Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
108 lượt xem

3 phẩm chất tốt đẹp giúp con trở thành người "tài đức vẹn toàn"

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình sau này sẽ có một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, cùng một độ tuổi, cùng một lớp học, cùng một phương pháp học tập nhưng thành tích của trẻ lại không giống nhau. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?

Trên thực tế, phương pháp giáo dục con khoa học, thông thái của cha mẹ sẽ quyết định phần lớn sự thành công của trẻ trong tương lai.

Người xưa có câu: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, mọi đứa trẻ sinh ra đều mang theo một bản tính nhất định. Tính cách phát triển theo chiều hướng tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào việc giáo dục.

Trước 6 tuổi là khoảng thời gian vàng để định hình tính cách cho trẻ. Trên thực tế, nhiều người thường cho rằng, trẻ còn nhỏ và chưa thể phân biệt rõ đúng sai, bởi vậy không ít bậc cha mẹ thường để con ‘thuận theo tự nhiên’, đợi đến khi lớn rồi mới uốn nắn. Sai lầm này thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bởi sau này, trẻ sẽ không chịu nghe lời, thậm chí là cãi lại cha mẹ.

Vì thế, cha mẹ cần giáo dục tính cách cho trẻ càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ giúp trẻ trở nên ngoan hơn mà còn là nền tảng giúp trẻ gặt hái được thành tựu to lớn, trở thành người có ích trong xã hội sau này.

Dưới đây là 3 tính cách cha mẹ cần đặc biệt lưu ý để rèn luyện cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ:

Giúp trẻ hình thành tính kiên nhẫn từ nhỏ

Trong hành trình cùng con khôn lớn, ngoài việc kích thích não bộ, cha mẹ đừng quên rèn luyện tính kiên nhẫn bởi nó có nhiều tác động tích cực đến trẻ khi lớn lên. Đứa trẻ có tính kiên nhẫn sẽ học được nhiều bài học giá trị trong cuộc sống và thành công hơn.

Để giúp trẻ trở nên kiên nhẫn, đầu tiên cha mẹ cần là khuôn mẫu cho trẻ noi theo. Khi làm bất cứ việc gì, người lớn đều phải kiên trì, nghiêm túc và làm hoàn chỉnh. Mỗi ngày, trẻ đều quan sát mọi hành động, cử chỉ, lời nói của cha mẹ và học theo. Trẻ sẽ học theo cách cha mẹ giữ bình tĩnh và xử lý tình huống trong lúc khó khăn.

Để rèn cho con tính kiên nhẫn, cha mẹ hãy tạo những khoảng thời gian để trẻ học cách chờ đợi. Chẳng hạn như khi làm đồ ăn cho con, hãy hỏi con nhận xét về đồ ăn trước khi thưởng thức hay khi đợi thang máy, xếp hàng mua đồ, chờ tới lượt chơi đu quay,…

Hay khi trẻ cảm thấy đói, trẻ thường lập tức đòi ăn, muốn chơi lập tức đòi đồ chơi. Lúc đó, cha mẹ không nên đáp ứng ngay nguyện vọng mà nên kéo dài một khoảng thời gian nhất định. Như vậy mới có thể rèn luyện tính cách kiên nhẫn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Ngoài ra, để giúp con xây dựng tính kiên nhẫn, cha mẹ cần đưa ra điều kiện ngược lại khi con yêu cầu thứ gì đó. Chẳng hạn trẻ sẽ phải hoàn thành bài tập, làm việc nhà hoặc một điều gì đó mới nhận được thứ mình mong muốn.

Phương pháp này sẽ giúp trẻ học được cách có mọi thứ bằng chính năng lực bản thân. Từ đó, trẻ sẽ hiểu được ý nghĩa của thời gian, nên nhẫn nại và biết mình cần phải chờ đợi bao lâu.

Loại bỏ ngay tính ghen tỵ càng sớm càng tốt

Sự công bằng vốn không được chia đều cho mọi người, mỗi đứa trẻ lớn lên trong một gia cảnh khác nhau. Trẻ còn quá nhỏ để hiểu được thế nào là công bằng, vì thế hầu hết mọi đứa trẻ đều tồn tại tính ganh tỵ.

