Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
111 lượt xem

Hải Dương: Loại khoai ở đâu cũng mọc, đẻ ngó quanh năm nông dân thu trăm triệu/năm

Những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả do trũng, ngập nước nay người dân đã chuyển đổi sang trồng khoai, trồng một lần khai thác ngó quanh năm. Do thị trường ưa chuộng ngó khoai như món đặc sản nên luôn đắt hàng, có nhiều hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cây làm giàu ở vùng ruộng trũng

Thay vì chỉ phụ thuộc vào hai vụ lúa, nhiều hộ dân xã Lê Hồng (Thanh Miện, Hải Dương) đã chuyển sang trồng khoai lấy ngó, từ đó thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.

Những năm trước đây, cả gia đình anh Bùi Duy Tin ở thôn Hoành Bồ chỉ dựa vào gần mẫu ruộng trồng lúa. Do thời tiết thất thường, sâu bệnh nhiều, năng suất lúa giảm, chi phí đầu tư ngày càng tăng nên gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Nhờ một người bạn giới thiệu, anh Tin đã chuyển từ trồng lúa sang trồng khoai lấy ngó.

Năm 2015, học hỏi từ các hộ trồng khoai lấy ngó khác tại địa phương, anh Tin tận dụng 8 sào ruộng trũng để trồng khoai lấy ngó. Sau khi cải tạo lại ruộng, mỗi sào anh trồng từ 1.200- 1.500 mầm khoai với chi phí giống, phân bón gần 3 triệu đồng. Sau 3 tháng xuống giống, mỗi sào khoai cho thu hoạch từ 5-10 kg ngó/ngày. Với giá bán từ 15.000 – 17.000 đồng/kg cho các thương lái đến từ Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh…, mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 14-17 triệu đồng/tháng.

Anh Tin cho biết giống khoai lấy ngó được nhập từ Thái Lai với ưu điểm đẻ ngó khoẻ, cây thấp, chịu sâu bệnh tốt, cho thu hoạch liên tục từ 9 – 12 tháng/năm. So với nhiều loại cây trồng khác, khoai lấy ngó dễ trồng, chăm sóc đơn giản, chủ động được nguồn giống nên không tốn nhiều chi phí để thuê nhân công.

Theo chia sẻ kinh nghiệm của một số hộ dân ở xã Lê Hồng, trước khi trồng khoai lấy ngó, cần làm đất kỹ, sau đó rắc vôi bột xử lý đất. Trong quá trình cây phát triển nên bón phân, phun thuốc trừ sâu theo chu kỳ. Người trồng thường xuyên quan sát lá, thân để kịp thời phát hiện cây bị bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng để phun trừ sâu bệnh và chăm bón phù hợp. Nếu phát hiện khoai bị nhiễm bệnh cần chủ động khoanh vùng xử lý, tránh để bệnh lây lan.

Sau khi lấy ngó xong phải bọc bẹ lá lại ngay để ngó mọc sau phát triển nhanh hơn. Sau 1 – 2 năm thu hoạch, cây khoai sẽ khô dần và không cho ngó nên cần chuẩn bị cây giống để trồng lại. Để khoai lấy ngó phát triển tốt, cho năng suất cao, ruộng cần có nước ra vào thường xuyên.

Ngó khoai giá cao, cháy hàng

Là một trong những hộ đầu tiên đưa khoai lấy ngó về trồng, anh Đặng Văn Măng ở thôn Hoành Bồ cho biết gia đình anh trồng hơn 4 sào khoai lấy ngó. Trung bình mỗi tháng cho thu nhập từ 7-8 triệu đồng, cao gấp 20-30 lần so với trồng lúa. Khoai lấy ngó ưa nước nên ruộng có ngập lụt hay bão gió cũng không bị ảnh hưởng. Ngó khoai thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

“Nhiều thời điểm không đủ ngó để bán nên tôi mong muốn tiếp tục được nhân rộng ra các địa phương khác. Ngoài bán ngó khoai, chúng tôi còn cung cấp giống cho người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… với giá từ 1.000-1.500 đồng/ mầm”, anh Măng nói.

Ông Đoàn Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Hồng cho biết trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ dân trồng khoai lấy ngó với tổng diện tích trên 10 ha. Đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa. Nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo nhờ cây này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương để có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện nhân rộng mô hình này.

Hiện nay, người dân Lê Hồng đang rất mong mỏi huyện Thanh Miện cũng như tỉnh Hải Dương có phương án hỗ trợ người dân, mở rộng sản xuất nghề trồng khoai lấy ngó. Đồng thời chung tay tìm đầu ra lớn hơn, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Trồng khoai không nhàn nhã như trồng lúa nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Thời tiết thuận lợi, khoảng 3 – 4 ngày khoai lại cho thu ngó. Cây khoai ngó đang góp phần nâng cao giá trị tại những vũng ruộng trũng trồng lúa khó khăn. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ ngó khoai tăng cao, để phát triển bền vững cho cây khoai ngó địa phương cần quan tâm tới xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng trồng và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ ngó khoai.

Bài viết cùng chủ đề: