Đa số cha mẹ cho rằng con cái chỉ có thể thụ hưởng một cuộc sống hạnh phúc khi không phải lo lắng về tiền bạc, địa vị, quyền lực. Nhưng thay vì quá lo lắng cho con hãy học cách “nhẫn tâm” một chút mới là người bố, người mẹ tốt.

Đồng hành cùng con không có nghĩa là cha mẹ bao bọc con mình một cách thái quá. Nhiều gia đình vì nuông chiều con, nghĩ rằng nên bảo vệ con mọi lúc, mọi nơi mà không xem xét tình hình, không biết đúng sai đã trách người khác và bênh vực con cái, điều đó làm cho con cái có những suy nghĩ lệch lạc, sống ích kỷ và luôn cho mình là đúng, không biết lắng nghe và chia sẻ với người khác… Đó là thói quen không tốt, có khi dẫn đến những hậu quả không tốt về tâm lý của bé. Yêu thương con và khao khát dành mọi thứ tốt đẹp nhất cho con trẻ là ước vọng chính đáng. Nhưng để trẻ lớn lên có cuộc sống luôn hạnh phúc và thành công cha mẹ hãy học cách “nhẫn tâm” với trẻ ở 3 điểm này.

“Nhẫn tâm” để trẻ học cách tự lập

Trọng tâm duy nhất của những bậc cha mẹ này là giữ cho con được an toàn, không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về tình cảm. Họ bị ám ảnh bởi sự an toàn của con mặc dù chúng vẫn trong môi trường tương đối an toàn. Sự bao bọc thái quá này khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt, phát triển không toàn diện. Vì vậy, cha mẹ phải tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách thoải mái. Khi nuôi dạy trẻ, hãy nhớ đừng làm tất cả mọi thứ hộ con, nếu bạn muốn con mình bay cao bay xa, hãy để con đi con đường mà con nên đi.

Không một ai muốn con cái mình phải vấp ngã. Đôi khi, cái mong muốn trở nên hoàn hảo vô tình khiến chúng ta nghĩ rằng mình đang thất bại khi làm cha mẹ. Nỗi sợ hãi đó dẫn đến việc cha mẹ cảm thấy mình cần phải đảm bảo cho con mình cũng không vấp ngã như cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, trên thực tế, con bạn sẽ phải có lúc thất bại. Và không sao cả. Hãy để chúng trải qua những đau đớn đó và ngạc nhiên bởi sự trưởng thành của chúng. Vì vậy, nếu con của bạn không tham gia đội bóng đá như cha mẹ hy vọng thì cũng không sao, chúng hoàn toàn có thể tập luyện chăm chỉ bộ môn mình yêu thích và trở thành ngôi sao của trường.

Không cha mẹ nào có thể chịu trách nhiệm với con cái cả đời, vì vậy chúng ta nên cho bọn trẻ học cách có trách nhiệm với bản thân càng sớm càng tốt. Có được đức tính này sẽ giúp con mạnh mẽ hơn, sẵn sàng cho mọi thử thách trong cuộc sống. Cha mẹ hãy rèn luyện cho trẻ sự chủ động, giúp trẻ ý thức được những điều cần làm và những điều không nên làm để trẻ có thể tự tìm hiểu, vượt qua những khó khăn.

Trong học tập, hãy dạy trẻ những kĩ năng tự đến trường. Trẻ có thể đi bộ, đi xe bus, hoặc tự đạp xe đến trường học. Ban đầu hãy cứ đi theo để đảm bảo rằng con đi lại và chạy xe an toàn, cũng như quen thuộc mọi đường đi, sau đó điều chỉnh từ từ. Cham mẹ cũng nên dạy con những kĩ năng tự bảo vệ cho bản thân, như: cho con học thêm các môn võ thuật hoặc những chiêu thức phòng vệ. Mặt khác với bài tập về nhà hãy để con tự làm, tự tìm hiểu những kiến thức mới lạ về bài học.

Trong cuộc sống, cha mẹ đừng ngần ngại giao cho con việc quản lý chi tiêu của chính mình. Cho con tự tiết kiệm một khoản tiền nhỏ và cùng con lập ra kế hoạch tiêu dùng phù hợp. Với công việc nhà phân chia hợp lý cho từng thành viên, cho con chọn trước những việc con muốn làm. Đó là những cách để giúp con có tính tự lập.

