Ông Nguyễn Duy Lành, nông dân ở huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã từ hộ nghèo phất lên thành tỷ phú với cả đống nghề như nuôi lợn, nuôi gà Lạc Thủy; trồng cây ăn quả, trồng rau màu…

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Đến thôn Bột, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình hỏi đến ông Lành, người dân ở đây không ai là không biết đến ông, bởi ông là tấm gương điển hình trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Ông Lành nhớ lại: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong thôn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Sau khi cùng bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do các cấp, ngành tổ chức, năm 2.000, tôi mạnh dạn vay vốn và bắt đầu gây dựng trang trại nuôi gà Lạc Thủy, trồng cam lòng vàng và bưởi Diễn.

Trời không phụ lòng người, thành công nối tiếp thành công, từ trang trại với quy mô 1ha, đến nay diện tích trang trại của ông Lành đã phát triển lên 5ha. Ông Lành cho biết: Sau khi có được vốn từ cam lòng vàng và bưởi Diễn cho thu hoạch, gia đình nuôi thêm khoảng 2.000 con gà mái đẻ và mua máy ấp nở trứng và cung cấp con giống thương hiệu gà Lạc Thủy ra thị trường.

Thành tỷ phú nhờ ôm đống nghề

Nhận thấy nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Lành tiếp tục đầu tư xây dựng trại lợn theo công nghệ Thái Lan với quy mô 200 con. Đến nay, trang trại của ông Lành đang nuôi khoảng 14.000 con gà Lạc Thủy; 300 con lợn nái và trên 5.000 lợn thương phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh nghiệm chăn nuôi với chúng tôi, ông Lành tiết lộ: Ngày xưa các cụ thường bảo “một nghề thì sống, đống nghề thì cɦết”, nhưng đến thời mình khác hoàn toàn. Nếu chỉ làm một nghề thì chắc trang trại của tôi không tồn tại đến bây giờ.

“Năm 2016 – 2017, cuộc khủng hoảng thừa khiến giá lợn xuống đến 17.000 đồng/kg, nhưng gia đình tôi làm máy ấp gà năm đó lại được giá nên lợi nhuận thu được đã giúp bù lỗ vào con lợn. Nhờ đó, trang trại lợn mới duy trì và tồn tại được”, ông Lành nói.

Khu vực trại nuôi lợn, gà của ông Lành được quy hoạch bài bản. Trang trại nằm cách xa khu dân cư, có tường bao cách ly với môi trường xung quanh. Trại nuôi lợn được làm mát bằng quạt gió, mặt sàn láng xi măng. Đường đi vào trại lợn được rắc vôi bột trắng xoá. Cũng theo ông Lành, chính nhờ quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đại theo công nghệ Thái Lan đã giúp trại lợn của gia đình vượt qua dịch tả lợn châu Phi năm 2019.

Với quy mô trang trại rộng lớn như vậy, để đàn gà, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình thuê 2 kỹ sư chăn nuôi thú y để giám sát toàn bộ quy trình từ khâu chăm sóc, phối giống đến thức ăn.

Năm 2022, ông Lành xuất 600 tấn lợn; 20 tấn gà và hàng trăm nghìn giống gà Lạc Thuỷ từ 1 – 2 ngày tuổi ra thị trường. Tổng doanh thu từ trang trại chăn nuôi đạt khoảng trên 30 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 6 tỷ đồng.

Ông Lành vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của ông trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho các hoạt động từ thiện, xã hội.

Dân Việt