Chỉ có chút vốn ít ỏi và sự chịu khó, chị Trần Thị Loan, 39 tuổi, ở Nghệ An đã thuần hóa loại cây dại, biến thành vườn hoa rực rỡ, đủ sắc màu chuẩn bị đưa ra thị trường bán dịp Tết.

Vườn nhà chị Trần Thị Loan (39 tuổi, trú tại thôn 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thu hút sự chú ý của nhiều người bởi gần 500 cây hoa ngũ sắc đang thì ra hoa rực rỡ. Mỗi cây được đặt trong chậu cố định, cắt tỉa, tạo hình rất đẹp mắt với nhiều màu sắc khác nhau.

Vườn hoa ngũ sắc 500 cây của chị Loan chuẩn bị bán vụ Tết.

Chị Loan chia sẻ, bản thân là người mẹ đơn thân đang sống với cậu con trai học cấp 2. Thu nhập chính của chị là từ nghề chăn nuôi và buôn bán gia cầm.

Cơ duyên trồng hoa ngũ sắc đến với chị nửa năm trước. Chị có người anh trai sinh sống tại Gia Lai, kinh doanh loại hoa này rất thuận lợi. Chị Loan nảy sinh ý định đầu tư để thuần hóa thứ cây dại này.

Chị Loan chăm sóc những cây hoa ngũ sắc.

“Nghĩ là làm, dù chưa có kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trồng loại cây dại này nhưng tôi vẫn quyết định theo đuổi. 5 tháng trước, khi anh trai từ Gia Lai về quê giỗ mẹ, tôi đã cùng anh “hợp tác” trồng hoa ngũ sắc.

Số vốn 20 triệu đồng ít ỏi của tôi khi đó chỉ đủ mua ít chậu thô sơ, phân bón, ni lông, băng dán và một số gốc ngũ sắc đưa về. Để có được gần 500 gốc hoa như ngày hôm nay, tôi cùng anh trai phải đi tìm khắp các bờ bụi, lên rừng đào gốc cây mang về chiết, ghép rồi chăm sóc rất chu đáo, cẩn thận”, chị Loan chia sẻ.

Những thân cây dại lâu năm được chị Loan ghép hoa với nhiều màu sắc và có giá bán trung bình 400-600 nghìn đồng.

Những cây dại có nhiều khối u cũng thu hút khách tới xem, hỏi mua.

Chỉ sau 5 tháng, với sự hỗ trợ đắc lực của anh trai và số vốn ít ỏi, chị Loan đã biến khu vườn để hoang của nhà thành vườn hoa rực rỡ sắc màu. Có những gốc cây lâu năm, sần sùi, mọc nhiều u bướu, chị chọn lọc, chăm sóc rất cẩn thận, chu đáo.

“Trồng hoa ngũ sắc công đoạn khó khăn, phức tạp, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian nhất là cấy ghép cành. Ghép xong phải trùm kín bao bóng và cột dây quanh mắt ghép thật cẩn thận. Khoảng 15-20 ngày sau, mầm mọc lại thì có thể tháo bao nilon ra, bón phân, tưới nước, cắt tỉa… Có những cây cần cấy ghép 2-3 màu sắc khác nhau trên một thân thì phải thật sự khéo léo mới làm được”, chị Loan chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa ngũ sắc.

Một cây dại được ghép hai màu sắc rất bắt mắt.

Dù chưa đến Tết, nhưng thời gian này, vườn hoa ngũ sắc của chị Loan đã hút khách ghé thăm và đặt mua. Chị Loan cho biết, mỗi cây như vậy được bán với giá 400.000-600.000 đồng, tùy thuộc vào các yếu tố như màu sắc, thân cây, tuổi thọ, số nhánh…

“Dự tính đến 20/12 tháng Chạp, tôi sẽ tung hàng bán ra thị trường kiếm tiền tiêu Tết. Chừng này gốc hoa chắc cũng cho tôi thu nhập kha khá. Sau đợt này, tôi sẽ tiếp tục lên rừng tìm cây đem về cấy ghép để kịp cho năm sau”, chị Loan chia sẻ thêm.

Chị Loan cho biết, vườn có khoảng 300 cây hoàn thiện để cung cấp trong dịp Tết này.