Việc dạy trẻ về sự công bằng luôn là điều khó khăn nhất và cần được bắt đầu từ sớm. Bởi ganh tỵ với người khác là một tính cách xấu, gây cản trở sự thành công của trẻ trong tương lai.

Nhiều trẻ có thái độ ganh ghét, tỏ ra bực tức, khóc lóc khi thấy bạn có quần áo, đồ chơi đẹp hơn. Trong trường hợp này, cha mẹ cần giữ thái độ nghiêm khắc để dạy trẻ. Hãy lắng nghe lý do, đồng thời phải giải thích cho trẻ hiểu tại sao không được làm như vậy.

Bên cạnh đó, chính cha mẹ cũng phải có thái độ công tâm, không thiên vị mới có thể dạy bảo cho con.

Dạy cách chia sẻ, nhường nhịn người khác

Trẻ nhỏ thường ít có khả năng tự kiểm soát cảm xúc hay hành động để biết chia sẻ, nhường nhịn người khác. Trẻ luôn đòi bằng được những món đồ chơi mình thích, thậm chí khi một đứa trẻ khác đang chơi món đồ ấy. Một khi được chiều chuộng, đáp ứng nhu cầu, trẻ sẽ không biết nhường nhịn, sẻ chia. Tính cách này sẽ theo trẻ cho đến khi trưởng thành.

Với những trường hợp này, cha mẹ nên khuyến khích các con thay phiên nhau chơi món đồ chơi đó. Đồng thời, hướng sự tập trung của trẻ sang một món đồ chơi hay một hoạt động nào khác để trẻ không chú ý đến món đồ chơi đó nữa.

Quan trọng hơn, cha mẹ nên tập cho trẻ biết cách giữ bình tĩnh và sự kiên nhẫn để giải quyết mọi việc.

Bên cạnh đó, thành tích học tập và tính cách của trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, trong số đó, nhân tố gia đình chiếm phần lớn và có tác dụng quan trọng, thậm chí vượt qua nhân tố ở trường học. Đây là kết luận được rút ra từ cuộc khảo sát của hàng trăm học sinh được nhận vào các trường danh tiếng: Kết quả cho thấy, hơn 92% học sinh có kết quả cao thường xuất thân từ 3 kiểu gia đình sau đây:

Gia đình có cha mẹ biết kiềm chế cảm xúc

Khi con trẻ nghịch ngợm, không nghe lời và quậy phá, cha mẹ sẽ xử lý như thế nào? Khi áp lực công việc quá lớn, cuộc sống có quá nhiều nỗi lo và mối bộn bề, liệu cha mẹ có nổi cáu với con không?

Như chúng ta đã biết, con trẻ giống như một tờ giấy trắng, từng lời nói và việc làm của chúng đều sẽ chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Đặc biệt là môi trường gia đình cũng như cách giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ.

Bởi vậy, từ một góc độ nào đó mà giảng, nguyên nhân khiến trẻ có những hành vi không thích hợp, đó không phải là hành động tự nhiên của trẻ, đó chính là kết quả của ảnh hưởng gia đình và sự tích lũy thói quen theo thời gian.

Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có nhiều cảm xúc tiêu cực, thường xuyên bị cha mẹ trách móc, oán thán sẽ dễ trở nên bạo lực, nổi giận, khi đối mặt với những vấn đề khó khăn, chúng thường mất bình tĩnh,… kết quả học tập cũng không lý tưởng.

Thông qua khảo sát cho thấy, không có đứa trẻ nào đạt kết quả học tập xuất sắc mà lớn lên trong môi trường gia đình đầy cảm xúc tiêu cực. Đa số chúng được sống trong môi trường giáo dục gia đình tích cực, được cha mẹ quan tâm và chăm sóc đầy đủ, đặc biệt về phương diện tinh thần.

Từ đó có thể thấy rằng, cha mẹ biết cách quản lý và kiềm chế cảm xúc của mình, đối với kết quả và thành tích học tập của trẻ là rất quan trọng.

Con trẻ có tinh thần và cảm xúc tốt, điều này sẽ bồi dưỡng cho trẻ tính cách cởi mở, lạc quan. Lớn lên, chúng sẽ trở thành một người biết cách quản lý cảm xúc của mình, điều này cũng sẽ giúp chúng đạt hiệu quả trong công việc cũng như học tập.

