Làm bạn cùng con có lẽ là điều mà bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng luôn mong muốn để sớm thấu hiểu và gần gũi với con, nhưng thực tế đây không phải là một việc dễ dàng.
Khi con càng lớn, bằng một cách nào đó khoảng cách giữa chúng ta và con càng ngày càng xa, rồi dần mất kết nối, không thể chia sẻ và lắng nghe cùng nhau như những khi còn nhỏ….
Đôi khi vấn đề không chỉ xuất phát từ các con mà chính cha mẹ cũng “góp phần” kéo dãn khoảng cách cha mẹ với con mình. Để làm bạn với con, cha mẹ nhất định phải nhớ những điều sau:
1. Trước hết, cha mẹ vẫn là cha mẹ
Bước đầu tiên trong việc xây dựng một mối QH bền vững với con cái, đó là nhấn mạnh với con “nguyên tắc vàng”: cha mẹ vẫn là cha mẹ. Nhiều phụ huynh cố gắng thân thiện để làm bạn với con đến mức khiến con quên đi rằng trước khi là bạn, đó vẫn là cha mẹ mình. Dĩ nhiên, có thể trở thành bạn thân của con là điều rất tuyệt vời, nhưng cũng đừng quên vai trò phụ huynh của mình, và rằng ngoài cha mẹ, con vẫn có rất nhiều người bạn khác cùng lứa tuổi ở trường. Cho con tự do là điều tốt, nhưng cha mẹ cũng đừng quên, nếu nước Mỹ đã dạy cho thế giới được bài học gì, thì đó chính là quá nhiều tự do cũng có thể dẫn đến những hậu quả xấu. Điều này đúng với một quốc gia, và dĩ nhiên cũng đúng với một cá nhân nhỏ là con trẻ.
2. Thiết lập sự bình đẳng dựa trên những nguyên tắc
Tình bạn thực sự không có nghĩa là chỉ cười và đồng ý, hay giả vờ như mọi việc đều ổn. Nếu cha mẹ cho phép trẻ làm mọi điều con muốn chỉ để duy trì tình cảm tốt giữa cả hai, điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rằng con sẽ càng ngày càng nổi loạn. Khi không có những giới hạn được đặt ra bởi cha mẹ, trẻ sẽ có khả năng tự ý làm mọi thứ và thực hiện những điều không phù hợp với lứa tuổi của con. Thay vì cố chiều mọi thứ để khiến con vui, với hy vọng rằng con sẽ xem cha mẹ như bạn bè, hãy trở thành một người bạn thực sự. Người bạn thực sự nghĩa là đôi khi chúng ta phải đưa ra những quyết định cứng rắn hơn.
3. Trong mọi tình huống phải tôn trọng cảm xúc của con
Nhiều bậc cha mẹ thường mắc sai lầm khi áp đặt hành động của con bằng suy nghĩ của bản thân. Khi con khó chịu, cáu giận không lý do… thay vì chia sẻ, lắng nghe thì nhiều bố mẹ lại bỏ qua, thậm chí là gắt gỏng với con. Những hành động tuy nhỏ đó sẽ khiến khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình bị đẩy ra xa hơn, thậm chí con còn nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực như cô đơn, tự ti, chống đối…
4. Luôn trao quyền và thể hiện sự tin tưởng với con
Mặc dù, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống nhưng với sự phát triển của xã hội, thế hệ trẻ luôn là người cập nhật xu hướng nhanh nhạy hơn bố mẹ rất nhiều. Bởi vậy, bố mẹ cũng nên chủ động học hỏi từ con như việc sử dụng các ứng dụng, thiết bị công nghệ… để con và bố mẹ có thêm nhiều thời gian trò chuyện với nhau hơn, đồng thời cũng giúp con tăng khả năng truyền đạt. Đơn giản hơn, bố mẹ có thể đặt niềm tin vào con bằng những việc nhỏ nhặt như động viên con sẽ đạt điểm tốt, cho con quyết định khi mua sắm…