“Nhẫn tâm” để con cái học cách cư xử

Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể sử dụng những từ ngữ khiến người khác tổn thương hoặc nói hỗn khi không ưng ý điều gì đó. Khi trẻ 3-5 tuổi, cha mẹ sẽ dễ dàng bỏ qua việc này nhưng nhiều lần như vậy, lúc lớn hơn trẻ sẽ cho rằng điều này là được phép và bắt đầu tỏ thái độ mỗi khi cha mẹ yêu cầu làm bài tập về nhà hoặc không chơi game. Lúc này, việc thi hành kỷ luật trở nên vô cùng khó khăn và tần suất trẻ nói hỗn, chửi bậy cũng tăng lên. Vậy nên, đừng nói rằng trẻ còn nhỏ chưa biết gì nên không cần dạy trẻ ứng xử, việc dạy trẻ cách ứng xử đúng mực cần được cha mẹ dạy cho trẻ càng sớm càng tốt.

Biết ơn người dạy dỗ, dìu dắt mình là bài học đầu tiên về truyền thống tôn sư trọng đạo. Đặc điểm tâm lý của trẻ từ 0-2 tuổi là chỉ biết tập trung vào những nhu cầu của bản thân nên nhận thức về các giá trị đạo đức còn rất hạn chế. Từ 2 tuổi trở lên, bé có thể bắt đầu hiểu rằng “cho” và “nhận” là một phần của quy luật tự nhiên của mọi thứ. Cha mẹ hãy định hướng cho con cái biết ơn thầy cô, dạy con từ căn bản, lễ phép với thầy cô, giải thích được vai trò, tầm quan trọng và lòng yêu thương của thầy cô thì trẻ sẽ dễ dàng tự giác chấp nhận.

Sẽ không ai thích giao tiếp với một đứa trẻ khó chịu và hay cáu kỉnh, trẻ con thường chỉ thích chơi với những đứa trẻ hòa đồng, những bé không hòa đồng sẽ bị bạn bè lánh xa. Hãy cho trẻ biết điều này để bé hiểu ai cũng phải tuân thủ theo quy định của cuộc chơi nếu muốn vui vẻ. Không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể ở bên cạnh và giúp bé nên việc giáo dục bé nhận thức được điều này là hoàn toàn cần thiết. Đây cũng là một cách rất hay giúp bố mẹ định hình tính cách cho trẻ và giúp trẻ tập kiềm chế bản thân trong mọi tình huống.

“Nhẫn tâm” để trẻ học tính kỷ luật

Người càng có kỷ luật với bản thân thì càng dễ đạt được thành công, còn người buông thả cũng dễ đi đến sự tầm thường. Bản chất con người hướng đến sự thoải mái và đối với trẻ em cũng vậy. Không gò bó xem TV, nghịch điện thoại, ăn vặt, ngủ nướng, không viết bài về nhà, chỉ chơi trước, lãng phí nhiều thời gian cho việc giải trí… đó là những điều ai cũng muốn tuy nhiên việc này lại khiến con người ta trở nên vô kỷ luật.

Chúng ta biết rằng mọi hành vi, thái độ của con người suy cho cùng đều được xây dựng từ thói quen và nhận thức mà có. Muốn trẻ lớn lên trở thành một người kỷ luật, biết tuân thủ những nguyên tắc của bản thân và xã hội bố mẹ nên dạy trẻ tính kỷ luật ngay từ nhỏ. Việc giúp bé biết đặt ra những mục tiêu, cam kết trong bất kỳ công việc nào cũng sẽ hình thành cho bé thói quen tự giác và tuân thủ đúng quy định đã đặt ra.

Chẳng hạn như: bố mẹ có thể dạy trẻ biết sinh hoạt khoa học, học tập, nghỉ ngơi, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, hay dạy trẻ biết đặt ra mức thời gian cụ thể để hoàn thành một công việc nào đó, hay dạy trẻ tuân thủ quy định về thời gian xem phim trong một ngày… Những bài học đó tuy nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn để hình thành sự tự giác, giúp bé biết cách xây dựng thời khóa biểu và sắp xếp công việc, thời gian một cách hợp lý. Từ đó, ý thức về kỷ luật trong công việc và cuộc sống sẽ dần hình thành ở tính cách và tạo nên thành công trong tương lai cho trẻ.

Vẫn biết bao bọc, bảo vệ, đồng hành cùng con là đạo lý từ xưa đến nay. Tuy nhiên, đồng hành cùng con là dạy cho con đạo lý làm người, dạy cho con tự đứng lên sau vấp ngã chứ không phải yêu thương con một cách mù quáng. Giống như măng tre phải tự tách từng lớp vỏ để vươn mình trưởng thành thì những đứa trẻ muốn độc lập cũng nên tách dần khỏi vòng tay cha mẹ.

Đôi khi “tàn nhẫn” cũng chính là yêu thương, là cách để giúp trẻ trưởng thành, tự lập hơn. Những đứa trẻ tự lập cũng là những đứa trẻ hạnh phúc và dễ thành công hơn trong cuộc sống.