạch làm nghẽn đường thoát cống. Bà tổ trưởng dân phố lao ra chửi ầm ỹ nhưng nhà tôi không dám cãi nửa lời vì biết lỗi sai thuộc về mình.
Thêm vào đó là khoảng cách giữa các nhà trong ngõ quá gần nên khó tránh cát bụi bay sang nhà đối diện. Tôi phải cho thợ làm tấm bạt phủ từ tầng 3-4 xuống tận tầng một để hàng xóm đỡ bụi bặm. Dù vậy, tôi vẫn rất áy náy khi gia đình họ bị chết mấy cây cảnh do bụi và thiếu sáng.
Lay lắt 5 tháng, gia đình tôi mới xây xong ngôi nhà 3,5 tầng. Ngày dọn về nhà, tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa qua một cơn ác mộng dài. Bố tôi vừa làm xong nhà thì bị ốm còn tôi cũng sụt 5 kg.
Cũng may, ngôi nhà hoàn tất gần như mong muốn. Ngày cuối tuần, tôi mời cả xóm qua nhà ăn tân gia để cảm ơn mọi người. Tới lúc ấy, tôi tiếp tục được nghe thêm đủ than vãn về nỗi khổ của mọi người sống ở đây trong những ngày tôi làm nhà.
Chỉ biết cười trừ, tôi tự nhủ, từ giờ sẽ không bao giờ xây thêm một căn nhà nào trong hẻm nhỏ tới vậy nữa. Thời gian, chi phí đều đội lên nhưng mệt mỏi nhất vẫn là khiến hàng xóm bực bội, khó chịu ra mặt suốt thời gian dài.”
- Thay đổi 3 tư duy kiếm tiền hiện tại, 10 năm sau chắc chắn nhận trái ngọt
- Hà Nội: Thêm xe ô tô bị ‘sập bẫy’ khi di chuyển qua Dự án D20 Cầu Giấy
- 7 món đồ chủ chốt mà các quý cô công sở yêu thích phong cách đơn giản, thanh lịch cần có
- Vì sao xe điện trắc trở và chưa thể thay thế được xe xăng ở Việt Nam?
- Hà Tĩnh: Cho con rụt rịt không cổ ăn tre nứa, chàng trai miền núi thu 200 triệu mỗi năm