Gia đình có cha mẹ biết cách ‘buông tay’ để con ngày một trưởng thành, tự lập hơn

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng, con cái của họ còn bé bỏng, chưa hiểu chuyện và không tự làm được nhiều việc. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ thường làm hết mọi thứ thay cho con.

Làm cha mẹ, ai cũng sẽ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con của mình, nhưng họ có thể không hiểu rằng, việc yêu thương và bao bọc con quá mức sẽ cản trở sự phát triển, khả năng tự lập, điều đó không có lợi cho sự trưởng thành của chúng.

Vì vậy, trong giáo dục gia đình, cha mẹ phải học cách ‘buông tay’ đúng lúc, đúng cách. Cha mẹ biết cách ‘buông tay’ để con tự lập, chúng mới có cơ hội rèn luyện và trưởng thành. Bằng cách này, khả năng lao động của trẻ sẽ được nâng cao và cải thiện, chúng sẽ trở nên tự tin hơn.

Buông tay ở đây không phải nói là phó mặc, bỏ bê, không quan tâm. Cũng giống như chúng ta khi thả diều, khi thả diều cần thả lỏng tay, không nên xiết quá chặt. Nếu như cắt đứt dây diều, không quản con cái nữa thì diều sẽ bị rơi xuống. Nuôi con mà không dạy con, không giáo dục con đúng cách thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Gia đình có cha mẹ thường xuyên giao tiếp lành mạnh với con

Một vị giáo viên từng hỏi học sinh: Khi các em gặp khó khăn, người đầu tiên các em muốn trợ giúp là ai?

Kết quả nhận được khiến các bậc phụ huynh vô cùng ngạc nhiên: Xếp thứ nhất là bạn bè, xếp thứ 2 là giáo viên, cuối cùng mới là cha mẹ.

Khi trẻ gặp khó khăn, vì sao chúng không muốn cha mẹ giúp đỡ?

Nguyên nhân chủ yếu là: Gia đình thiếu tương tác, nói chuyện ít với nhau.

Nguyên nhân chính là do gia đình thiếu giao tiếp lành mạnh. Đối với những gia đình thiếu giao tiếp, vấn đề chính nằm ở cha mẹ. Nếu cha mẹ không chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, hàng ngày thiếu sự quan tâm và hỏi han trẻ, thậm chí thường xuyên trách móc, đổ lỗi và than vãn,… điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy khó có thể kết nối với cha mẹ một cách dễ dàng, thậm chí sẽ làm tổn thương đến chúng.

Giữa phụ huynh và con cái nếu không có giao tiếp lành mạnh với nhau thì sẽ dẫn đến cảnh không hiểu nhau. Khi con cái gặp khó khăn về vấn đề học tập, trẻ sẽ không cần sự trợ giúp của cha mẹ. Dần dần sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ.

Vậy, làm cách nào để các thành viên trong gia đình có sự giao tiếp lành mạnh?

Trước hết, cha mẹ cần phải học cách lắng nghe con trẻ, đó là bước đầu tiên trong giao tiếp. Nếu trẻ đang lo lắng về điều gì đó, cha mẹ cũng có thể dừng công việc đang làm và chú ý lắng nghe trẻ.

Cha mẹ xuất sắc sẽ biết cách lắng nghe và tôn trọng những suy nghĩ ​​của con cái.

Khi trẻ gặp khó khăn và tìm kiếm sự giúp đỡ từ cha mẹ, tốt nhất là cùng trẻ thảo luận và tìm ra cách giải quyết của vấn đề, hướng dẫn của cha mẹ càng cụ thể càng tốt.

Thông qua thảo luận cùng nhau, phương hướng giải quyết vấn đề sẽ ngày một rõ ràng hơn. Đồng thời, cách làm này cũng khiến trẻ trở nên tự tin, quyết đoán với đối với quyết định của bản thân mình.

Cha mẹ thường xuyên giao tiếp với con không chỉ cho trẻ cơ hội được bày tỏ ý kiến, quan trọng nhất là trẻ có cảm giác được tin tưởng hơn. Khi trẻ ngày càng tự tin, chúng sẽ có thêm động lực bứt phá trong học tập, cải thiện kết quả học tập, từ đó có một tương lai tươi sáng.

Bài viết cùng chủ đề: