Con ước gì bố mẹ đừng kì vọng quá nhiều vào con như “con nhà người ta”, để mỗi lần vấp ngã, con không buồn bã và sợ hãi nhiều đến thế.
Chẳng biết ngày còn đi học, bố mẹ có từng bị so sánh với “con nhà người ta” hay không, còn với con, vượt qua “con nhà người ta” giống như một mục tiêu mà có lẽ con sẽ chẳng bao giờ làm được.
“Con nhà người ta học ngày học đêm, giải thưởng nào cũng có. Con nhà mình có thi học kì, thi cấp 3 thôi mà làm cũng không xong”. Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu con nghe thấy câu nói đó trong bữa cơm của gia đình mình. Đã nhiều lúc, con ước rằng bố mẹ đừng quá kì vọng vào con, để mỗi khi kết quả không được như ý, bố mẹ sẽ không phải thất vọng nhiều đến thế. Phép tu từ so sánh cô giáo dạy con từ ngày tiểu học, tác dụng của nó là làm sự vật, sự việc trở nên sống động hơn. Nhưng sao bây giờ, mỗi lần nghe thấy những lời so sánh với “con nhà người ta”, con lại cảm thấy chán nản, mệt mỏi và áp lực nhiều đến vậy? Mỗi sáng thức dậy, con đều cảm nhận cuộc sống này giống như một trường đua khốc liệt mà ở đó, bố mẹ đang đặt cược cả gia tài vào con. Nhưng thử hỏi, nếu bố mẹ nào cũng muốn con mình là người dẫn đầu, vậy lấy ai để đứng ở những vị trí kế sau? Và nếu đã trong cuộc chạy đua, thì kẻ thắng, người thua, nhất, nhì, ba,… bét lại là quy luật mà không ai có thể thay đổi được.
Đôi vai bé nhỏ của con, mỗi mùa thi đến phải chịu rất nhiều những gánh nặng từ kiến thức, từ thầy cô, và từ phía gia đình. Một ngày mệt mỏi ở trường, đến khi về nhà tưởng như sẽ trút bỏ được quả tạ “điểm số” thì bố mẹ lại đặt lên lưng con những bảng xếp hạng của “con nhà người ta”. Bố thì nói rằng: “Cố gắng thi đạt kết quả cao phải hơn anh này, chị kia con nhé!”, mẹ lại dặn: “Con nhà người này, người kia học giỏi lắm đấy, làm thế nào đừng để bố mẹ mất mặt.”, những lời nhắc nhở, động viên khiến con đã tắt đèn, gấp sách, lại phải ngồi dậy, mở đèn sáng hơn, làm thêm vài chục bài toán nữa mới thoải mái mà đặt lưng ngơi nghỉ. Con thấy sợ mùa thi và sợ cả bạn “con nhà người ta” mà bố mẹ vẫn thường hay nhắc đến.
Con mong bố mẹ đừng đặt ước mơ và mong mỏi của mình làm tương lai của con vì con cũng có những hoài bão của riêng mình. “Mày cứ suốt ngày vẽ vời thì làm được gì, học Sinh, học Toán rồi thi vào trường Y, sau này làm bác sĩ cho bố mẹ được nhờ”, “làm gì thì làm, điểm Toán mà không được giỏi thì hè này học thêm vài lớp nữa”,… và còn vô số những mong mỏi khác dành cho rất nhiều những đứa trẻ như con. “Con nhà người ta” học giỏi, giành huy chương này, bằng cấp kia, có thể vì họ được theo đuổi thứ mà họ muốn. Còn con, con chưa từng được thực sự làm những gì con muốn. Bố mẹ muốn con làm một bác sĩ để lo cho bố mẹ bệnh tật khi về già, vậy nếu con là một nhà thiết kế, may cho bố mẹ những bộ quần áo đẹp, đó liệu có phải niềm vui? Con nghĩ rằng xã hội này đều có sự phân công rõ ràng, nếu có những người như con, đam mê nghệ thuật, may vá, vẽ vời thì cũng sẽ có những người yêu thích khoa học, y học và trở thành giáo sư, bác sĩ. Quan trọng nhất là được sống và theo đuổi với đam mê của chính mình thì mới có động lực để cố gắng.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, sẽ ra sao nếu bố mẹ chẳng còn quan tâm đến con và để mặc con với những ước mơ của mình? Và sẽ thế nào khi con cần những lời khuyên, lời tư vấn mà không có bố mẹ ở bên cạnh? Con cũng sợ một ngày nào đó, vì còn quá trẻ mà con sẽ khó có thể tự đứng dậy sau những sai lầm của mình. Vì thế, con hi vọng rằng bố mẹ sẽ luôn đồng hành cùng con, cho con được ước mơ, được theo đuổi đam mê của mình, nhưng cũng tạo cho con một áp lực vừa đủ, một giới hạn nhất định để con không bị đi lệch hướng. Con sẽ chẳng cần quan tâm đến “con nhà người ta” làm gì bởi vi con là “con của bố mẹ”, và con là một bản thể khác biệt, là duy nhất trong cuộc sống này.
Bố mẹ có thể một lần hỏi: Con có mệt không? thay vì: Sao con không làm được?
Mai Hồng
Tâm sự của đứa con :Mong bố mẹ hỏi con có mệt không?Thực sự cảm thấy thương cho đứa trẻ.Đứa trẻ nào mà chẳng muốn bằng bạn bè(hoặc hơn).Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau,có năng khiếu khác nhau. Kỳ vọng vào con quá , tạo áp lực cho con,không cẩn thận con dễ mắc bệnh tâm lý.Hãy tạo áp lực cho con vừa đủ,động viên, khích lệ con theo đuổi đam mê,tạo cho con hứng thú,say mê với những gì con thích. Con sẽ đạt được những thành quả xứng đáng và con sẽ luôn cống hiến hết mình…