Bà nội trợ Huỳnh Thị Đặng (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) dốc công nuôi sâu canxi (ấu trùng ruồi lính đen) để thu lời gần nửa tỷ đồng mỗi năm sau khi được người quen chỉ cách.
Hiện, trong nhà chị Đặng có 1.000 khay nhựa để nuôi sâu canxi. Những khay nhựa này được chị Đặng xếp ngay ngắn, đầy ắp trong nhà nhưng vẫn tạo được môi trường thông thoáng, mát mẻ cho sâu canxi phát triển.
Khi bà nội trợ nuôi sâu canxi
Chị Đặng kể, đã nuôi sâu canxi hơn 10 năm nay. Trước khi nuôi sâu canxi, chị đi bán vé số. Mỗi ngày, chị Đặng bán được 200 tờ vé số, thu được mỗi tháng 6 triệu đồng.
“Mỗi tháng, dù dè sẻn thế nào số tiền thu được từ bán vé số chẳng thấm tháp đâu so với chi tiêu cho gia đình. Gia cảnh cứ thiếu trước, hụt sau”, chị Đặng thổ lộ.
Thấy hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn, thương tình, một người quen đã chỉ chị Đặng kỹ thuật nuôi sâu canxi với mong muốn gia đình chị thoát nghèo. Thực tế, chị Đặng không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với nghề nuôi sâu canxi.
Theo chị Đặng, nuôi sâu canxi không khó, thậm chí là khá nhàn. Bởi nhàn nhã như thế nên đây là nghề rất thích hợp cho những bà nội trợ làm thêm. Một mình chị Đặng thoải mái nuôi 1.000 khay sâu canxi mà không bê trễ cơm nước, dọn dẹp trong gia đình.
Chị Đặng chia sẻ, vốn đầu tư nuôi sâu canxi không nhiều, điều kiện chuồng trại cũng đơn giản. Thức ăn của sâu canxi chủ yếu là thức ăn thừa, như bã đậu nành, hèm bia, trái cây, rau, củ thừa…
Về kỹ thuật nuôi sâu canxi, để ấp trứng ruồi lính đen, nên trộn cám, nước, bã đậu và rải lớp hỗn hợp này vào khay ủ. Sau đó, rải trứng ruồi lính đen lên hỗn hợp và sử dụng lưới mùng đậy khay ủ lại. Đặc biệt, khay ủ trứng phải đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Sau khi ấp trứng khoảng 4 ngày, cho ấu trùng vào khay nuôi với mật độ khoảng 5gr trứng/m2. Nếu mật độ quá dày sẽ khiến chất lượng sâu canxi kém chất lượng.
Thời gian nuôi sâu canxi 14 – 20 ngày có thể lấy ra để sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, chim cảnh… hoặc sử dụng để phân hủy các chất thải hữu cơ trong sinh hoạt. Thường 10gr trứng sẽ thu được 20kg sâu canxi.
Chị Đặng cho biết, sâu canxi ít khi bị dịch bệnɦ. Sâu canxi chỉ không chịu được nhiệt độ cao. Vì thế, chị Đặng buộc phải nuôi sâu canxi trong nhà và dùng quạt làm thoáng mát môi trường sống cho sâu canxi.
Làm giàu với sâu canxi
Được biết, sâu canxi có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong các chất thải sinh hoạt, phân gia cầm, tạo thành chất mùn giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Không những thế, trong sâu canxi có thành phần dinh dưỡng gồm: 43-51% protein, 15-18% chất béo, 2,8-6,2% canxi, 1-1,2% phốt pho. Vì vậy, đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp cho chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản… Bởi thế, bà con chăn nuôi hay lựa chọn nguồn thức ăn này để cung cấp cho vật nuôi, nhằm giảm chi phí chăn nuôi, mang lại lợi nhuận cao.
Theo chị Đặng, mỗi tháng chị thu hoạch khoảng 1.200kg sâu canxi. Giá sâu canxi được thương lái đến trại mua là 75.000 đồng/kg. Trừ chi phí, chị Đặng lời 40 triệu đồng/tháng.
“Đầu ra cho sâu canxi khá dễ. Thương lái thu trại thu mua rồi đưa đi các nơi tiêu thụ”, chị Đặng bộc bạch.
Hiện, không chỉ làm giàu cho chính mình, chị Đặng đang chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi sâu canxi cho một số bà con nông dân sống lân cận với hy vọng giúp bà con thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Dân Việt